Hệ thống giao thông ở huyện Nghĩa Đàn được mở rộng, đổ nhựa, bê tông, vật liệu cứng, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Những con đường đó ghi dấu sự đầu tư của các cấp, ngành và công sức cống hiến của nhân dân các địa phương.
Nghĩa Mai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nghĩa Đàn. Nhưng bây giờ về thăm, mọi người sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi diện mạo của vùng quê này. Các tuyến đường giao thông, từ đường lớn vào các ngõ đã được đổ nhựa, bê tông hóa, nhiều công trình xây dựng mới tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bên cạnh một số tuyến đường thuộc dự án đầu tư ngân sách, trong 2 năm 2023 – 2024, xã Nghĩa Mai được hỗ trợ hơn 1.000 tấn xi măng, các xóm, làng huy động nhân dân đóng góp cát, sỏi làm đường bê tông. Tại làng Mai Hợp, khi có chủ trương làm đường bê tông, mặc dù xi măng chưa về nhưng nhân dân đã giải tỏa hành lang, mở rộng đường, đóng góp tiền để làm đường bê tông.
Nhân dân các xã ở huyện Nghĩa Đàn chung sức khép kín hệ thống giao thông bằng bê tông. Ảnh: Minh Thái
Ông Lê Văn Hùng, làng Mai Hợp, xã Nghĩa Mai cho biết: “Có sự giúp sức từ các cấp, ngành, nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, đóng góp tiền của, ngày công làm đường. Nhiều đoạn làm xong, bà con vui mừng lắm vì đi lại thuận tiện hơn, từ đó, phong trào làm đường giao thông được tất cả người dân đồng thuận, chung sức thực hiện…”.
Là một xóm thuần nông, để huy động sức dân làm đường giao thông, làng Mai Hợp đã tổ chức họp dân, bàn kế hoạch, sau đó thống nhất cách làm. Chỉ trong 15 ngày, hơn 165 hộ dân làng Mai Hợp đã đóng góp hơn 600 triệu đồng, bình quân mỗi khẩu 3 đến 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, trong làng còn có 50 hộ dân tự nguyện hiến trên 2.000m2đất, tháo dỡ bờ tường, giải phóng mặt bằng, tham gia đóng góp hàng trăm ngày công làm được 1,3 km đường bê tông.
Anh Trần Văn Mạnh – Làng trưởng làng Mai Hợp, xã Nghĩa Mai chia sẻ: “Để làm được như thế, chúng tôi đã tổ chức họp bàn và vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua làm giao thông. Chúng tôi làm theo hình thức liên cụm, liên gia, liên hộ nên kế hoạch làm đường giao thông của làng đạt kết quả rất cao. Năm 2024 làng được cấp thêm 50 tấn xi măng, dân đóng góp 450 triệu đồng, còn dư kinh phí, chúng tôi chờ khi huy động được thêm xi măng để hoàn thiện toàn bộ hệ thống giao thông bê tông. Mong muốn của người dân chúng tôi được hỗ trợ thêm xi măng để bê tông tất cả các tuyến đường”.
Bà con nhân dân xã Nghĩa Mai – Nghĩa Đàn đóng góp tiền của xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Thái
Để thi công các tuyến đường đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, các làng chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm cử ra một đại diện có uy tín để làm nhóm trưởng, từng nhóm có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch làm đường, dự trù kinh phí. Mỗi công việc được triển khai đều có sự bàn bạc, công khai tới từng hộ gia đình, từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Đến nay, huyện Nghĩa Đàn đã huy động hơn 14.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp gần 500 tỷ đồng và hiến hơn 600.000m2đất, đóng góp hơn 350.000 ngày công lao động.
Ở vùng thuần nông xã Nghĩa Thọ (huyện Nghĩa Đàn), chính quyền và nhân dân trong xã đã tích cực thực hiện việc xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn. Đến nay, phong trào tự nguyện hiến đất, góp tiền làm đường nông thôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng.
Tại làng Trống (xã Nghĩa Thọ), ông Võ Trang Trung – Bí thư Chi bộ cho biết: “Tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng hộ dân mà chúng tôi đề ra mức đóng góp phù hợp. Chẳng hạn, những hộ dân có diện tích đất gần mặt đường lớn thì số tiền đóng góp càng nhiều, những hộ dân thuộc diện hộ nghèo hoặc gia đình chính sách không phải đóng góp. Trong 2 năm 2023 – 2024, người dân làng Trống đã đóng góp trên 500 triệu đồng; giải tỏa gần 2.000m2đất, hơn 470m bờ rào và hàng nghìn ngày công để bê tông hóa hơn 3,5 km đường nội thôn. Trung bình mỗi hộ đóng từ 4 đến 5 triệu đồng, có những hộ đóng tới 20 triệu đồng”.
Một góc xã Nghĩa Thọ hiện nay. Ảnh: Liên Thanh
Để từng bước khép kín hệ thống giao thông bằng bê tông các làng, xóm phát huy sức mạnh đoàn kết của các khu dân cư cùng sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Công Cánh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ cho biết: “Điều đáng mừng ở đây là thông qua phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn, quy chế dân chủ cơ sở được phát huy tích cực, sâu rộng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, nhân dân cũng phấn khởi vì phát huy tốt quyền làm chủ của mình, tạo sự thay đổi nhận thức không trông chờ, ỷ lại mà “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và làm để mình hưởng lợi”.
Cùng với việc hỗ trợ xi măng từ Nhà nước, ngân sách của tỉnh, huyện Nghĩa Đàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện tham gia đóng góp, ủng hộ tiền mặt, ngày công lao động xây dựng giao thông nông thôn.
Nhiều địa phương ở huyện Nghĩa Đàn xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ. Ảnh: Nguyên Nguyên
Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn ngày càng được nâng lên. Những thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng các vùng quê đáng sống với hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, môi trường sống được cải thiện, từ đó, khẳng định niềm tin và sự chung sức của nhân dân trong công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước.
“Huyện có chủ trương dồn sức đầu tư mạng lưới giao thông nhằm tạo thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông, lâm sản cũng như kinh doanh các ngành hàng. Qua đó, nhiều dịch vụ phát triển nhanh chóng, các vùng nông thôn có những thay đổi theo hướng ngày càng khang trang hơn. Trên cơ sở đó, cả hệ thống chính trị huyện đang tích cực huy động mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành tất cả các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025”.
Đồng chí Trần Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn
Thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: PV
Minh Thái
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn