Theo ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, trong tháng 10,xuất khẩu hạt tiêucủa Việt Nam đạt hơn 18 nghìn tấn, trị giá 120 triệu USD. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu đã quay trở lại mốc 1 tỷ USD trong một năm với kim ngạch 1,11 tỷ USD. Lần gần nhất xuất khẩu hạt tiêu đạt trên 1 tỷ USD là vào năm 2017 (đạt 1,12 tỷ USD).
Giá tăng cao là nguyên nhân chính giúp cho xuất khẩu hạt tiêu quay trở lại là một mặt hàng “tỷ đô”. Trong 10 tháng qua, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.971 USD/tấn (tiêu đen) và 6.626 USD/tấn, tăng lần lượt 1.528 USD và 1.671 USD so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ giá tăng cao nên 10 tháng đầu năm, trong khi lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 1,9%, thì kim ngạch lại tăng tới 48% so với cùng kỳ.
Không chỉ quay lại mốc 1 tỷ USD, hạt tiêu Việt Nam trong năm nay tiếp tục giữ vững thị phần ở mức chi phối tại 2 thị trường quan trọng là Hoa Kỳ và EU.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thông tin từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho hay, trong 8 tháng đầu năm 2024, thị trường này nhập khẩu hạt tiêu đạt hơn 63 nghìn tấn, trị giá 307 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Hoa Kỳ, lượng đạt 49 nghìn tấn, trị giá 235 triệu USD, tăng 35% về lượng và tăng 47% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng và kim ngạch như trên, hạt tiêu của Việt Nam chiếm 78% về lượng và chiếm 77% về trị giá trong tổng nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm 2024.
Còn theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 8 tháng đầu năm 2024, EU nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường ngoại khối đạt 45 nghìn tấn, trị giá gần 216 triệu EUR (tương đương 233 triệu USD), tăng 33% về lượng và tăng 50% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu ngoại khối lớn nhất cho EU, đạt 30 nghìn tấn, trị giá 138 triệu EUR (tương đương 149 triệu USD), tăng 42% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ 2023. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối chiếm 66% tổng lượng và chiếm 63% tổng trị giá trong 8 tháng đầu năm 2024.
Tuy xuất khẩu tốt trong 3 quý đầu năm, nhưng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam được dự báo sẽ không thuận lợi trong thời gian còn lại của năm. Nguyên nhân đầu tiên là nguồn cung hạt tiêu Việt Nam hiện còn rất thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu từ Trung Quốc vẫn thấp.
Dự kiến sang đầu năm 2025, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ thuận lợi trở lại nhờ nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc có thể sẽ tăng mạnh trở lại. Trong khi đó, sau vụ thu hoạch gần nhất của Indonesia thì đến tận tháng 2/2025, nguồn cung hạt tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự bổ sung đáng kể. Đây được cho là yếu tố thuận lợi khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới 2025.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong ngắn hạn, giá hạt tiêu thế giới sẽ biến động theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, xu hướng giảm sẽ không kéo dài do nguồn cung hạn chế, nhu cầu nhập khẩu tăng theo yếu tố mùa vụ. Tại các thị trường nhập khẩu lớn, nhu cầu tăng tại Hoa Kỳ, EU và châu Á, nhưng tại Trung Đông và Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mức tồn kho giảm đáng kể khiến người dân và các đại lý hạn chế bán ra.
Hiện Brazil đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu đen lớn thứ hai thế giới, chiếm 17-18% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, do sản lượng giảm, xuất khẩu hạt tiêu của Brazil vụ mùa 2024 giảm năm thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, vụ mùa hạt tiêu mới 2025 của Việt Nam dự kiến sẽ chậm hơn 1 tháng. Điều này sẽ tạo sự thiếu hụt nhất định về nguồn cung, qua đó sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu thế giới.
Ở Việt Nam, giá hạt tiêu cũng đang có xu hướng giảm. Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết, giá ở Việt Nam giảm là do Indonesia vừa vào vụ thu hoạch. Mặt khác, do đang vào đầu vụ cà phê nên nhiều đại lý tranh thủ bán ra hạt tiêu trong kho để mua cà phê.
Ông Bính dự báo giá hạt tiêu vụ 2025 sẽ cao hơn vụ 2024 (lúc cao nhất là 160 nghìn đồng/kg). Nguyên nhân trước hết là do nắng nóng kéo dài đầu năm 2024 đang ảnh hưởng lớn tới năng suất cây hồ tiêu, dẫn tới sản lượng năm 2025 tiếp tục giảm. Không chỉ Việt Nam, sản lượng cũng được dự báo giảm ở nhiều nước khác. Trong khi đó, phần lớn người trồng tiêu ở Việt Nam hiện đều có nguồn thu khác từ cà phê, sầu riêng …, nên không vội bán ra sau khi thu hoạch mà sẽ chờ đến khi thấy giá tốt hơn thì mới bán.
Sơn Trang