CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã: DRI) vừa thông qua chủ trương thanh lý hơn 36 ha vườn điều của công ty con Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào (Daklaoruco) để trồng sầu riêng trong năm 2025 khi cho ra biên lợi nhuận gần 70%. Sầu riêng đang trở thành cây ‘tỷ đô’ hút vốn của cả loạt DN, như HAGL, HNG, BIG…
CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã: DRI) đã thông qua kế hoạch thanh lý hơn 36 ha vườn điều thuộc Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào (Daklaoruco) để chuyển đổi sang trồng sầu riêng trong năm 2025.
Diện tích thanh lý sẽ được thực hiện theo hình thức chào giá cạnh tranh, với giá khởi điểm cho hơn 36 ha là 123 triệu Kip Lào (LAK), tương đương khoảng 137 triệu đồng. Giá trị được xác định dựa trên số lượng cây điều kiểm kê trên từng lô đất. Cụ thể, các lô D3, D4 và D5 được định giá 22.000 LAK (khoảng 24.420 đồng)/cây. Riêng lô D6, là diện tích điều đã bị cưa cắt để phục hồi, được tính giá bán củi là 4.000 LAK (khoảng 4.400 đồng)/cây.
Sầu riêng là loại cây kinh tế cao. Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, trong kỳ, DRI ghi nhận doanh thu 17,7 tỷ đồng từ sầu riêng (cùng kỳ chưa phát sinh), nhưng lãi gộp đạt 12,2 tỷ đồng (biên lợi nhuận gần 70%). Trong khi đó, mảng chính là mủ cao su mang về doanh thu 125 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 37%.
Trước đó, DRI đã trồng sầu riêng từ năm 2018 trên diện tích hơn 69 ha tại Đăk Lăk. Họ lần đầu ghi nhận doanh thu vào quý IV/2023 với hơn 2 tỷ đồng và lãi gộp hơn 1,7 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo lên kế hoạch lập dự án đầu tư trồng sầu riêng tại tỉnh Champasak (Lào) với diện tích gần 239 ha cho năm sau, rồi dần dần trồng thêm mỗi năm hơn 100 ha cho giai đoạn 2026-2027.
Nguồn vốn đầu tư tự có khoảng 40-50%, còn lại sẽ vay từ ngân hàng thương mại. Định hướng của DRI là thành lập nông trường để chuyên quản lý và tổ chức sản xuất theo cơ giới hóa và tự động hóa, giảm phụ thuộc vào canh tác thủ công.
Theo kế hoạch ban đầu, DRI sẽ thu hoạch 300 tấn sầu riêng trong năm nay với giá bán bình quân 50 triệu đồng/tấn. Doanh thu cả năm dự kiến 15 tỷ đồng, trừ đi giá vốn có thể thu về hơn 4,5 tỷ đồng lãi gộp. Tuy nhiên trong phiên họp thường niên hồi tháng 5, ban lãnh đạo cho biết giá bán sầu riêng đã cao hơn.
Daklaoruco là công ty con 100% vốn của DRI. Doanh nghiệp đang quản lý hơn 9.200 ha đất trồng tại tỉnh ChămPasắk, Lào, chủ yếu là cây cao su được trồng từ năm 2005 – 2008. Diện tích trồng điều chiếm khoảng 502 ha, nhằm tận dụng thổ nhưỡng tại địa phương.
Trước đó, Bầu Đức cũng ‘khoe’ sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) đang “1 vốn 5 lời”. Quý IV/2024 là vụ thu hoạch đầu tiên của 300 ha sầu riêng tại Lào thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai. Với hơn 26.000 cây, sản lượng ước tính đạt khoảng 2.000 tấn, công ty sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng doanh thu. Hiện Hoàng Anh Gia Lai cũng là doanh nghiệp hiếm hoi trồng sầu riêng được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trung Quốc hiện là nước ăn sầu riêng mạnh nhất, vì vậy, bầu Đức tin chắc thị trường ngày càng lớn, sầu riêng có trồng khắp Việt Nam cũng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường tỷ dân này. Bầu Đức tính toán, giá sầu riêng chỉ cần 30.000 đồng/kg là người trồng đã có lãi.
Nhận thấy tiềm năng lớn của sầu riêng, HAGL Agrico (mã: HNG) của tỷ phú Trần Bá Dương cũng quyết đầu tư tại Lào khi tính toán đổ 18.090 tỷ đồng để trồng chuối, sầu riêng, nuôi bò… trên diện tích 27.384 ha. Thời gian hoàn thiện đầu tư dự án từ năm 2024 – 2028 với thời gian hoạt động trong 50 năm.
Dự án này được kỳ vọng mang về doanh thu dự kiến 13.500 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 2.450 tỷ đồng mỗi năm. Riêng với cây sầu riêng, HNG ước tính sản lượng xuất khẩu sau khi hoàn thành lên đến 9.500 tấn/năm.
Một doanh nghiệp nữa là CTCP BIG Invest Group (mã: BIG) cũng mới công bố gia nhập lĩnh vực nông sản với việc thành lập 2 công ty con và hợp tác chiến lược xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
2 công ty chuyên kinh doanh nông sản này là CTCP Nông nghiệp Đại Thần Long và CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản BGD. Đồng thời, BIG cũng ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Hưng Nguyên.
Với việc thành lập 2 công ty mới, BIG sẽ tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh nông sản (xuất khẩu, phát triển vùng trồng và hậu cần). Trước mắt, BIG sẽ triển khai xuất khẩu sầu riêng thông qua hợp tác chiến lược với Nông sản Hưng Nguyên.
Đây là doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, có thâm niên 13 năm. Nông sản Hưng Nguyên hiện có 4 kho chứa (Long An, Tiền Giang, Bình Thuận và Đắk Lắk) với quy mô gần 60.000m². Lãnh đạo Nông sản Hưng Nguyên cho biết, mỗi vụ sầu riêng (3 – 4 tháng), công ty xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1.000 tấn sầu riêng tươi, doanh thu trên dưới 2.500 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo BIG, khi nhận thấy tiềm năng to lớn từ mảng xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là sầu riêng, BIG đã đẩy mạnh hợp tác với các nhà vườn và thương lái để thu mua nông sản từ miền Tây và miền Đông, cung cấp cho các đối tác xuất khẩu lớn sang Trung Quốc với đầu ra được đặt hàng liên tục.
BIG đang tập trung nguồn lực cho hoạt động này, kỳ vọng kết quả kinh doanh cuối năm sẽ đột phá. Doanh thu và lợi nhuận từ mảng sầu riêng dự kiến sẽ bằng tổng doanh thu của cả công ty trong năm 2023, hứa hẹn mang lại một năm 2024 thắng lợi cho các cổ đông.
Theo ông Võ Phi Nhật Huy – Chủ tịch HĐQT BIG Invest Group, riêng mảng nông sản được dự báo đóng góp khoản doanh thu 150 tỷ đồng ngay trong quý IV/2024 của BIG.
Được biết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt hơn 3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, theo Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, sầu riêng trở thành mặt hàng chủ lực, đóng góp tới 49,11% tổng giá trị xuất khẩu rau quả, đưa Việt Nam vào vị trí cạnh tranh mạnh mẽ với Thái Lan – nhà cung cấp truyền thống của Trung Quốc.
Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu gần 785.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng 55% về lượng và 42,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán trung bình đạt 3.964 USD/tấn (khoảng 101.000 đồng/kg), thấp hơn so với sầu riêng Thái Lan nhưng đủ để tạo sức cạnh tranh nhờ chất lượng cải thiện và nguồn cung ổn định.
Trung Quốc – thị trường tiêu thụ 91% sản lượng sầu riêng toàn cầu – là động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. Với lượng sầu riêng nhập khẩu chiếm 46,9% thị phần, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Thái Lan (52,4%) nhưng đang thu hẹp khoảng cách nhanh chóng.
Thái Lan, dù vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, đang đối mặt với sự sụt giảm thị phần. Trong 10 tháng năm 2024, lượng sầu riêng Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 13,2%, đạt 785.000 tấn với giá trị khoảng 3,87 tỷ USD.
Nhờ yếu tố mùa vụ, triển vọng xuất khẩu rau quả cuối năm của Việt Nam vẫn rất khả quan, dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10. Nguồn cung trái vụ tiếp tục mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.
Đối với người dân Trung Quốc, sầu riêng không chỉ là một loại trái cây hợp khẩu vị mà còn mang ý nghĩa biểu tượng của sự sang trọng. Sầu riêng giữ vị trí là loại trái cây cao cấp, trở thành món quà ý nghĩa vào các dịp quan trọng, như những ngày lễ Tết đến các sự kiện như đám cưới…
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, các nhà xuất khẩu Việt Nam đang ngày càng chú trọng kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm sầu riêng và đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng.
Trên thị trường nội địa, giá sầu riêng hiện đang được niêm yết trong khoảng 60.000 – 180.000 đồng/kg, với sầu đẹp gấp đôi giá sầu mua xô tại các vùng niêm yết chính.
Cụ thể, giá sầu Thái và Ri6 mua xô đang được thu mua ở mức 60.000 – 80.000 đồng/kg, trong khi sầu Thái đẹp có giá khoảng 177.000 – 180.000 đồng/kg và Ri6 đẹp là 140.000 – 144.000 đồng/kg.
Sầu riêng Ri6 hàng đẹp đứng ở mức cao nhất hồi tháng 9 chỉ là 65.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Tây Nam bộ đứng mức cao nhất chỉ là 90.000-95.000 đồng/kg hồi tháng 9.
Theo Bộ NNPTNT, trong tháng 11 vừa qua, sản lượng thu hoạch sầu riêng giảm đáng kể, bởi sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận, trong khi sầu riêng các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ vào vụ nghịch.
Hiện tại, sầu riêng đã chuyển sang thu hoạch vụ nghịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng chính là thời điểm cả thế giới gần như chỉ Việt Nam còn sầu riêng thu hoạch, trong khi vụ chính của Thái Lan rơi vào các tháng giữa năm. Do đó, từ tháng 10 năm nay kéo dài cho đến tháng 2 năm sau, Việt Nam gần như độc quyền xuất khẩu loại trái cây này vào thị trường Trung Quốc.
Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế trong việc xuất khẩu sầu riêng cũng như rau quả sang Trung Quốc bởi các cảng biển Trung Quốc rất gần các cảng biển của Việt Nam; các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối Trung Quốc; lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên;…
Tuy nhiên, Việt Nam phải đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh trên thế giới như Thái Lan, Malaysia, Chile, Peru,… Do vậy, để khẳng định vị thế của mình không chỉ trong xuất khẩu sầu riêng mà còn trong xuất khẩu rau quả nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật,… để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của Trung Quốc và những thị trường khó tính khác. Sầu riêng chắc chắn sẽ mang lại trái ngọt cho tất cả các doanh nghiệp có hướng đi và đầu tư bài bản…
Nguyễn Phương
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn