Để thúc đẩy phong trào nuôi gia cầm an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm.
Mô hình được triển khai tại các xã nuôi thuỷ cầm trọng điểm của tỉnh với tổng đàn vịt đưa vào chăn nuôi 11.000 con. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá giống vịt Super M và 4,3kg thức ăn hỗn hợp cho nuôi mỗi con vịt. Ngoài ra còn được hỗ trợ men vi sinh và tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi vịt theo hướng đảm bảo an toàn sinh học. Nhờ đó, tỷ lệ vịt hao hụt trong quá trình chăn nuôi giảm còn dưới 5%, trọng lượng vịt xuất chuồng bình quân đạt 3,5kg/con, lãi ước đạt 15 – 17 nghìn đồng/con.
Ông Nguyễn Văn Khánh ở xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi cho biết, ông tham gia mô hình nuôi 3.000 vịt Super M thương phẩm, chăm sóc theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, vịt rất mau lớn, chỉ bị hao hụt khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với lứa vịt ông chăn nuôi mấy tháng trước. Dự kiến, ông Khánh sẽ xuất chuồng được 10 tấn thịt vịt hơi, tương đương trọng lượng vịt đạt 3,5kg/con. “Hiện đã có thương lái đặt hàng bao tiêu, nếu bán non tôi cũng lãi 16 nghìn đồng/con”, ông Khánh khẳng định.
Hộ bà Đồng Thị Xuyên ở xã Trung Hoà (huyện Yên Mỹ) tham gia mô hình cũng phấn chấn khoe, bà nuôi vịt nhiều năm nay, nhưng chưa thấy lần nào nuôi vịt lớn nhanh như lần này, tỷ lệ sống của đàn vịt cũng rất cao (trên 95%). Nguyên nhân do trước đây bà chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm, không cho con giống uống nước sạch với vitamin và chất điện giải ngay khi vừa thả vào chuồng úm. Trong 7 ngày đầu úm vịt cũng không bổ sung cho uống vitamin và chất điện giải làm cho vịt con bị mất nước, sốc nhiệt, giảm sức đề kháng hoặc chết nên tỷ lệ hao hụt rất cao (trên 10%).
Hiện nay đàn vịt của bà Xuyên đã vượt qua giai đoạn tuổi nhỏ (dễ bị chết), chuyển sang tăng trọng nhanh, dự kiến sản lượng vịt xuất chuồng đạt khoảng 5.300kg thịt hơi, ứng với trọng lượng ngót 3,6kg/con, tăng 0,5kg/con so với lứa chăn nuôi trước cùng giống vịt Super M.
Theo bà Xuyên, vào các tháng cuối năm, nhu cầu vịt thịt trên thị trường bao giờ cũng cao hơn các tháng khác nên giá vịt thương phẩm sẽ còn tăng. Ví thử vịt không tăng giá, bà Xuyên vẫn có lãi hơn 24 triệu đồng/1.500 vịt bóc trứng sau chăn nuôi khoảng 2 tháng.
Vào thăm các điểm mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm khác, chúng tôi cũng ghi nhận được kết quả tương tự. Người chăn nuôi tham gia mô hình đều hào hứng cho biết nhờ nuôi vịt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con vừa có được lợi nhuận cao, vừa học hỏi được tiến bộ kỹ thuật nuôi vịt gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó giúp các hộ đẩy mạnh phát triển, mở rộng quy mô đàn vịt nuôi trong các năm tiếp theo.
Về giống vịt Super M hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong mô hình, ông Đỗ Trọng Thạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho biết, vịt Super M là giống thuỷ cầm dễ nuôi, có khả năng tận dụng thức ăn tốt, thời gian chăn nuôi ngắn, khả năng cho năng suất thịt cao, cho phép nuôi nhốt chuồng, chăn thả dưới nước hoặc nuôi trên cạn, chất lượng thịt ngon, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi vịt, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên còn xây dựng mô hình chăn nuôi 12.000 con gà lai ri thương phẩm tại các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu và Phù Cừ, kết quả đạt được bước đầu cũng rất tốt.
Để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chỉ chọn đầu tư cho những hộ tự nguyện tham gia mô hình, được chính quyền địa phương chấp thuận, có diện tích thích hợp để triển khai mô hình, có đủ kinh phí đối ứng để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của mô hình. Đặc biệt còn phải có khả năng lan toả, nhân rộng mô hình sau khi áp dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật của chuyển giao vào sản xuất.
“Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ước đạt 9,0 triệu con. Trong đó có hơn 2 triệu con ngan, vịt (chủ yếu là chăn nuôi vịt). Nhờ vậy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, người chăn nuôi tỉnh này đã cung ứng ra thị trường khoảng 22.670 tấn thịt gia cầm các loại”, theo Sở NN-PTNT Hưng Yên.
Nguyễn Hải Tiến
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn