Kỳ Sơn là huyện xa xôi nhất, cách trở nhất và nghèo khó nhất tỉnh Nghệ An. Được tiếng là có nhiều rừng và đất lâm nghiệp, nhưng rừng ở huyện này đa phần là “rừng cấm”, mỗi nhát cuốc bổ xuống rất có thể đồng nghĩa với hành vi phạm pháp. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất phức tạp là lực cản lớn trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn. Thiếu doanh nghiệp “đại bàng về làm tổ”, dải đất này khó bề “cất cánh” như mong muốn.
Đồng bào nơi đây đa phần là người Mông sống trên những dải đất cao, qua bao thế hệ vẫn duy trì thói quen du canh, du cư, đốt nương, làm rẫy. Quỹ đất canh tác vốn hạn hẹp, nhưng đa số người dân lại chưa biết cách tận dụng triệt để tiềm năng của đất, nên việc đảm bảo kế sinh nhai ổn định vẫn là bài toán khó. Đây là câu hỏi hóc búa không dễ tìm thấy câu trả lời thỏa đáng. Dù các cấp chính quyền địa phương của huyện Kỳ Sơn nhiều năm trước đã vận dụng nhiều cách, nhưng kết quả thu về vẫn rất khiêm tốn.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cằn khô, đá sỏi nơi đây hiểu rất rõ về quê hương mình. Theo ông Rê thì muốn phát triển bền vững, muốn giải quyết nhu cầu việc làm tại chỗ, đảm bảo tăng cao thu nhập và ổn định sinh kế cho người dân, nhất thiết phải kêu gọi được các doanh nghiệp lớn mạnh cùng tham gia. Tiếc rằng, việc này thực sự quá tầm với của địa phương. Điều này đến bởi nhiều nguyên do, từ khoảng cách địa lý xa xôi, nhận thức hạn hẹp, trình độ tay nghề hạn chế, đến những “nút thắt” cơ chế, mà theo ông Rê, mọi thứ cùng tồn tại đã biến thành “bức tường rào vô hình” án ngữ trước mắt.
Trở lại vấn đề thói quen chăn thả rông gia súc của đồng bào sở tại, việc ngại thay đổi vô hình trung biến lợi thế chăn nuôi thành nguy cơ. Khoảng 5 năm về trước, khi nghề “vỗ béo” trâu bò đang phát triển cực thịnh, hàng trăm hộ dân thuộc các xã Nậm Cắn, Mường Lống, Mỹ Lý, Na Ngoi, Nậm Càn… đã tranh thủ thời cơ, huy động vốn rầm rộ mua gia súc với số lượng lớn. Qua theo dõi, số hộ sở hữu tổng đàn vài chục con gia súc trở lên đếm không xuể. Thậm chí, có những hộ từng có hơn một trăm con trâu bò lực lưỡng, quy đổi giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Khi thị trường “được giá”, mọi thứ diễn ra như mơ, phiên giao dịch cứ như ngày hội, cảnh tượng người mua kẻ bán trao đổi, ngã giá nhộn nhịp, rôm rả cả một góc trời.
Giai đoạn 2018 – 2020, trâu bò vỗ kéo của Kỳ Sơn được thương lái đặc biệt ưa chuộng, giá trâu bò được định ở mức “cao chót vót”, vượt khung trần trước đó. Trong men say chiến thắng, người dân chăn nuôi lại “rải” thêm tiền đầu tư, để rồi khi họ nhận ra tình thế đảo ngược, chóng vánh như “trở bàn tay” thì đã muộn.
“Bỏ thì thương, vương thì tội”, khi giá thu mua gia súc trở nên “rẻ bèo”, người chăn nuôi tiếc công chăm bẵm, gắng gượng nuôi nhốt thêm một thời gian, chờ thời điểm thích hợp mới xuất bán. Ngặt nỗi, khi tổng đàn quá lớn, diện tích đồng cỏ hiện hữu lại khiêm tốn, để duy trì chăn nuôi, nhiều gia đình bắt buộc phải đẩy đàn gia súc vào rừng sâu, cậy nhờ vào ông trời. Việc làm này được nhiều người ví chẳng khác nào chơi xổ số, hên xui không biết đằng nào mà lần.
Rủi ro cao là sự thật hiển nhiên khi Kỳ Sơn là vùng đất thường xuyên xảy ra thời tiết cực đoan. Cứ sau mỗi đợt thiên tai, bão lũ “đọa đày”, chặng đường thoát nghèo của địa phương lại thêm gian nan, trắc trở. Mới đây, trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ 30/9/2024 – 3/10/2024, trên địa bàn xảy ra mưa lớn như thác đổ, mưa triền miên gây ngập lụt cục bộ, làm thiệt hại nặng nề trên nhiều phương diện, trong đó lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại nặng nề.
Ươm mầm hi vọng
Điểm tựa đối với huyện nghèo Kỳ Sơn trong lúc khó khăn nhất chính là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia, cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Kỳ Sơn đã chủ động đánh giá, khảo sát kỹ lưỡng, tiến tới xây dựng lộ trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn. Khác với nhiều địa phương, Kỳ Sơn không thể chạy đua ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, mà phải tận dụng những gì đang có thuộc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lựa chọn phát triển từ những yếu tố có lợi thế và nhu cầu thực tế nhất.
Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG Nông thôn mới, huyện Kỳ Sơn đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để định hướng những nội dung, vấn đề quan trọng cần tập trung và nội dung kiểm tra, giám sát trọng tâm về xây dựng NTM; chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp quán triệt, tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và hằng năm gắn với nội dung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện. Điển hình Chỉ thị số 05-CT/HU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong quá trình thực hiện.
Nhắc đến khía cạnh nông nghiệp, ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn tâm đắc nhất với cây gừng, mặt hàng đặc trưng ở Kỳ Sơn đã gây dựng được thương hiệu khá vững bền. Gừng được trồng rải rác khắp địa bàn huyện nhưng tập trung chủ yếu ở những nơi có độ cao trên 700m so với mực nước biển, như Na Ngoi, Nậm Cắn, Tây Sơn, Mường Lống, Nậm Càn… đáp ứng tiêu chí mát mẻ, độ ẩm tương thích. Hiện có 2 giống gừng phổ biến là gừng trâu ruột vàng và gừng dé, trong đó, giống gừng dé được trồng lâu đời ở đất Kỳ Sơn.
“Đã có doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn, nhưng chúng tôi chưa đáp ứng đủ, từ cơ sở đó huyện tiếp tục lựa chọn cây gừng là cây trồng chủ lực trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Kỳ Sơn đủ sức bố trí, mở rộng mô hình trên 600ha, nếu doanh nghiệp cam kết trọn vẹn nhu cầu bao tiêu. Gừng Kỳ Sơn được đồng bào Mông canh tác theo phương thức truyền thống, cơ bản không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên gìn giữ được nét đặc trưng vốn có. Các sản phẩm chế biến từ gừng được người tiêu dùng đánh giá cao, nhất là khi sản phẩm này được chứng nhận đạt chuẩn OCOP”, ông Thò Bá Rê chia sẻ thêm.
Cho dù Kỳ Sơn đối diện với nhiều rào cản phát triển, nhưng địa phương này cũng có những tiềm năng, lợi thế riêng. Chẳng hạn, xã Nậm Cắn có điều kiện nhỉnh hơn nhiều so với mặt bằng chung các xã khác cùng huyện. Là điểm cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 7, nơi đây có Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, địa phương kề sát vách với nước bạn Lào. Từ đây có thể mở ra điều kiện kết nối, thông thương thuận tiện cho người dân sở tại.
Toàn xã Nậm Cắn có 4 trên tổng số 6 bản giáp biên giới. Người dân Nậm Cắn miệt mài, cần cù, biết chắt chiu từng diện tích đất trống để hình thành hàng loạt mô hình nông nghiệp, nổi trội có trồng gừng, trồng lạc, nuôi dê, nuôi lợn đen, gà đen… Nhiều mô hình đến nay phát huy hiệu quả cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong số những nông dân giỏi của xã, ông Moong Văn Chun, trú tại bản Khánh Thành được ngợi khen là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Ông Chun thành công không nhờ may mắn đơn thuần, mà nhờ tư duy nhạy bén và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Trước đây, mỗi năm ông Chun chỉ làm 1 vụ lúa và 1 vụ ngô, dù rất vất vả, tốn nhiều công nhưng chẳng đủ ăn. Không cam chịu nghịch cảnh ấy, từ định hướng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, năm 2016 ông Chun chính thức chuyển đổi sang chăn nuôi hàng hóa với nhiều thành phần vật nuôi khác nhau.
Sau 5 năm cần mẫn không quản ngại nắng mưa, gia đình ông đã có tài sản đáng mơ ước. Đàn trâu, bò hàng chục con, đàn dê 150 con, đàn gia cầm duy trì từ vài trăm đến cả ngàn con… Nhờ chủ động không gian nuôi, biết cách ngăn ngừa dịch bệnh, ông Chun thu lãi lớn hàng trăm triệu đồng mỗi năm – một con số đáng mơ ước với bao người nơi vùng đất Kỳ Sơn này. Làm giàu cho mình và góp sức cho xã hội, mô hình chăn nuôi của ông còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Nhìn vào ông Chun, nhiều người tự tin hơn, được truyền cảm hứng và ra sức phấn đấu, thay vì an phận thủ thường như xưa kia. Phong trào sản xuất giỏi trên địa bàn cũng nhờ thế có thêm lực thúc đẩy tích cực.
“Biến khó khăn thành lợi thế, xã Nậm Cắn được kỳ vọng sẽ là xã thứ 2 của huyện Kỳ Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, các tiêu chí trọng tâm như giao thông thủy lợi, cơ sở vật chất, văn hóa, y tế, giáo dục… được củng cố vững chắc. Dù còn đó những khó khăn, áp lực chất chồng nhưng điều quan trọng nhất là trên dưới đồng thuận, kết hợp với quyết tâm cao độ sẽ tạo nên những chuyển biến mang tính căn cơ, toàn diện”.
Ông Lầu Bá Chày –Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn.
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn