Sản phẩm Halal đòi hỏi phải đáp ứng được nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Do vậy, kể cả những người không theo đạo Hồi cũng có xu hướng sử dụng sản phẩm Halal.
Để thâm nhập sâu và mở rộng thị phần ở thị trường Halal, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động, có những bước chuẩn bị ngay từ đầu để đạt được chứng nhận Halal, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một trong những doanh nghiệp đi trước đón đầu, chuẩn hóa quy trình, cũng như chất lượng sản phẩm để đạt được các chứng nhận quốc tế là Công ty Cổ phần Hồ tiêu Việt (Vipep), với các sản phẩm gia vị từ tiêu, hồi, quế, ớt, tỏi, đinh hương…
Bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc Vipep cho biết, hiện các sản phẩm và nhà máy của doanh nghiệp đã đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, Halal, HACCP, chứng chỉ BRC… và đã xuất khẩu đi 16 thị trường như châu Âu, Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Nhật Bản, Philippine, Thái Lan, Campuchia…
“Thị trường Halal rất tiềm năng. Người đạo Hồi nhiều, ở rải rác khắp nơi, không chỉ ở tiểu vương quốc Ả Rập mà ngay cả ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi đã chú trọng để lấy chứng chỉ Halal phục vụ đối tượng khách hàng này,
Mục tiêu của chúng tôi là bán cho người tiêu dùng cuối cùng, do vậy không bỏ sót thị trường nào. Qua đó, phân tán rủi ro, không tập trung vào một thị trường mà chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm”, bà Lê Thị Hoài Thương nói và cho biết thêm, doanh nghiệp tập trung tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế tại Dubai, Malaysia, Indonesia để mở rộng thị phần tại các thị trường Halal.
Tuy nhiên, bà Hoài Thương cũng mong muốn các Bộ, ban ngành hỗ trợ tìm kiếm một đầu mối khi tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế để kết nối với các nhà mua hàng ở thị trường Halal, nhằm rút ngắn thời gian, cũng như chi phí, mang lại hiệu quả giao thương cho doanh nghiệp.
Với nhiều sản phẩm sau chế biến về chanh đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Long An) là một trong vài doanh nghiệp chuyên về chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Halal, HACCP, FDA…
Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Long An) cho biết, thị trường Trung Đông có nhu cầu nhiều các sản phẩm về chanh. Đặc biệt chanh Việt Nam hiện nay khoảng 60 – 70% xuất đi Trung Đông.
“Thị trường Halal là thị trường rất lớn đối với sản phẩm sau chế biến của chanh Việt. Đây là thị trường lớn đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Chúng tôi mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường Halal tại Malaysia. Dự kiến, 3 năm tới chúng tôi sẽ tập trung đi sâu vào thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, chất lượng vẫn là yếu tố quyết định”, ông Nguyễn Văn Hiển chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing, Văn phòng Chứng nhận Halal, việc lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế là điều mà các doanh nghiệp cần lưu ý để giúp sản phẩm của doanh nghiệp tạo uy tín, nâng cao vị thế thương hiệu và dễ dàng được chấp nhận tại các thị trường Hồi giáo, tránh gây lãng phí thời gian, chi phí.