Do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, hiện chỉ còn khoảng 198.000ha. Tuy vậy nông nghiệp thành phố lại có lợi thế lớn là một thị trường khổng lồ với hơn 10 triệu dân, người lao động, du khách, có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất mạnh. Trong bối cảnh đó, mấy năm gần đây Hà Nội đang tập trung chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp bằng các công cụ về khoa học công nghệ để nâng cao giá trị trên cùng một diện tích. Gắn phát triển nông nghiệp với quy hoạch cảnh quan đô thị để tạo ra các không gian xanh, cung cấp cho thị trường tại chỗ, hướng tới xuất khẩu đồng thời kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch.
Trong chiến lược đó, ngành nghề hoa, cây cảnh có một vị trí đặc biệt quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Chí-Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, hoa, cây cảnh ngoài tạo công ăn việc làm, giúp làm giàu cho người dân còn đóng vai trò lớn trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hiện thành phố có hơn 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng.
Không chỉ phát triển những loại hoa, cây cảnh truyền thống mà thời gian gần đây Hà Nội có nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc, nên năng suất, chất lượng, độ thẩm mỹ sản phẩm được nâng cao. Nhờ đó giá trị sản xuất hoa, cây cảnh của thành phố đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm và đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa với quy mô từ 10 – 20 ha/vùng tại các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm…
Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng thời gian tới. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan…của Hà Nội đã bước đầu xuất khẩu thành công. Hoa, cây cảnh vừa đem tăng thu nhập cho nông dân, giúp tăng mảng xanh thực vật, làm đẹp cho Thủ đô, vừa có thể tạo ra nền nông nghiệp đa giá trị khi kết hợp với du lịch để phục vụ cho chính người dân đô thị.
Hoa, cây cảnh với xây dựng nông thôn mới
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã và đang thực hiện: cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh.
Hoa, cây cảnh không chỉ là điểm nhấn về cảnh quan của nông thôn hay đô thị mà còn có tác dụng thanh lọc không khí, giảm bụi mịn và nhiệt độ đồng thời giữ ẩm cho môi trường. Việc tăng cường cây xanh tại các khu dân cư, công viên, hay ven đường góp phần tạo nên không gian sống trong lành hơn cho người dân. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc gìn giữ môi trường. Những tuyến đường nở hoa, những không gian công cộng ngập tràn cây xanh liên tục được mở rộng ở khắp nơi bằng sự tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ cây của người dân. Ngược lại, những mảng xanh đó lại trở lại phục vụ người dân trong các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần.
Hà Nội đã ban hành đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh từ năm 2012 trong đó đặt mục tiêu mở rộng diện tích canh tác hoa cây cảnh với tốc độ mở rộng 60-80 ha/năm; tập trung phát triển sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: hồng, đào, lily, lan; tăng trưởng về giá trị bình quân hàng năm từ 5-10%. Trong Luật Thủ đô năm 2024, sinh vật cảnh lại càng có vị thế trong chiến lược phát triển Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”, cũng như định hướng phát triển ngành nông nghiệp sinh thái bền vững và đô thị thông minh.
Hiện nay, thành phố đang xây dựng đề án nông nghiệp đô thị, trong đó sinh vật cảnh được xác định là một nhóm ngành hàng quan trọng được ưu tiên phát triển, là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động của quá trình đô thị hóa nhanh, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên đầu người, giúp tăng Hà Nội trở thành đô thị đáng sống…
Ngay trong chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội cũng xác định, thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500 ha đến 9.000 ha. Trong đó quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương thì những làng nghề hoa, cây cảnh đặc biệt quan trọng. Ở đó việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với xúc tiến thương mại và du lịch trải nghiệm. Đi trước một bước có thể thấy những điều đó ở làng nghề hoa cây cảnh Hồng Vân ở huyện Thường Tín.
Ngay từ khi còn trực thuộc tỉnh Hà Tây, xã Hồng Vân đã có 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề sinh vật cảnh đó là Xâm Xuyên và Cơ Giáo. Hiện toàn xã có hàng trăm hộ theo nghề, nhiều gia đình đạt mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, thậm chí là tiền tỷ. Không chỉ phát triển đơn giá trị là sản xuất hoa, cây cảnh mà thời gian gần đây xã đã chuyển hướng sang sản xuất đa giá trị khi kết hợp nông nghiệp với du lịch.
Để làm được điều đó, Hồng Vân vận động người dân trồng hơn 30 tuyến đường hoa mang những màu sắc khác nhau như bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến, ban…Với lợi thế là có cảnh quan sinh thái nhiều xanh và đẹp hàng năm xã đã tổ chức các sự kiện lễ hội hoa xuân, lễ hội tình yêu, đêm hội hoa đăng và nhất là gắn với yếu tố tâm linh của lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung để hút du khách. Nhờ đó mà trong thời gian qua đã có khoảng 200.000 du khách đã đến đây để tham quan, tạo doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên điểm yếu là đa số khách đến và đi trong ngày, ít lưu trú qua đêm, số tiền bỏ ra cho chi tiêu còn ít nên chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sở tại. Để khắc phục tình trạng này, Hồng Vân kiến nghị cho phép khai thác điểm dịch vụ du lịch lưu trú tại vùng lõi, cho phép đầu tư hạ tầng tiếp đón khách du lịch.
Hà Nội phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng của sinh vật cảnh giai đoạn năm 2022 – 2030 đạt khoảng 10%/năm; giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 – 750 triệu đồng/năm. Đồng thời từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.