Xã Lăng Thành,huyện Yên Thànhtrước đây có tên gọi là Quỳ Lăng, địa phương với nhiều cái nhất: Đình Sừng to nhất vùng, xã có diện tích lớn nhất huyện…
Đất Quỳ Lăng gắn liền với rừng lim là con bàu Sừng quanh năm đầy nước, uốn lượn theo các khu vực của rừng lim, tạo thành cảnh quan thơ mộng.
Khi nói đến tác dụng của rừng lim Quỳ Lăng, người dân tự hào, rừng lim ngoài giá trị về di tích bảo tồn vốn có của cha ông để lại, còn tạo được cảnh quan,môi trường sinh tháitự nhiên, tạo nguồn nước dồi dào gắn liền với đời sống của người dân Quỳ Lăng từ bao đời nay. Do vậy, rừng lim và bàu Sừng là hình ảnh thiên nhiên in đậm vào tâm hồn của mỗi người dân được sinh ra và lớn lên nơi đây.
Từ trung tâm xã, cùng với anh Nguyễn Hữu Bình, cán bộ lâm nghiệp xã Lăng Thành, chúng tôi đến các khu rừng lim trên những địa danh Rú Chùa, xa hơn nữa là Hóc Nông, Đồng Bàu, Vệ Thạng, Hòn Sáo, Đồng Nhiệm… khu vực nào cũng có cây lim to, cao. Theo anh Bình cho hay, có thời điểm toàn bộ rừng lim của địa phương có trên 2 nghìn cây, sống tập trung trên diện tích 106 ha rừng đặc dụng.
Theo người dân địa phương, từ cuối thế kỷ 20 về trước, dưới tán rừng lim được trồng hoàn toàn cây dứa ăn quả. Loại dứa bản địa trước đây quả to, chín thơm ngon ngọt, vào vụ thu hoạch, hàng trăm gia đình có nguồn thu từ bán dứa quả.
Tuy nhiên, sau này cây dứa Cayen trồng nhiều tại các địa phương, nên bà con không tái trồng dứa bản địa dưới tán rừng lim nữa. Cùng đó, có thời điểm tình trạng cây lim bị chết không rõ nguyên nhân và sự xâm hại rừng lim xảy ra, khiến số cây lim giảm dần, thay vào đó là rừng trồng keo, tràm.
Nguy cơ mai một rừng lim
Nói về công tác bảo vệ báu vật rừng lim Quỳ Lăng trong suốt thời gian dài hơn 2/3 thế kỷ qua, ông Nguyễn Hồ Sơn – Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết, từ năm 1945 về trước, toàn bộ rừng lim thuộc quyền sử dụng của một số hộ cá nhân và một số dòng họ. Hàng năm các hộ gia đình trồng thêm cây lim con vào rừng đồng thời nuôi dưỡng một số cây lâm sản quý như cây gụ, lim, trai… và một số cây tạp thực vật dưới rừng như cây dứa, mây.
Đến năm 1954 toàn bộ diện tích rừng lim giao cho Hợp tác xã Lăng Thành quản lý chung. Trong lúc rừng đang phát triển tốt, thì năm 1991, dịch sâu róm xuất hiện đã làm chết nhiều cây lim cổ thụ, bên cạnh đó công tác quản lý rừng lim của Hợp tác xã kém hiệu quả, do tổ bảo vệ là các cụ phụ lão không đảm trách được, nhiều diện tích rừng lim bị con người xâm hại.
Đến năm 2001, toàn bộ diện tích rừng lim được giao cho các hộ dân quản lý, theo chủ trương giao đất giao rừng của Nhà nước. Từ đó, nhiều hộ dân đưa cây keo, bạch đàn vào trồng trong rừng lim, khiến tình trạng người dân tự chuyển diện tích rừng lim sang trồng cây nguyên liệu giấy càng nhiều.
Để bảo vệ rừng lim của ông cha để lại là tài sản vô giá cho thế hệ mai sau, ngày 10/01/2014 UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 112/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử văn hóa cảnh quan huyện Yên Thành đến năm 2020 trong đó có rừng lim xã Lăng Thành. Mục đích kêu gọi Nhà nước có một số cơ chế chính sách đầu tư để phát triển rừng lim.
Nên từ năm 2015 đến 2016, toàn bộ rừng lim do UBND xã quản lý, từ đây xã xây dựng lực lượng công an đảm nhiệm công tác bảo vệ rừng lim. Đồng thời UBND xã lập tờ trình đề nghị UBND huyện và các ban ngành liên quan có chủ trương thu hồi bìa đỏ các hộ nhận đất lâm nghiệp rừng lim để UBND xã chỉ đạo xây dựng phát triển rừng lim ngày càng hiệu quả.
Tuy nhiên, đến thời điểm này rừng lim Quỳ Lăng đã giảm đáng kể. Con số thống kê của UBND xã Lăng Thành cho thấy, năm 2014, trong số diện tích rừng đặc dụng 106 ha, thì rừng tự nhiên có 81,6 ha, rừng trồng keo, bạch đàn 17,99ha, đất trống 6,74ha. Ngược lại, đến năm 2020, trong số 106 ha rừng đặc dụng đó thì rừng tự nhiên giảm xuống 25ha, trong khi đó rừng trồng keo, bạch đàn tăng lên 81,35ha. Nguyên nhân, do các hộ dân có hiện tượng xâm canh, không phân biệt ranh giới vườn hộ gia đình với đất rừng.
Đáng tiếc, tình trạng cây lim trên địa bàn xã Lăng Thành chết ngày càng nhiều. Trong tháng 9 năm 2023, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm đếm tại 50 hộ nhận vườn thì có 146 cây lim bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Để bảo vệ tốt rừng lim Quỳ Lăng, ông Nguyễn Hồ Sơn – Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho rằng, ngành kiểm lâm, lâm nghiệp, cùng các ban ngành liên quan cần có giải pháp kịp thời khắc phục hậu quả chồng chéo giữa rừng đặc dụng hay sản xuất và phòng hộ trong công tác quản lý. Xác minh lại nguồn gốc quyền sử dụng đất, rừng trồng, rừng phòng hộ để có biện pháp quản lý chặt chẽ trong công tác quản lý rừng.
Nếu rừng vẫn được quy hoạch rừng đặc dụng, thì cấp trên có chính sách hỗ trợ và chiến lược mới vừa bảo tồn cây lim và đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng với vùng.
Hiện nay, rừng lim Quỳ Lăng đang được các cấp, ngành địa phương quan tâm đưa vào quản lý thành khu rừng đặc dụng, từng bước khai thác một tour du lịch sinh thái hấp dẫn trên địa bàn huyện Yên Thành: Đền chùa Rú Gám (Xuân Thành) – Đập Vệ Vừng (Đồng Thành) – đập Quản Hài (Phúc Thành) – Rừng lim Quỳ Lăng..