Toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.070ha rừng thông bị sâu róm thế hệ thứ III hoành hành, các chủ rừng đang lo ngay ngáy trước thực trạng này.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, hiện trên các lâm phần thông của tỉnh Nghệ An, sâu róm thông thế hệ III/2024 đã phát sinh trên quy mô 1.070ha. Trong đó huyện Nghi Lộc là địa phương bị sâu róm gây hại rừng thông nặng nhất với hơn 750ha, diện tích này thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện.
Theo ghi nhận, sâu róm phá hại rừng thông tại Nghi Lộc nói riêng, Nghệ An nói chung đã có từ lâu nhưng mức độ không đáng kể, tuy nhiên từ cuối tháng 7/2024 lại gia tăng theo chiều hướng đáng báo động.
Trong số 750ha rừng thông bị sâu róm gây hại tại huyện Nghi Lộc, có 450ha bị nhiễm ở mức trung bình, 300ha bị gây hại nặng. Hiện nhiều điểm, nhiều lô khoảnh thông tại khu vực rừng La Nham, dọc đường D4 thuộc các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) đã bị rụng lá hàng loạt, trơ trọi và suy yếu. Cá biệt có nơi mật độ sâu róm “phủ kín”, mật số từ 350 – 400 con/cây.
Những khu vực khác như rừng Rú Tuần, Tùng Sơn, Cửa Mỏ thuộc khoảnh 1, tiểu khu 959 (xã Nghi Yên; vùng Đập nước khoảnh 1, tiểu khu 960B xã Nghi Tiến và một phần Đồi 200 phía đông giáp biển thuộc khoảnh 1, tiểu khu 960 xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) mức độ sâu róm gây hại thông thấp hơn, trung bình từ 150 – 200 con/cây.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát dữ dội của sâu róm gây hại thông trong năm nay đến từ điều kiện thời tiết bất thuận. Mưa nắng thất thường, kết hợp với ẩm độ cao trong không khí đã tạo điều kiện lý tưởng cho sâu róm phát triển rầm rộ.
Sâu róm hại thông có sức tàn phá vô cùng lớn, đặc biệt là giai đoạn trưởng thành. Sâu róm có thói quen cắn phá lá thông, càng về sau mức độ càn quét càng gia tăng, dần sẽ khiến thông bị rụng rá đồng loạt. Những cây thông bị sâu róm phá hại một thời gian sẽ trơ trụi lá, nếu không diệt trừ kịp thời sẽ mất dần khả năng quang hợp, để lâu cây sẽ chết.
Trước tình hình trên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã triển khai nhiều biện pháp phòng trừ nhằm kiểm soát sự lây lan. Do phạm vi sâu róm gây hại quá lớn, trong khi nguồn lực có hạn nên đơn vị này ưu tiên xử lý trước mắt 200ha. Kết quả bước đầu khá ổn với tỷ lệ sâu chết cao (trên 60%), nhờ đó góp phần giảm thiểu mật độ sâu róm gây hại từ 300 – 400 con/cây xuống còn 120 – 200 con/cây. Dù vậy, công tác phun trừ cũng đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn.
Ông Trần Văn Trường, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc thừa nhận: “Thời tiết không ổn định làm giảm đáng kể tác dụng của thuốc trừ sâu. Địa hình đồi núi dốc và xói lở cũng khiến việc tiếp cận và phun trừ khó khăn hơn. Yếu tố khách quan nữa là nguồn cung thuốc BVTV và kinh phí phân bổ cho công tác phòng chống dịch có hạn nên khả năng kiểm soát sâu róm gây hại còn hạn chế, không thể xử lý dứt điểm”.
Hiện sâu róm đang ở giai đoạn kết kén, sức đề kháng tăng dần nên việc sử dụng các biện pháp diệt trừ càng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Cực chẳng đã, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc phải chuyển sang phương án thủ công là sử dụng bẫy đèn để bắt những con sâu trưởng thành, vốn đã chuyển sang dạng bướm. Đây được coi là giải pháp khả dĩ nhất lúc này nhằm ngăn chặn sự sinh sôi của sâu róm thế hệ tiếp theo.
“Đơn vị đã đặt thử nghiệm 6 điểm bẫy đèn để theo dõi lượng bướm thực tế. Theo dự báo, khoảng 2 – 3 ngày nữa bướm sẽ rộ lên, lúc đó là thời điểm thích hợp nhất để tiến hành bẫy đèn đồng loạt trên diện rộng. Thời gian bẫy dự kiến kéo dài từ 18h chiều đến 4h sáng”, Phó ban Trần Văn Trường thông tin thêm.
Được biết, toàn bộ diện tích rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc bị sâu róm gây hại nói trên thuộc Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là Dự án 661) và Dự án 327.
Dự báo thời gian tới, sâu thế hệ III/2024 sẽ tiếp tục phát sinh gây hại nặng trên diện rộng, một số vùng đối diện nguy cơ bị sâu gây hại trụi lá, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ “mở đường” cho sâu thế hệ IV phát sinh.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và ngăn chặn nguồn lây lan giai đoạn kế tiếp, Sở NN-PTNT Nghệ An đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; các chủ rừng và đơn vị có liên quan phải chủ động nắm bắt, khoanh vùng diện tích rừng thông có mật độ sâu cao, có nguy cơ bị gây hại nặng để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng trừ kịp thời.
Ngọc Linh – Việt Khánh
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới