Tiêu chuẩn VietGAP thủy sản là quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Áp dụng tiêu chuẩn này, người nuôi trồng thủy sản sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.
Hà Tĩnh là địa phương với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cho nuôi trồng thuỷ sản, những năm qua tỉnh này đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận khi có hơn 7.000ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về con giống, kỹ thuật thâm canh…, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại HTX Nuôi trồng thuỷ sản Cẩm Dương (xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có quy mô 5ha, năng suất đạt 28 tấn/ha/vụ, cỡ tôm khi thu hoạch đạt 45 con/kg, lợi nhuận đạt 550 triệu đồng/ha/vụ. Đây cũng là một trong số ít mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Hà Tĩnh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc HTX Nuôi trồng thuỷ sản Cẩm Dương cho biết: Hiện nay, do biến đổi khí hậu, nguồn giống không đảm bảo, đặc biệt là việc lạm dụng các loại hoá chất nên việc nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã giảm được 10 – 15% chi phí đầu vào, việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động, không ảnh hưởng tới môi trường ao nuôi, sản phẩm tôm khi bán ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cao hơn tôm nuôi thông thường từ 5 – 10%”.
Năm 2023, gia đình ông Nguyễn Văn Mai tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Mai cho biết: “Trước đây gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh nhưng mức độ rủi ro cao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Sau khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát, gia đình tôi đã tiên phong thực hiện. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.
Nhờ chăm sóc tốt, sau hơn 5 tháng nuôi, cá chim vây vàng đã đạt trọng lượng trung bình 0,57kg/con, tỷ lệ sống 65%, vượt kế hoạch đề ra. Với giá bán 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, ông Mai thu được lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Nhờ kiên trì thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi nên cơ sở nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Văn Mai trở thành cơ sở đầu tiên được chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng thương phẩm tại Hà Tĩnh.
Cũng lựa chọn nuôi cá theo hướng VietGAP, gia đình ông Lê Văn Phương ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa – Hà Nội) có 2,7ha mặt nước.
Nuôi cá theo hướng VietGAP, ông Phương nhận thấy cá ăn khỏe nhưng lại tiêu tốn ít thức ăn hơn so với hình thức nuôi trước đây và đặc biệt không cần dùng kháng sinh để phòng, trị bệnh.
Tương tự, gia đình bà Đỗ Thị Thu Hà ở xã Đại Áng (Thanh Trì) cũng được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, trên quy mô 1ha.
Khi tham gia mô hình, gia đình bà được hỗ trợ 50% giống và quá trình triển khai mô hình được cán bộ ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và quản lý ao nuôi. Gia đình bà được tìm hiểu cách xử lý nguồn nước nuôi; phương pháp kiểm tra các chỉ số môi trường nước bằng test nhanh; cách nhận biết và phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá nuôi nước ngọt. Hiện tại, cá khỏe mạnh, đồng đều, không mang mầm bệnh.
“Việc nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong quản lý môi trường nước, phòng và trị bệnh bằng các chế phẩm sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản xuất”, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho hay.
Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống, song việc nhân rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Đơn cử, nguồn nước, thức ăn, con giống, sử dụng thuốc, hóa chất… đều phải ghi chép nhật ký, trong khi đó nông dân chưa thoát khỏi tập quán sản xuất cũ, chỉ dựa vào kinh nghiệm, nên nhiều hộ thiếu kiên nhẫn để duy trì mô hình. Chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, đầu ra không ổn định, sản phẩm vẫn bị đánh đồng với nuôi truyền thống, khiến nhiều hộ dân không mặn mà với mô hình theo hướng VietGAP.
Trở ngại tiếp theo đó là cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản yếu kém, nên việc áp dụng VietGAP tại cơ sở nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nông hộ nên hệ thống thủy lợi, ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, áp dụng VietGAP tức là nuôi trồng theo chuỗi từ con giống, thức ăn đến quy trình nuôi đều phải được cấp chứng nhận. Do đó, nếu áp dụng đồng loạt tiêu chuẩn VietGAP trên cả nước, số lượng cơ sở đủ tiêu chuẩn để cấp chứng nhận này chưa nhiều.
Đối với các tỉnh phía Bắc thì tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng khó đáp ứng vì với diện tích canh tác hạn chế nên để thực hiện được các tiêu chí như: địa điểm ao nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP phải có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; ao lắng, ao chứa, ao nuôi không rò rỉ; riêng ao lắng tối thiểu phải chiếm 15 – 20% diện tích mặt bằng, nhằm xử lý nước và diệt tạp trước khi thả giống nuôi, đây là tiêu chí không phải hộ nuôi nào đủ điều kiện về diện tích để thực hiện.
Trong khi, đối với các tỉnh phía Nam, tiêu chí về diện tích đất để thực hiện nuôi trồng không phải là trở ngại thì hệ thống xử lý chất thải đang là vấn đề lớn. Bởi vì các tỉnh khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng bởi các nguồn nước thải từ các nhà máy công nghiệp và hầu hết là nguồn nước để sử dụng nuôi trồng thủy sản được dung chung trong sản xuất nông nghiệp.
Điều này khó kiểm soát về chất lượng nguồn nước và dễ bị lây lan dịch bệnh. Mặt khác các doanh nghiệp sản xuất ngày càng áp sát vùng nuôi thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, do đặc thù vùng đất trũng nên việc tiêu thoát nước thải từ các vùng nuôi thủy sản gặp khó khăn.
Cái mà người dân cần là sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận VietGAP phải có đầu ra ổn định và một thương hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm khác, từ đó giá cả dần được nâng cao hơn. Tuy nhiên, hiện sản lượng quá ít, lại không liên kết được với các công ty tiêu thụ nên thủy sản VietGAP vẫn chưa biết bán đi đâu.
Tại các tỉnh phía Nam, việc thu mua vẫn phụ thuộc thương lái. Đơn cử như thu mua tôm, thương lái không muốn đẩy giá tôm lên cao nên dĩ nhiên họ không mặn mà với tôm VietGAP. Do đó, việc tiêu thụ tôm “sạch” này cần phải theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì các mô hình mới tồn tại bền vững và nhân rộng theo thời gian.
Trong khi đó, việc quảng bá và thừa nhận của quốc tế đối với VietGAP sẽ giúp giá trị thủy sản VietGAP tăng lên, người dân mới toàn tâm toàn ý vào VietGAP bên cạnh những tiêu chuẩn khác như BAP, GlobalGAP, ASC…
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mở rộng diện tích, quy mô làm theo VietGAP, một mặt chúng ta cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho các chủ hộ sản xuất chăn nuôi trực tiếp; mặt khác nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, nhân rộng sản phẩm VietGAP.
Về lâu dài, chúng ta đã hội nhập vào các tổ chức khu vực và quốc tế, các nước với trình độ sản xuất của mình đã có các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm khá đầy đủ. Nên chăng, quá trình xây dựng của quy phạm VietGAP mới, một mặt cần tiếp thu, chọn lọc các chuẩn mực, bãi bỏ những thủ tục, biểu mẫu giấy tờ không cần thiết để nông sản được tiếp cận với các thị trường lớn trên.
Thuận Nhi
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn