“Cụ” chôm chôm thọ cả trăm tuổi
Theo chân đoàn du khách tìm đến các nhà vườn sinh thái trên địa bàn thành phố Long Khánh (Đồng Nai) để trải nghiệm mùa trái cây rộ, chúng tôi ghé thăm vườn của gia đình ông Lâm Phi Hùng (Sáu Hùng) ở xã Bình Lộc. Đây là một trong những điểm vườn thu hút đông khách nhất trong mùalễ hội trái cây Long Khánhvì có những mô hình cây trái “độc lạ” và chất lượng trái ngon.
Khoảng 9 giờ sáng, đã có rất đông du khách đến vườn chôm chôm, măng cụt của gia đình ông Sáu Hùng. Chủ vườn tất bật chỉ đạo nhân viên đón tiếp các đoàn khách, ông Hùng cũng trực tiếp giới thiệu với đoàn khách từng hoạt động canh tác vườn, rồi dẫn họ đến chứng kiến gốcchôm chômước có tuổi đời cả trăm năm ở giữa vườn nhà mình.
“Hiện trong vườn nhà tôi có 3 giống chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái, chôm chôm tróc và măng cụt… Đặc biệt, tôi đang sở hữu một gốc chôm chôm cả trăm tuổi vẫn đang sống tốt và cho trái sai trĩu trịt. TỉnhĐồng Naikhuyến khích gia đình tôi giữ lại vườn chôm chôm để phát triển giống cũng như chăm sócbảo tồngốc chôm chôm ‘cụ’ quý hiếm này”, ông Sáu Hùng hào hứng chia sẻ.
Theo ông, dù không xác định được chính xác tuổi cây chôm chôm này, nhưng 31 năm trước, khi ông mua vườn thì đã có cây chôm chôm này đang cho thu hoạch. Chủ vườn cũ cũng cho biết, gia đình họ đã ở mảnh vườn này được khoảng 45 năm và cây chôm chôm cũng đã có tự bao giờ; đặc biệt hơn là sau hàng chục năm không ra trái thì năm nay “cụ” chôm chôm lại sai trĩu quả.
Quan sát thực tế, “cụ” chôm chôm cả trăm tuổi này đang thời điểm rộ, mặc dù trái không được to mọng so với những cây chôm chôm “con, cháu, chắt” trong vườn, nhưng ăn trái nào cũng ngọt thơm và có hương vị rất đặc biệt. Ông Sáu Hùng khẳng định, ở Bình Lộc cũng như toàn thành phố Long Khánh, không có gốc chôm chôm nào thọ và đường kính to bằng “cụ” chôm chôm trong vườn nhà ông.
Để chứng minh, ông Hùng kêu thêm vài người khách cùng đến ôm thân cây chôm chôm nhưng cũng không thể sải tay giáp vòng. Chính vì mô hìnhđộc lạđó khiến vườn chôm chôm Sáu Hùng luôn thu hút các đoàn du khách ghé tham quan để tận mắt chứng kiến “cụ” chôm chôm hàng trăm tuổi này và thưởng thức trái tươi của “cụ” trong suốt mùa lễ hội.
Vườn sầu riêng 3 gốc mỗi cây
Thông thường mỗi cây sầu riêng chỉ có một gốc, ấy thế nhưng vườn sầu riêng của gia đình ông Trần Văn Đức (ở ấp 7, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) lại có một sự khác biệt độc đáo khác lạ, khi mỗi cây sầu riêng ở đây có đến ba gốc.
Với suy nghĩ làm sao giúp cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh, trái nhiều, chống chọi được mưa bão, ông Đức đã nảy ra sáng kiến ghép nhiều gốcsầu riênglại với nhau để tạo thế chân kiềng cho cây đứng vững. Nghĩ vậy, ông bắt đầu đi tìm thu mua hạt giống và ươm cây giống sầu riêng Ri6 trong bầu.
Sau một năm, khi cây con phát triển mạnh khỏe, ông tiến hành ghép chụm ba cây con lại chung một bầu. Nhờ có đến ba bộ rễ nên các nhánh ghép sinh trưởng rất nhanh chóng, khỏe mạnh, đặc biệt khi cây trưởng thành ông không còn quá lo lắng về việc gió bão quật cây bật gốc.
Ông Đức chia sẻ: “Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng ghép gốc sầu riêng, mình thấy cây phát triển rất đạt nên nghĩ cần phải mở rộng thêm diện tích vườn để chuyển đổi toàn bộ sang trồng sầu riêng ghép ba gốc. Thực tế, cây sầu riêng có ba gốc phát triển khỏe mạnh thì cũng ít phải dùng thuốc, giúp cây dù có trái nhiều cũng không bị suy cây và rễ”.
Theo ông Đức, kỹ thuật ghép sầu riêng 3 gốc không khó mà cho lợi ích vượt trội. Không chỉ lo về phần gốc, khi cây vào mùa đơm bông kết trái, cách xử lý của ông Đức cũng khác nhiều người. Thay vì để cây tự thụ phấn thì ông chọn thụ phấn nhân tạo để quả đều, múi không bị vẹo lép. Ngoài ra, nhờ chăm sóc, sản xuất theo hướng sạchhữu cơnên vườn sầu riêng của gia đình ông Đức được các công ty bao tiêu theo giá thị trường.
Với diện tích 3ha sầu riêng ghép ba gốc và đã có hơn 7 sào sầu riêng đang cho thu hoạch, sản lượng trái trong vụ này ước đạt khoảng 20 tấn trái, cao gấp 1,5 lần so với các vườn thông thường. Sau khi trừ chi phí, ông Đức thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Hiện ông đang làm thủ tục đăng ký cấp chứng nhận OCOP cho sản phẩmsầu riêng VietGAPcủa mình.
Thưởng thức “trái cây ngoại” tại vườn
Trong mùalễ hội trái cây Long Khánh, nhiều sản phẩm trái cây giống ngoại nhập cũng đã được giới thiệu đến người tiêu dùng như sầu riêng Musang King, mãng cầu không hạt, các giống nho đặc sản của Nhật Bản, nho thân gỗ Nam Mỹ, mít sầu riêng, nhãn đỏ Malaysia… được thu hoạch từ các nhà vườn trong tỉnh Đồng Nai.
Chẳng hạn, giống nho mẫu đơn Nhật Bản là loại trái cây đắt đỏ nhất thế giới. Trước kia, khi nhập về Việt Nam, một chùm nho từng được bán với giá cả chục triệu đồng. Đến nay, giống này được nhập về nhiều, giá bán ra thị trường cũng rẻ hơn nhưng vẫn ở mức khoảng vài triệu đồng/kg. Ngoài ra, một số giống nho ngoại nhập khá mới trên thị trường bắt đầu được trồng tại Việt Nam, như: nho ngón tay (giống lai giữa nho Mỹ và một số giống nho khác), nho kẹo đỏ Mỹ (loại nho không hạt, quả nhỏ, có vị ngọt đậm đà, giòn như kẹo).
Đặc biệt, nho thân gỗ được nhập khẩu vào nước ta trong những năm gần đây, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khi chín có màu đen, mọc từ thân cây, tuy có hình dáng như trái nho nhưng có lớp vỏ dày. Loại trái này có nhiều dinh dưỡng, chưa được trồng phổ biến nên giá bán khá cao. Do cây nho thân gỗ rất sai trái, ấn tượng nên hiện một số nhà vườn ở các nơi trồng giống cây này đưa vào khai thác du lịch.
Theo đại diện một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Đài Loan (tại huyện Long Thành, Đồng Nai), Đài Loan có thế mạnh nghiên cứu, sản xuất giống, nhất là giống cây hoa, cây ăn trái, do đó, doanh nghiệp đầu tư khâu nghiên cứu nhằm không ngừng đa dạng sản phẩm giống để cung cấp ra thị trường xuất khẩu và phục vụ tốt cả nhu cầu về các giống mới, chất lượng cao ở thị trường nội địa.
Ngoài những giống đặc sản ít đụng hàng, nhiều loại trái cây giống ngoại dòng cao cấp ngày càng được trồng phổ biến tại nhiều tỉnh thành Việt Nam như dưa hấu khổng lồ, dưa lưới, dưa hoàng kim…
“Vài năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều trái cây đặc sản giống ngoại đắt đỏ được trồng tại Việt Nam. Trong đó, nhiều giống cây trái “độc lạ” được nông dân, doanh nghiệp sưu tầm trồng trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai thu hút được một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất giống nên chủng loại giống ngoại nhập ngày càng đa dạng. Nhờ đó, nhiều đặc sản được cung cấp ra thị trường với giá bình dân hơn”, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh, cho biết.