Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 887 loài rong biển, trong đó có khoảng 90 loài có giá trị kinh tế cao, được phân thành nhiều nhóm như rong sụn, rong câu, rong mơ, rong nho và các loại rong khác. Đặc biệt, rong sụn là một trong những nhóm có tiềm năng lớn để phát triển trên biển.
Ông Lập đặt câu hỏi: “Quan trọng là làm thế nào để phát triển các loại rong biển một cách hiệu quả?”.
Ông Lập cho rằng, một trong những bước đầu tiên để phát triển rong biển là quy hoạch các vùng trồng rong biển chuyên biệt hoặc quy hoạch canh tác kết hợp. Việc này sẽ giúp mở rộng diện tích trồng rong biển, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của loài rong này.
Ngoài ra, rong biển còn đóng góp vào mô hình kinh tế tuần hoàn. Một số loại rong biển có thể giúp giảm phát thải khí mêtan từ ngành chăn nuôi. Ông Lập chia sẻ một định hướng mới trong việc phát triển rong biển là sử dụng rong biển làm nguyên liệu cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là nuôi bò, từ đó tạo ra một chuỗi tuần hoàn giá trị. Mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, kết hợp giữa chăn nuôi và thủy sản, mở ra một cơ hội tiềm năng lớn cho ngành nông nghiệp và thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) cho rằng, yếu tố quan trọng để một mô hình trồng rong sụn hay rong biển nói chung đạt được thành công bền vững chính là phải tạo ra được “chuỗi giá trị bền vững”.
Bà Bình chia sẻ: “STP Group thực sự mong muốn xây dựng một chuỗi giá trị rong biển 5 sao, từ nuôi trồng cho đến các khâu kiểm soát chất lượng, đặc biệt là sự cam kết của chuỗi”.
Hiện tại, STP đã kết nối với khoảng 21 hợp tác xã, với hơn 100 thành viên. Điều đáng mừng là những người tham gia đã hiểu được giá trị bền vững của rong biển và mong muốn phát triển ngành này cùng với ngành du lịch.
Bà Bình cũng chỉ ra một rào cản lớn nhất hiện nay khiến người dân còn ngần ngại trong việc phát triển trồng rong biển, đó chính là tư duy. Bà Bình cho biết: “Chúng ta đã bám biển với nghề khai thác bao đời nay, bây giờ thay đổi tư duy, chuyển sang nuôi trồng là điều vô cùng khó khăn. Để thực hiện điều này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với những cơ chế và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành để người dân tích cực trồng rong biển”.
Đồng quan điểm, ông Lập cũng cho rằng, bà con trồng rong biển phải đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề môi trường, thời tiết, khí hậu, đến nhận thức chưa đầy đủ về giá trị của cây rong. Mặc dù cây rong có giá trị, nhưng so với một số loài khác, giá trị của nó chưa được đánh giá cao, do đó mức độ sẵn sàng tham gia của bà con vẫn còn hạn chế.
Để hỗ trợ bà con trong việc phát triển nghề trồng rong biển, ông Lập nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, trong đó công cụ tài chính như vốn vay, đầu tư trả chậm, bảo hiểm nông nghiệp hay xây dựng chuỗi giá trị có thể là những giải pháp hiệu quả.
Ông Lập cho biết thêm: “Việt Nam có tiềm năng mở rộng diện tích trồng rong biển lên đến 900.000ha, nhưng hiện nay chỉ mới đạt khoảng 16.500ha. Để mở rộng diện tích, không chỉ cần một chuỗi mà cần sự tham gia của nhiều chuỗi và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đó”.
Ông Lập cũng cho rằng, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) phải là yếu tố hàng đầu trong việc phát triển ngành rong biển, kết hợp với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, ông Lập còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của các viện nghiên cứu và trường đại học trong chuỗi giá trị rong biển. Để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng và được thị trường chấp nhận, cần có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà khoa học. Ông chia sẻ: “Chúng ta đang yếu ở khâu nghiên cứu ra các sản phẩm giá trị gia tăng và bảo quản chế biến sản phẩm”.
“Để xây dựng một chuỗi giá trị rong biển bền vững, cần có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, ngân hàng và các công ty bảo hiểm nông nghiệp. Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa”, Phó Giám đốc ICAFIS nhấn mạnh.
Hồng Thắm – Nhật Quang
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn