Dự án ‘Nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà thịt lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP’ đang được triển khai tại 5 tỉnh, thành phía Bắc mở ra hướng đi bền vững cho nông dân.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục giao trọng trách triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà thịt lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP tại 5 tỉnh/thành phố phía Bắc”, một dự án đầy tiềm năng góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi của khu vực.
Dự án được triển khai đồng loạt tại 5 tỉnh thành, bao gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang và Phú Thọ, với tổng số 42.000 con gà được nuôi bởi 42 hộ gia đình. Riêng tại Hải Phòng, dự án tập trung vào 9 hộ gia đình thuộc xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo và xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, với tổng số 9.000 con gà.
Mục tiêu của dự án không chỉ đơn thuần là tăng sản lượng gà thịt mà còn hướng đến việc nâng tầm chất lượng sản phẩm và xây dựng một vùng chăn nuôi gà thịt tập trung, hiện đại và hiệu quả. Dự án là cầu nối vững chắc giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời, dự án cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAHP, giúp người dân nâng cao năng lực và áp dụng thành công những phương pháp tiên tiến vào thực tế.
Bên cạnh việc cung cấp giống và vật tư chất lượng, dự án còn tập trung vào việc nâng cao năng lực cho người chăn nuôi thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật chuyên sâu, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình VietGAHP vào thực tế.
Người dân tham gia mô hình được hướng dẫn cách sử dụng thức ăn hỗn hợp cho gà thịt, đảm bảo hàm lượng protein phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Theo đó, gà từ 1-21 ngày tuổi được thức ăn có 20% protein, từ 22 ngày tuổi đến xuất chuồng có 17% protein.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc tiêm 7 liều vacxin cho gà thương phẩm và sử dụng hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học cũng được chú trọng, góp phần đảm bảo sức khỏe và nâng cao năng suất cho đàn gà. Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, đồng thời khuyến khích các hộ chăn nuôi thành lập nhóm để trao đổi thông tin và kỹ thuật, tạo môi trường học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm hiệu quả.
Kết quả đạt được sau 5 tháng triển khai cho thấy rõ sự hiệu quả của dự án. Việc áp dụng quy trình VietGAHP đã giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường, góp phần nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm của người chăn nuôi.
Đàn gà Ri lai 14 tuần tuổi tại xã Đại Thắng đạt khối lượng bình quân 1,92 kg/con, vượt trội so với nuôi thông thường, thể hiện rõ ưu điểm của việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn và tỷ lệ nuôi sống đều cao, cùng với giá bán gà tăng lên, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người chăn nuôi.
“Các giống gà lông màu được mua từ các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, có hồ sơ kiểm dịch đầy đủ theo quy định. Đồng thời, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc lựa chọn giống, sử dụng thức ăn và quản lý đàn gà nên hiệu quả rất tốt”, ông Nguyễn Văn Bình, một hộ tham gia mô hình, trú tại thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng chia sẻ.
Kết quả khả quan từ dự án “Nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà thịt lông màu theo tiêu chuẩn VietGAHP” đã được ghi nhận rõ nét tại xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo. Đàn gà Hồ lai 10 tuần tuổi trong dự án này cho thấy tỷ lệ nuôi sống ấn tượng đạt 97,2%, khối lượng bình quân mỗi con đạt 1,5 kg.
Gà Hồ lai, với ngoại hình đẹp mắt, sinh trưởng vượt trội so với các giống gà địa phương, đã khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Đến tuần thứ 14, khối lượng bình quân của đàn gà Hồ lai đã đạt 2,37 kg/con, cho thấy sự hiệu quả rõ rệt của việc áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, người dân thôn 3, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, chia sẻ niềm vui khi tham gia dự án: “Quy trình nuôi gà theo hướng dẫn của dự án đã giúp tôi tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới về giống gà lông màu chất lượng cao, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, kiến thức về quy trình VietGAHP, chế phẩm sinh học, vacxin phòng bệnh… đã giúp nâng cao tỷ lệ sống, năng suất và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chăn nuôi của tôi”.
Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh – Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, cho biết, việc áp dụng chăn nuôi theo VietGAHP mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ các khâu từ điều kiện chăn nuôi, con giống, vật tư,… Từ đó, dự án đã góp phần hạn chế các mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm.
Dự án còn đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận thị trường tiêu thụ một cách thuận lợi hơn. Về tổ chức sản xuất, dự án đã thành công trong việc hình thành nhóm hộ liên kết, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhóm hộ cùng nhau tiếp cận nguồn giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, mua thức ăn chăn nuôi và vật tư đầu vào với giá ưu đãi, tạo sự đồng lòng và hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi.
Kết quả của dự án đã thay đổi hành vi và kỹ năng sản xuất của người chăn nuôi, đặc biệt là đối với chăn nuôi nông hộ. Từ chăn nuôi truyền thống, phân tán, người chăn nuôi đã chuyển sang chăn nuôi hàng hóa, áp dụng quy trình VietGAHP, mang lại giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và bền vững.
“Dự án đã mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững”, Tiến sĩ Hạnh khẳng định.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả chăn nuôi, dự án được triển khai bài bản và chuyên nghiệp, từ khâu lựa chọn giống đến cung cấp vật tư, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định hiện hành. Việc chọn nhà thầu cung cấp giống và vật tư được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh qua mạng đấu thầu quốc gia, đảm bảo minh bạch và hiệu quả. 9.000 con gà lông màu 1 ngày tuổi đã được cung cấp cho 9 hộ tham gia mô hình, đảm bảo chất lượng gà loại I, đã tiêm phòng vacxin Marek, đồng thời, mỗi hộ nhận đủ 63.000 liều vacxin và vật tư chất lượng, được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đinh Mười
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn