Chăn nuôi an toàn sinh học
Nằm liền kề với xã Lâm Thượng là điểm nóng bùng phát dịch tả lợn Châu Phi trong tháng 5 vừa qua. Chính vì vậy, chính quyền và người dân xã Mai Sơn đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn.
Với phương châm “phòng bệnh là chính” gia đình anh Âu Văn Quang ở thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn hơn 20 con, trong đó có 2 lợn nái và 20 lợn thịt.
Ngoài việc đảm bảo chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, được khử trùng, tiêu độc theo định kỳ, anh Quang còn lựa chọn nguồn thức ăn, xử lý chất thải theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Theo anh Quang, đàn lợn là tài sản lớn của người nông dân như gia đình anh, khi có thông tin nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có xã Lâm Thượng ngay liền kề đã bùng phát dịch tả lợn Châu Phi gia đình anh rất lo ngại. Nếu đàn lợn mắc bệnh sẽ phải tiêu hủy, được Nhà nước hỗ trợ phần nào, còn lại coi như mất trắng.
Trước nguy cơ này, gia đình anh Quang và các hộ chăn nuôi lợn trong xã đã được cán bộ thú y xuống tận nơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch như rắc vôi bột, tăng lượt phun thuốc tiêu độc, khử trùng từ 1-2 lần/tuần. Thực hiện tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Ngoài ra, anh cũng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi, khử trùng, khử khuẩn các dụng cụ cho lợn ăn, tăng lượng thức anh tinh bột nấu chín cho đàn lợn.
Tiêm vacxin theo hướng dẫn của cán bộ thú y
Cũng giống như gia đình anh Quang, chăn nuôi lợn mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Hoàng Văn Quốc ở xã Mai Sơn. Hiện nay, trong chuồng nhà ông có 3 lợn nái và hơn 20 con lợn thịt. Để bảo vệ sức khỏe đàn lợn, ông Quốc đã thực hiện tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt. Sau gần 1 tháng tiêm phòng, theo dõi, đàn lợn khỏe mạnh, ăn uống tốt nên ông khá yên tâm.
Ông Quốc chia sẻ, đây cũng là lần đầu tiên gia đình ông thực hiện tiêm phòng loại vacxin dịch tả lợn Châu Phi nên rất thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn.
Loại vacxin được cán bộ thú y hướng dẫn là AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Vacxin này chỉ tiêm cho đàn lợn thịt trên 4 tuần tuổi khỏe mạnh, không tiêm cho lợn nái.
Ngoài những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh tả lợn Châu Phi từ con người, một số vật nuôi và côn trùng như chó, mèo, ruồi, muỗi, chuột… cũng là yếu tố trung gian có thể làm lây lan mầm bệnh. Vì vậy, ông Quốc dùng bạt quây kín khu vực chuồng trại, không cho người lạ và động vật khác vào khu vực chuồng lợn, hạn chế tối đa sự xâm nhập của côn trùng.
Hiện, xã Mai Sơn có tổng đàn lợn gần 4.000 con. Trước những nguy cơ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền và các hộ chăn nuôi ở địa phương đã và đang chủ động triển khai những giải pháp để phòng, chống dịch.
Tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành chức năng, tổ chức ký cam kết, với những hộ kinh doanh buôn bán, giết mổ, tuyệt đối không mua bán lợn từ nơi khác đến. Đặc biệt, đã có 97% hộ chăn nuôi đã thực hiện tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh cho đàn lợn.
Ông Âu Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết, mặc dù chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại địa bàn xã, nhưng UBND xã đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch. Chỉ đạo các thôn, vận động người dân vệ sinh chuồng trại, chủ động tiêm phòng vacxin và tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập đàn.
Không “tham bát bỏ mâm” để lây lan dịch bệnh
Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện vào ngày 10/5 tại xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. Đây cũng là ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Yên Bái trong năm nay. Cả 8 thôn của xã Lâm Thượng đều phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi. Toàn xã có gần 300 con lợn của 69 hộ gia đình bị nhiễm bệnh, tổng trọng lượng phải tiêu hủy hơn 11 tấn.
Với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương với các ngành chức năng và hộ chăn nuôi nên đến cuối tháng 6 tình hình dịch bệnh đã được không chế, không phát sinh ổ dịch mới. Theo quy định, UBND huyện đã công bố hết dịch tại xã Lâm Thượng.
Mặc dù vậy, dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát trở lại vào bất cứ thời điểm nào, do đó huyện Lục Yên đã chỉ đạo ngành các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện hướng dẫn, tuyên truyền người dân tiêm phòng vacxin cho đàn lợn, tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các hộ chăn nuôi. Vận động người dân thực hiện rắc vôi bột khử trùng khu vực chuồng trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng chống dịch.
Hiện nay, toàn huyện Lục Yên có tổng đàn lợn hơn 100.000 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi, bên cạnh các biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch từ chính quyền và ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn sống và hàng hóa từ thịt lợn ra, vào địa bàn. Tránh tình trạng “tham bát bỏ mâm” sợ thiệt hại kinh tế mà dấu dịch, bán chạy lợn ốm, lợn chết làm lây lan dịch bệnh.
Ông Trần Văn Hoan, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Lục Yên cho biết thêm, huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện triệt để nguyên tắc 5 không là “không dấu dịch, không mua bán lợn dịch, lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không thả rông và không vứt xác lợn ra môi trường”.