Nhiều cánh đồng tại tỉnh Khánh Hòa, nông dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường khi thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào nơi quy định.
Sáng sớm, chúng tôi ra cánh đồng 2, thôn Hội Phước, xã Bình Lộc (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), tình cờ gặp ông Huỳnh Văn Năm đang mang bình phun thuốc ra ruộng lúa nhà mình.
Sau khi đến nơi, ông liền đeo khẩu trang cẩn thận rồi xuống kênh mương lấy nước pha thuốc đặc trị rầy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ông thu gom bỏ vào chiếc can nhựa mang theo múc nước, sau đó đặt tạm trên bờ ruộng.
Đến khi công việc phun thuốc hoàn thành, ông Năm cầm can nhựa lên mang vào bể thu gom để bỏ rác thải thuốc BVTV đúng quy định.
Ông Năm cho biết, trước đây hầu hết nông dân đều có thói quen vứt bừa bãi rác thải thuốc BVTV trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ mương, bờ ruộng. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của các hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên sau khi được Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa, UBND xã và Hội Nông dân xã triển khai các lớp hướng dẫn, tuyên truyền, đồng thời lắp đặt các bể thu gom trên đồng ruộng, ý thức của nông dân đã chuyển biến tích cực. Hiện nay hầu hết bà con đều chung tay bảo vệ môi trường khi thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào nơi quy định.
Rời cánh đồng 2, chúng tôi sang thôn Lương Phước, xã Bình Lộc (huyện Diên Khánh) thấy dọc theo tuyến đường bê tông của các cánh đồng không còn tình trạng bao bì, vỏ chai thuốc BVTV vứt vương vãi. Giờ nông dân sau khi phun thuốc BVTV đã bỏ bao bì, vỏ chai vào các bể chứa bằng xi măng có đường kính 0,9m, cao 1m được đặt ngay tại ven đường, kênh mương rất thuận tiện thu gom và xử lý.
Ông Hồ Văn Đài, Chi hội trưởng nông dân thôn Hội Phước cho biết, hiện nay cánh đồng lúa trong thôn được bố trí 11 bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Thấy được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường nên nông dân đã thay đổi thói quen, từ việc vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV bừa bãi trên bờ ruộng, bà con đã tuân thủ bỏ vào bể chứa. Qua đó, giúp cánh đồng trong thôn giờ thêm xanh, sạch, đẹp.
Ông Đinh Minh Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lộc cho biết, hiện toàn xã có 520 ha đất canh tác lúa. Hàng năm, người dân sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh rất lớn. Trước đây ý thức của bà con chưa cao nên khi sử dụng thuốc BVTV thì rác thải, bao bì vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng hoặc kênh mương làm ô nhiễm môi trường nước.
Từ năm 2022, thực hiện chỉ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh, Hội Nông dân huyện, UBND xã Bình Lộc đã giao Hội Nông dân xã phối hợp với Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh mở 2 lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV và thu gom rác thải thuốc BVTV bỏ đúng nơi quy định trong các bể thu gom trên cánh đồng.
“Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã hỗ trợ cho địa phương 30 bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã bố trí thêm 20 bể nữa đặt tại vị trí gần mương nước, đường giao thông rất thuận lợi để nông dân thu gom bỏ vào. Nhờ đó, đến nay rác thải thuốc BVTV đã được địa phương thu gom xử lý trên 80%”, ông Trang nói và cho biết, hàng vụ, lượng rác thải thuốc BVTV được địa phương thu gom tại các bể trên 1 tạ. Địa phương cũng đã hợp đồng với đơn vị chuyên môn thu gom và xử lý đúng quy định sau mỗi vụ sản xuất.
Không chỉ xã Bình Lộc, ngành nông nghiệp Khánh Hòa cũng đã lắp đặt hơn 112 bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại các cánh đồng sản xuất lúa ở các xã trên địa bàn huyện Diên Khánh; 79 bể tại thị xã Ninh Hòa, 13 bể tại huyện Cam Lâm…
Theo ghi nhận của chúng tôi tại những nơi lắp đặt bể, điều dễ nhận thấy nhất là nông dân đã dần hình thành thói quen thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào các bể.
Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa cho biết, hiện nay diện tích gieo trồng của tỉnh hơn 90.000ha gồm cây hàng năm và lâu năm.
Mỗi năm, lượng thuốc BVTV người dân sử dụng để phòng trừ sinh vật gây hại từ 300 – 350 tấn, trong đó lượng bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 10%, tương đương 30 – 35 tấn/năm.
Với diện tích gieo trồng như trên, theo quy định về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao thuốc BVTV sau sử dụng thì toàn tỉnh cần khoảng 20.000 bể chứa.
Trước nhu cầu trên, nhằm nhân rộng mô hình hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom bao thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 30/8/2022.
Sau đó, Sở NN-PTNT giao Chi cục Trồng trọt –BVTV triển khai các lớp hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV an toàn và lắp đặt các bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
“Từ đó đến nay, hàng năm, chúng tôi mở 20 lớp hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV an toàn, đồng thời đã lắp đặt 252 bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV cho các địa phương”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, sau khi triển khai các lớp hướng dẫn, tuyên truyền và thực hiện lắp đặt các bể thu gom bao bì thuốc BVTV, đã giúp nông dân biết cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, cũng như có trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người.
Tuy nhiên do kinh phí còn hạn chế nên số lượng bể thu gom được lắp đặt còn rất ít so với nhu cầu thực tế tại các địa phương. Do đó, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa đề nghị các địa phương chủ động tìm nguồn kinh phí để lắp đặt thêm các bể trên đồng ruộng, giúp nông dân thay đổi dần thói quen, không vứt rác thải trong nông nghiệp. Từ đó góp phần nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo ông Hùng, thời gian tới, Chi cục tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, đồng thời lắp đặt thêm các bể chứa thu gom rác thải thuốc BVTV trên đồng ruộng tại các địa phương.
Kim Sơ
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn