Huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), là địa phương có nhiều xã nằm ở vùng phía tây nên việc thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp vào vụ hè thu luôn xảy ra. Mặt khác, hệ thống hồ đậpthủy lợitrên địa bàn cũng ít và xuống cấp nên nguồn nước dự trữ không nhiều.
Vào vụ hè thu, đã có hàng trăm ha đất canh tác lúa truyền thống phải chấp nhận bỏ hoang, trên những vùng đất “tử địa”, vùng trồng lúa thiếu nước tưới do hệ thống thủy lợi không vươn tới được
Để chủ động linh hoạt ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, các địa phương trên địa bàn đã tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn. Qua đó, phá thế độc canh cây lúa, không để ruộng đất bỏ hoang; đồng thời thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Ông Võ Xuân Hồng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch đánh giá, đây là hướng đi đúng đối với những vùng đất thiếu nước sản xuất vụ hè thu nên bà con nông dân ở địa phương đã tích cực thực hiện chuyển đổi.
“Hiện, các xã Quảng Kim, Quảng Thạch, Quảng Xuân, Quảng Hợp, Quảng Châu…, vận động bà con nông dân chuyển đổi được trên 60ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng khác, như: khoai lang, lạc, sắn, dưa và có thu nhập cao đáng kể, đồng thời tiết kiệm được nước vụ hè”, ông Hồng cho hay.
Cũng theo ông Hồng, qua đánh giá, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa khoảng 1,5 lần. Đồng thời, tại những vùng đất bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng khác không làm mất đi các điều kiện cần thiết để có thể trồng lúa trở lại nếu có nước tưới.Vào vụ hè thu, đối với người dân thôn Long Đại được xác định là rất khó khăn. Dù đã nỗ lực chống hạn, nhưng hàng chục ha đất nông nghiệp vẫn phải chịu cảnh bỏ hoang.
“Vấn đề là vận động bà con không bỏ hoang ruộng mà chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và hạn chế sử dụng nước thủy lợi cho vùng được xác định là hạn hán để ưu tiên nước cho vùng lúa chắc ăn, tránh được tình trạng tưới tràn lan và khi thiếu sẽ bị hạn cục bộ, ông Hồng nói thêm.
Ở vùng đồng ngoài thôn Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh), có diện tích canh tác sản xuất lúa gần 100 ha. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân đạt trên 65 tạ/ha. Nhưng vào vụ hè thu, do thiếu nước nên ruộng không gieo cấy rất lớn.
Thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm qua, người dân đã phản ánh, kiến nghị đến chính quyền địa phương mong có giải pháp khắc phục, bảo đảm chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, sau mỗi vụ sản xuất đông xuân, trong khi nhiều địa phương khác tất bật xuống giống vụ hè thu, thì người dân ở thôn Long Đại tìm hướng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thôn có gần 600 hộ dân, trong đó, 474 hộ dân có ruộng. Vào vụ hè thu năm nay, nhiều diện tích sản xuất lúa của thôn phải bỏ hoang, nguyên nhân cũng vì thiếu nước. Nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp của thôn Long Đại phụ thuộc chủ yếu vào các hồ Hóc Tré, hồ Trởm, hồ Lùm Pheo…
Hàng năm, các hồ chứa nước này đều được nâng cấp, tu sửa với nguồn kinh phí lớn nhưng cũng chỉ bảo đảm được phần nào nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân. Do không có nước sản xuất, tình trạng bỏ ruộng trong sản xuất vụ hè thu hầu như năm nào cũng xảy ra.
Theo ông Phan Văn Thông, Trưởng thôn Long Đại, tại các vùng đồng sản xuất lúa truyền thống của thôn như Bàu Mưng, Quai Ngoài, Quai Trong, Mẫu Bởi, Cây Trai, Tam Vùng…
Người dân cũng không thể triển khai sản xuất do không bố trí được nguồn nước tưới. Mấy năm trước, vụ hè thu, người dân thôn Long Đại vẫn sản xuất được khoảng 30ha lúa. Nhưng năm nay, dự báo hạn hán, khô hạn nên toàn bộ diện tích gần 100 ha đất trồng lúa phải bỏ không gieo cấy.
“Chúng tôi vận động bà con chuyển đổi được khoảng 30ha đất sản xuất nông nghiệp sang trồng các loại cây trồng cạn như mướp đắng, dưa hấu, dưa lê… Như vậy là bà con có thu nhập trên cánh đồng”, ông Thông chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lai, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) cho rằng, trước thực tế trên, địa phương đề nghị các ngành chuyên môn, đơn vị liên quan cần sớm tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng hạ tầng thủy lợi của địa phương.
“Trên cơ sở đó, có phương án căn cơ, lâu dài, xem xét đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi để có thể lấy nước từ hồ Rào Đá về thôn Long Đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thôn phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt”, ông Lai trao đổi thêm.