Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lãi sau thuế quý III/2024 gần 1.121 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong năm nay.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – Công ty cổ phần (VRG, mã: GVR) ghi nhận doanh thu quý III/2024 đạt 7.715,7 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Nguồn thu chính của tập đoàn đến từ hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su với 6.170 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Phần còn lại đến từ các lĩnh vực như chế biến gỗ, kinh doanh bất động sản, kinh doanh sản phẩm từ cao su và điện nước.
Lợi nhuận gộp đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 20% từ 284 tỷ đồng về 226,3 tỷ đồng.
Chi phí tài chính và bán hàng giảm lần lượt 23% và 6% so với cùng kỳ, về 91 tỷ đồng và 150 tỷ đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13% lên 511 tỷ đồng.
Kỳ này công ty có nguồn thu nhập khác 323,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 184 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi trước thuế 1.306 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.120,7 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong năm nay.
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG, giải thích nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận tăng mạnh là do giá bán mủ cao su cao hơn so cùng kỳ năm trước làm lợi nhuận sản xuất kinh doanh mủ cao su tăng lên; phần lãi trong công ty liên doanh liên kết tăng; thu nhập từ bồi thường thu hồi đất, trả đất về địa phương kỳ này tăng so với kỳ trước làm lợi nhuận khác tăng.
Lũy kế đến 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần VRG đạt 16.954 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 14.489 tỷ đồng (tăng 17%); lợi nhuận sau thuế đạt 2.705 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 1.954 tỷ đồng (tăng 38%). So với kế hoạch cả năm 2024 là doanh thu 24.999 tỷ đồng, VRG đã đạt gần 68%; kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay là 3.437 tỷ đồng thì VRG đã đạt gần 78%.
Lãi lớn, VRG dự kiến sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 vào ngày 15/11 tới đây. Tỷ lệ chi trả 3%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 300 đồng. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 12/12.
Với 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền VRG dành để trả cổ tức cho cổ đông ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng. Trước đó, kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua.
Trong cơ cấu cổ đông của tập đoàn, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện nắm giữ hơn 3,87 tỷ cổ phiếu, tương đương 96,77% cổ phần, dự kiến sẽ nhận về khoảng 1.162,2 tỷ đồng từ đợt trả cổ tức này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,6 triệu tấn cao su, mang về 2,54 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 17,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.635 USD/tấn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2023.
VRG đang quản lý 115 công ty gồm 99 công ty con và 16 công ty liên kết. Trong 99 công ty con có 63 công ty trồng cao su với tổng diện tích vườn cây Tập đoàn đang quản lý là 397.882 ha, (trong nước là 283.430 ha, tại Campuchia 87.772 ha và tại Lào là 26.680 ha), 10 công ty chế biến gỗ, 6 công ty khu công nghiệp, 11 công ty công nghiệp và dịch vụ, 9 công ty thuộc ngành khác.
Năm 2025, GVR đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn là 28.575 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 5.051 tỷ đồng. Luỹ kế giai đoạn 2021-2025, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 135.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn đạt 25.075 tỷ đồng.
Tổng tài sản của VRG tính đến cuối quý III xấp xỉ 78.181 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền chiếm hơn 5.861 tỷ đồng trong cơ cấu tài sản của công ty. Nợ phải trả giảm 2.317 tỷ đồng so với đầu kỳ, xuống 20.768 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu gần 57.413 tỷ đồng, lãi luỹ kế chưa phân phối khoảng 6.976 tỷ đồng.
Được biết, về kế hoạch đầu tư phát triển, theo Tổng giám đốc VRG Lê Thanh Hưng, trong 9 tháng đầu năm, Tập đoàn tập trung chủ yếu về thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm như khu công nghiệp tại các tỉnh miền Đông, Gia Lai. Ngoài ra, VRG tiếp tục triển khai hoạt động các dự án cao su, chế biến gỗ, khu công nghiệp.
Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, với giá bán mủ tăng, tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng nhiều thuận lợi, VRG dự kiến điều chỉnh tăng kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận năm 2024. Thêm đó, xác định 2025 là năm cuối xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, VRG dự kiến thực hiện kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cao hơn so với năm 2024.
Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán Vietcap, với diễn biến hiện tại của thị trường cao su thế giới, giá bán mủ cao su trung bình cả năm 2024 của VRG đạt khoảng 40 triệu đồng/tấn, tăng 24% so với năm 2023. Động lực thúc đẩy giá cao su tiếp tục đến từ việc nguồn cung bị thắt chặt khi thời tiết diễn biến bất lợi và tình trạng dịch bệnh trên cây cao su.
Theo Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC), nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 15,74 triệu tấn trong khi nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến chỉ đạt 14,5 triệu tấn, dẫn đến thiếu hụt khoảng 1,24 triệu tấn cao su thiên nhiên trên thị trường toàn cầu trong năm 2024.
Chứng khoán Vietcap cũng nhận định doanh thu mảng chế biến gỗ của VRG trong năm nay cũng sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp của năm 2023, ước tăng trưởng đạt 25%.
Do đó, Chứng khoán Vietcap dự phóng doanh thu cả năm nay của VRG có thể đạt tới 26.573 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp được cải thiện tích cực từ 22,4% lên 25,3%. Theo đó, lợi nhuận ròng cả năm nay của VRG dự kiến đạt 3.262 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm ngoái.
Nguyễn Phương
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn