Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNTTP.HCM, ngành nông nghiệp Thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: Đất sản xuất nông nghiệp giảm mạnh và có xu hướng phân tán hơn; cơ cấu dân số, lao động và thu nhập của dân cư nông thôn chuyển dịch nhanh, gia tăng áp lực lên sản xuất nông nghiệp, nông thôn, ảnh hưởng đến nhu cầu đất ở và xây dựng hạ tầng nông thôn.
Ngoài ra, còn đối mặt với các vấn đề về suy giảm chất lượng không khí, nguồn nước, gia tăng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại; phá vỡ cân bằng sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân, trong đó nông nghiệp, nông thôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Vì vậy, chương trình phát triểnnông nghiệp đô thịtrên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu nông nghiệp Thành phố phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị.
Theo đó, đưa TP.HCM trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại; bảo đảm kết nối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản chất lượng cao, an toàn theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp các vùng, các khu vực và cả nước phát triển. Nông thôn phát triển toàn diện, có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý và môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 75 – 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tốc độ tăng trưởng dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt 5,5 – 6%/năm.
Giá trị sản xuất bình quân canh tác nông nghiệp đến năm 2030 đạt 850 triệu đồng/năm/ha đến 1 tỷ đồng/năm/ha; tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn qua đào tạo đạt trên 70%; phấn đấu trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, TP.HCM phấn đấu có từ 290sản phẩm OCOPđược chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4 – 5 sao. Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn tăng 2,5 – 3 lần so với năm 2020.
Trong định hướng tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Củ Chi, Hóc Môn tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao. Khu vực Bình Chánh, Nhà Bè tập trung phát triển về rau, hoa, cây ăn quả gắn vớidu lịch sinh tháivà logistics nông sản.
Khu vực trung tâm Thành phố gồm 16 quận nội thành sẽ tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô, tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, tổ chức các vườn cây, vườn rau xung quanh nhà ở; tổ chức cây xanh cảnh quan gắn với không gian kiến trúc làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc, xây dựng trong đô thị…
Khu vực Thành phố Thủ Đức phát triển thành trung tâm khoa học và công nghệ gắn du lịch sinh thái và dịch vụ logistics nông sản. Còn khu vực huyện Cần Giờ sẽ phát triển thành phố du lịch sinh thái gắn với các hoạt động kinh tế nông nghiệp và dịch vụ môi trường rừng.