Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Bắt nguồn từ Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đến nay sau gần 15 năm thực hiện, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang có một số khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết. Vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với hệ thống các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã đề ra năm quan điểm, khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, còn nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM). Nghị quyết cũng khẳng định quan điểm định hướng xây dựng NTM hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm,… Và để thực hiện mục tiêu đó, Nghị quyết xác định rõ quan điểm về đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cùng với trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, bên cạnh trách nhiệm, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị thì hệ thống cấp ủy các cấp, đặc biệt là Đảng ủy xã đóng vai trò quan trọng, quyết định đến thành công của nhiệm vụ xây dựng NTM tại mỗi địa phương.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với nhiều yếu tố khó khăn chi phối đến quá trình xây dựng nông thôn mới như xuất phát điểm thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, thiếu các nguồn lực xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, xây dựng NTM là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm được cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Chính vì vậy, giữa muôn vàn khó khăn nhưng Nghệ An đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực khắc phục khó khăn, vươn lên đạt nhiều thắng lợi đáng ghi nhận. Với sự quyết tâm, nỗ lực cao, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chương trình xây dựng NTM đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận đến hết Quý III năm 2024, toàn tỉnh có 320/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 77,86%; có 101/320 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tương đương 31,56%; có 16/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tương đương 15,84%; có 9 đơn vị cấp huyện đạt/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đường làng, ngõ xóm khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp ở xã NTM kiểu mẫu Tăng Thành, huyện Yên Thành
Từ kết quả đã đạt được, cấp ủy các địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí, với đích đến là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Từ đó, làm cho diện mạo NTM ở Nghệ An ngày càng thay đổi, kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Tính đến thời điểm ngày 30/11/2023 Nghệ An có 54 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong bức tranh tổng thể đó, ở Nghệ An nổi bật lên thành công của một số địa phương tại các đơn vị cấp huyện hoàn thành NTM như là TP Vinh, Thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu với 03 điểm sáng là huyện Nam Đàn, Yên Thành, và Quỳnh Lưu.
Nhắc đến NTM ở Nghệ An hiện nay nổi lên một điển hình xã NTM kiểu mẫu theo đúng định hướng của Nghị quyết 19 Trung ương 5 khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đó là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Xuất phát điểm là xã thuần nông còn nhiều khó khăn với diện tích hẹp, sâu trũng nhưng Quỳnh Đôi có truyền thống hiếu học từ lâu đời và bề dày di tích văn hóa lịch sử. Từ đó, Đảng ủy xã Quỳnh Đôi đã có cách làm sáng tạo là lấy văn hóa truyền thống làm động lực xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2014, khi bắt tay vào hoàn thiện 19 tiêu chí NTM, xã Quỳnh Đôi đã có 13 tiêu chí cứng. Tất cả các tiêu chí còn lại được đảng ủy xã đưa vào chủ trương lãnh đạo chung, và được hiện thực hóa bằng các nghị quyết chuyên đề từ các chi bộ thôn. Khi triển khai được đảng viên và nhân dân đồng thuận cao nên chỉ trong vòng 2 tháng các hạng mục cơ sở hạ tầng đã được hoàn thành, xã về đích NTM cuối năm 2014. Ngay sau đó, bám sát chủ trương lấy văn hóa truyền thống làm động lực, Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã ban hành Nghị quyết xây dựng được xã đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu; đồng thời đảm bảo giữ được nền tảng văn hóa Làng Quỳnh với 3 điểm nhấn, đó là: môi trường, kết cấu hạ tầng và văn hóa tâm linh. Kế tiếp nhiệm kỳ 2015 -2020, Đại hội Đảng bộ xã Quỳnh Đôi xác định mục tiêu nhiệm kỳ năm 2020- 2025 là: “phấn đấu xây dựng Quỳnh Đôi thành xã NTM kiểu mẫu “tiêu biểu” là điểm tham quan các di tích lịch sử văn hóa hấp dẫn của tỉnh”.
Với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và nhân dân cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp, các nghành, các doanh nghiệp, con em trong và ngoài xã, Quỳnh Đôi đã vượt lên mọi khó khăn để đạt được những kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Năm 2020 xã được UBND tỉnh công nhận xã Nông thôn mới nâng cao, năm 2021 được công nhận xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu, là đơn vị về đích đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Tổng giá trị đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu khoảng trên 220 tỷ đồng; Hệ thống giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được bê tông hoá 8,6 km đạt 66,5%; Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn thường xuyên đạt 100%; Hệ thống bồn hoa, cây cảnh, cây xanh, bóng mát ở các tuyến đường đạt tỷ lệ 85% trở lên; Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,5%; Xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 19 hộ bằng 1,22%; Đảng bộ, chính quyền nhiều năm liên tục đạt xuất sắc, MTTQ và các đoàn thể 100% hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Từ thực tế Nghệ An hiện nay có thể thấy, bên cạnh sự vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện trong đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất thì vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở các địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Báo cáo Xây dựng NTM nói chung và NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các địa phương thời gian qua đã khẳng định sự nỗ lực, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của các cấp ủy đảng. Từ đó, có thể thấy được kết quả lãnh đạo của cấp ủy trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Nghệ An thời gian qua đạt được như sau: (1) Các cấp ủy đã căn cứ theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 để xác định đúng phương pháp, đánh giá đúng đặc thù, tiêu chí, khâu đột phá của từng địa phương để xây dựng mô hình điểm; chủ động lựa chọn những chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu và những vấn đề bức xúc, nổi cộm để bàn bạc, thảo luận và xây dựng thành nghị quyết chuyên đề phù hợp địa phương để lãnh đạo thực hiện có kết quả; (2) Phân công các đồng chí trong Ban chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách các cụm, điểm để đôn đốc, chỉ đạo các thôn, xóm xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, trực tiếp kiểm tra, làm việc với từng thôn, xóm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời định hướng và giao nhiệm vụ; (3) Phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phối hợp với nhau trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; (4) Lãnh đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người dân tự giác tích cực tham gia vào các công việc của thôn, của xã trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hội thi “Mô hình làng văn hóa tiêu biểu” ở xã NTM kiểu mẫu Sơn Thành, huyện Yên Thành
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở Nghệ An hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như sau: (1) Nhận thức, tư duy của một số cấp ủy chưa đổi mới, chưa chịu khó nghiên cứu, thiếu sự đầu tư tâm huyết, quyết tâm, trăn trở tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ; sớm thỏa mãn, bằng lòng với kết quả xây dựng NTM bước đầu; (2) Cấp ủy ở một số địa phương chưa năng động, chưa khai thác và phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; (3) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng có thời điểm, có việc chưa sát sao kịp thời, chưa quyết liệt, rõ ràng, dẫn tới sự lúng túng, chưa xác định được nội dung và công việc một số ban ngành, đoàn thể, ở một số địa phương thậm chí lơ là thỏa mãn; (4) Nhiều địa phương mới chú trọng thực hiện các nội dung tiêu chí NTM do cấp xã đảm nhận, chưa thực sự quan tâm đầy đủ việc thực hiện các nội dung ở cấp thôn, xóm, bản và hộ gia đình; (5) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phối hợp trong việc triển khai thực hiện của một số cấp ủy còn chưa cao, chưa hiệu quả; đặc biệt năng lực của một số đội ngũ cán bộ cơ sở, bộ phận giúp việc chương trình còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Nguyên nhân khách quan của những hạn chế, khó khăn trên là do thời điểm bắt đầu triển khai theo bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung, chỉ tiêu yêu cầu cao hơn, khó thực hiện; hướng dẫn ban hành chậm gây khó khăn, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Trong khi đó, điều kiện đặc thù của một số địa phương còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát khi bắt đầu triển khai chương trình phần lớn các xã thấp; nguồn vốn đầu tư cho chương trình hạn chế; một số chính sách chưa phát huy tác dụng, chưa mang lại hiệu quả cao, cơ chế chính sách chưa ban hành đầy đủ và đồng bộ…
Tuy vậy, cần thấy rõ bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là do cấp ủy một số xã chưa quyết liệt, chưa thực sự vào cuộc, chưa thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tập thể cấp ủy, vai trò người đứng đầu cấp ủy chưa rõ nét; phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo còn có hạn chế; chưa phát huy cả hệ thống chính trị để vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM; công tác xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí NTM từng năm còn chậm và chưa cụ thể; công tác phối hợp giữa Mặt trận, đoàn thể các cấp, các sở, ngành chuyên môn trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay xây dựng NTM chưa đồng bộ và thường xuyên, chưa có cách làm hay và sáng tạo.
Từ thực trạng trên, để tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII; Chỉ thị số 13-CT/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 1595/QĐ-UBND ngày 08/6/2022 về Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, theo chúng tôi, cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau: (1) Nâng cao nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm chính trị, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy trong công tác xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng để các tổ chức đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên để có tư tưởng vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đường lối đổi mới của đất nước, trực tiếp trước hết là thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu, chương trình và nội dung xây dựng NTM; (2) Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các xã đã đề ra; Xây dựng đề án “Xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu” sát đúng, phù hợp với điều kiện của địa phương. Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; (3) Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, có giải pháp cụ thể giải quyết những khó khăn vướng mắc, coi trọng việc nâng cao chất lượng các tiêu chí. Phân công điểm chỉ đạo cho từng thành viên. Kiểm điểm trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng ban ngành, từng thành viên và thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; (3) Chỉ đạo việc xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu linh hoạt, quyết liệt; phân công các ngành trực tiếp chỉ đạo đến các xóm. Phải luôn đồng hành với xóm trong quá trình thực hiện, có phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí, lộ trình kế hoạch, giải pháp để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tiêu chí; thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ cơ sở, người dân, cộng đồng; kịp thời có hướng, giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; (4) Tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng và trong HTCT, công tác tuyên truyền, vận động trong các tổ chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phát huy, huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân, khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân. Kiên trì tổ chức thực hiện; xây dựng mô hình hiệu quả, thuyết phục để nhân rộng; phải luôn biết “giữ lửa” cho phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo động lực, sức bật tiến lên NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; (5) Tăng cường đào tạo, tập huấn để có lực lượng cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn sâu, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tham mưu, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, vừa gắn chặt với những đặc điểm, tình cảm của người dân tại địa phương, vận dụng tốt các quy định của cấp trên, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá các tiêu chí. Bên cạnh đó, cần tổ chức tham quan thực tế giữa các địa phương nhằm rút ra bài học và tạo động lực lớn (kể cả cho cán bộ lãnh đạo và người dân); (6) Phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin của người dân, cộng đồng và toàn xã hội. Tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, khen thưởng, vinh danh kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, tạo phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng khắp; (7) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vận dụng tốt các qui định của trên, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá tiêu chí.
ThS. Hoàng Đình Ngọc
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn