Liên tục tin vui cho rau quả Việt
Hơn 1 tháng sau khi Australia mở cửa cho trái chanh leo Việt Nam, ngày 19/10, lô chanh leo đầu tiên đã được Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Blue Ocean (Blue Ocean JSC), đóng tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng xuất khẩu sang Australia. Hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên được mở cửa chính ngạch vào thị trường Australia đã mở ra cơ hội lớn cho chanh leo Việt Nam vào thị trường được đánh giá là khó tính bậc nhất thế giới này.
Trước đó, liên tục trong 2 ngày 15/10 và 18/10, 1 xe dừa tươi với tổng trọng lượng hàng hóa hơn 24 tấn và 1 xe dừa tươi trọng lượng hơn 24 tấn đã được thông quan sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Đây cũng là những lô dừa tươi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đường bộ phía bắc, sau khi thị trường này mở cửa cho trái dừa tươi của Việt Nam.
Các lô hàng dừa tươi Việt Nam đầu tiên xuất sang thị trường Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Bến Tre. Đây là thành quả mới nhất của 2 nước trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao, đi sâu hợp tác thương mại, nhằm thực hiện tinh thần các Tuyên bố chung đạt được giữa 2 bên thời gian qua.
Hai lô hàng kể trên đã kéo dài tin vui cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so cùng kỳ năm trước. Đây là giá trị kim ngạch ở mức cao nhất từ trước đến nay của ngành rau quả Việt Nam. Ngoài quả sầu riêng liên tục bứt phá thì chuối, dừa, thanh long và xoài những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Đáng nói, 9 tháng đầu năm nay, sản xuất nông nghiệp nói chung đối mặt nhiều khó khăn, trong đó, bão số 3 đã làm cho nhiều nhà máy bị thiệt hại vùng nguyên liệu. Riêng tháng 9, xuất khẩu rau quả vượt 917 triệu USD, tăng 38% và thiết lập kỷ lục mới. Sầu riêng là sản phẩm chiếm ưu thế, đóng góp đến 65% giá trị xuất khẩu, theo sau là chuối, thanh long, dưa hấu…
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm tới 67% kim ngạch với 3,8 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 38% so năm ngoái. Riêng tháng 9, nước này đã chi hơn 700 triệu USD để nhập rau quả Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả dự báo đạt đỉnh năm 2024
Dự báo, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, rau quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, Trung Quốc sắp bước vào mùa đông, nên cây trái, rau quả nhiều sẽ thu hoạch kém. Trong khi tại Việt Nam, mùa đông lại là mùa khô nên thuận lợi để trồng rau quả, từ đó sản lượng nhiều. Ngoài ra, Việt Nam có kết nối về đường bộ, đường biển, đường sắt với thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển.
Doanh nghiệp tăng cường chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả. |
Đáng chú ý, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh cho khâu chế biến, nâng cao giá trị nông sản. Ngay trong buổi lễ xuất khẩu chanh leo sang Australia, Blue Ocean JSC đã chính thức khai trương nhà máy chế biến trái cây đông lạnh tại Lâm Đồng. Việc xây dựng nhà máy chế biến tại Lâm Đồng là bước đi chiến lược của công ty, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, với tổng diện tích 10.000m2 và hệ thống công nghệ tiên tiến, nhà máy có khả năng sản xuất và cung cấp thị trường hơn 10 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Các sản phẩm được chế biến từ những loại nông sản lợi thế của tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như sầu riêng, chanh leo, chôm chôm, xoài, thanh long… Tất cả đều được xử lý qua quy trình cấp đông nhanh và đóng gói ngay sau thu hoạch, giúp giữ trọn hương vị, độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng tự nhiên.
Hay như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco Sơn La) đã đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng sẽ là một trong những trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Sơn La. Hiện nay, công ty đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu gần 12.000ha trên địa bàn các huyện. Chỉ tính riêng năm 2023, Công ty thu mua hơn 23.000 tấn xoài, ngô ngọt, đậu tương rau, dứa Queen, rau chân vịt, sản xuất hơn 3.700 tấn sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2024, Doveco Sơn La dự kiến xuất khẩu khoảng 40.000 tấn sản phẩm sang thị trường chủ yếu là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel.
Song song với cơ hội, ông Đặng Phúc Nguyên cũng chỉ rõ, sự cạnh tranh của rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đang gia tăng. Nước này không chỉ tăng nhập khẩu mà còn tự phát triển nhanh các loại nông sản chủ lực của Việt Nam. Điển hình là thanh long, sau 10 năm, diện tích trồng của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Về sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các quốc gia có khí hậu thuận lợi.
Do đó, để có sự phát triển bền vững tại thị trường Trung Quốc, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng, và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.