Trẻ hóa đội ngũ cán bộ
Là một trong những HTX Nông nghiệp đầu tiên ở thị xã An Nhơn (Bình Định) chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, sau khi cơ cấu lại tổ chức, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ đang hoạt động 10 loại hình dịch vụ, gồm: Làm đất; thủy lợi; bảo vệ thực vật; khuyến nông; liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống; cung ứng vật tư nông nghiệp; tín dụng nội bộ; xây dựng cơ bản vừa và nhỏ; quản lý nghĩa trang nhân dân và quản lý, khai thác, kinh doanh chợ.
Về sản xuất nông nghiệp, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ nổi bật với dịch vụ liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống với các doanh nghiệp lớn trong nước. Từ năm 2009, để nâng cao thu nhập cho nông dân, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ liên kết với 2 Tập đoàn giống lớn là ThaiBinhSeed và VinaSeed xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa giống.
Mỗi năm 2 vụ, HTX sản xuất gần 200ha lúa giống. Mô hình này đã nâng cao thu nhập cho nông dân, vì lúa giống được các doanh nghiệp bao tiêu với phương thức thu mua 1kg lúa giống trả tiền bằng 1,3kg lúa thương phẩm.
Để đảm đương khối lượng công việc rất lớn, theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, đơn vị này đã thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ và tinh giảm đáng kể bộ máy của HTX. Nếu như trước đây hầu hết thành viên trong hội đồng quản trị của HTX có độ tuổi trên 60 thì nay chỉ là 20-30 tuổi. HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ còn thu hút được 1 sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM về giữ vị trí phó giám đốc phụ trách tài chính, kinh doanh và 1 sinh viên tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế về phụ trách lĩnh vực kỹ thuật, khuyến nông.
“Sau khi tinh giảm cán bộ, HTX bố trí công tác cho cán bộ theo kiểu “đa nhiệm vụ” để phát huy hiệu quả. Ví như trước đây anh kế toán tiền mặt chỉ đảm nhiệm mỗi một nhiệm vụ thì nay phụ trách thêm dịch vụ quản lý chợ, còn anh thủ kho thì quản lý thêm dịch vụ quản lý nghĩa trang nhân dân”, ông Phạm Văn Tân nêu ví dụ.
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn, trong lộ trình phát triển của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, ngoài mở rộng vùng sản xuất và đối tượng cây trồng, đơn vị này còn quan tâm phát triển nguồn nhân lực. Nhờ trẻ hóa đội ngũ cán bộ nên HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ thành công trong tất cả các loại hình dịch vụ, nguồn vốn hoạt động của HTX luân được đảm bảo.
“Trong thời gian qua, nhờ hưởng lợi chính sách hỗ trợ tiền lương của tỉnh, HTX thu hút được 1 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm việc tại HTX. Ngoài ra, chúng tôi thu hút được 1 sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM là con em của nông dân tại địa phương về làm việc tại HTX đến nay đã được 8 năm và HTX còn đào tạo được 4 cán bộ có trình độ đại học”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ chia sẻ.
Người trẻ, việc mới
Từ khi “chiêu mộ” được sinh viên Đại học Nông Lâm Huế về đầu quân, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ mạnh dạn xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Thọ Lộc 2, chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng dưa lê, dưa lưới, dưa hấu, khổ qua, bí đỏ… mô hình này cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, diện tích sản xuất rau VietGAP của HTX đã tăng từ 3,4ha ban đầu lên đến 10ha. HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ đã xây dựng được nhà sơ chế rau quả và các thiết bị sơ chế như máy sấy, máy sục rửa để phục vụ vùng rau an toàn.
Theo ông Phạm Văn Tân, đối với dịch vụ sản xuất rau an toàn, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, toàn bộ diện tích trồng rau của HTX được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, đồng thời sử dụng các loại phân vi sinh nhằm đảm bảo an toàn cho người sản xuất và khách hàng.
Việc sản xuất rau được thực hiện theo đúng quy trình, tiêu chuẩn an toàn VietGAP, có nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Nhờ vậy, sản phẩm của đơn vị được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị cũng như các quầy rau sạch trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2023, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ đã xuất bán 127 tấn rau, quả các loại. Đặc biệt, sản phẩm dưa lê vỏ vàng của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
“Trong các lĩnh vực hoạt động, HTX giữ vai trò kết nối bà con nông dân với doanh nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín giữa nông hộ với HTX và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua thực hiện liên kết sản xuất, HTX đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, tạo được niềm tin cho thành viên”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách các HTX Nông nghiệp thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX giai đoạn 2019 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 5 HTX Nông nghiệp thực hiện thí điểm, gồm: HTX Nông nghiệp Phước Quang (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), HTX Nông nghiệp 1 Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ), HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn), HTX Nông nghiệp Định Quang (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) và HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).
“Những HTX Nông nghiệp được tăng cường cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc hầu hết đều hoạt động hiệu quả. Qua quá trình làm việc, nhiều cán bộ trẻ đã gắn bó lâu dài với HTX”, ông Trần Văn Phúc cho hay.
Vũ Đình Thung