Sau 3 năm phối hợp thực hiện Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Hiệp hội CropLife Việt Nam, Sở NNPTNT Đồng Tháp đã thu được những kết quả tích cực.
Với mục tiêu hỗ trợ nông dân tại Đồng Tháp tiếp cận tới các chương trình tập huấn về sử dụng thuốc BVTV trên các cây trồng chủ lực của tỉnh một cách an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và thực hành sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, giảm tình trạng lạm dụng thuốc, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu, tháng 12/2021, Cục Bảo vệ thực vậth (Bộ NNPTNT), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2026.
Chương trình tại Đồng Tháp cũng được kỳ vọng là dự án thí điểm về tập huấn sử dụng thuốc BVTV. Kết quả và lợi ích thực tiễn từ chương trình được kỳ vọng sẽ lan toả và tạo động lực để nhân rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành khác trên cả nước.
Theo khung hợp tác, trọng tâm của chương trình hợp tác là triển khai các lớp tập huấn trực tiếp cho nông dân, đại lý trên địa bàn tỉnh cùng cán bộ địa phương; xây dựng mô hình canh tác bền vững kết hợp với tập huấn (lý thuyết và thực hành) về sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh; phát động chiến dịch thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; bổ sung bình chứa bao gói thuốc BVTV trên đồng ruộng và kho lưu chứa tại các mô hình. Tăng cường hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân và cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra thường xuyên tới cơ sở buôn bán kinh doanh thuốc BVTV nhằm tăng cường quản lý chất lượng thuốc BVTV đang lưu hành.
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Chương trình hợp tác hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp, ông Lê Văn Chấn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp) cho biết, chương trình đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nông dân thông qua các lớp tập huấn dành cho nông dân, đại lý về các quy định và nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV.
Theo đó, đã có 78 lớp tập huấn được tổ chức với sự tham gia của 3.140 nông dân trong tỉnh; 16 lớp tập huấn cho 977 đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, còn thực hiện 2 đợt tập huấn cho 100 cán bộ tại tỉnh Đồng Tháp; cung cấp 3.750 bộ đồ bảo hộ cá nhân cho nông dân khi phun và pha chế thuốc.
Đối với nội dung xây dựng mô hình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực, ông Tâm cho biết, sau 3 năm, chương trình đã xây dựng được 6 mô hình trên các cây trồng chủ lực của tỉnh bao gồm: Lúa tại Lấp Vò; hoa kiểng tại Sa Đéc; sầu riêng tại Châu Thành; ớt tại Thanh Bình; xoài tại Cao Lãnh và cây có múi tại Lai Vung với tổng diện tích triển khai mô hình đạt 352.7 ha.
Tại các mô hình, các cán bộ kỹ thuật đã hoàn thiện 6 cuốn sổ tay tập huấn phòng trừ dịch hại trên các cây trồng tại mô hình; tổ chức 24 lớp tập huấn cho 606 hộ nông dân tham gia mô hình; lắp đặt 55 bộ thùng lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và xây dựng 1 nhà kho lưu trữ – tập kết bao gói thuốc trước khi mang đi tiêu huỷ.
Đặc biệt, chương trình đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phát động tổ chức “Ngày hội Thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng” trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Theo đó, đã thực hiện được 36 đợt thu gom tại các huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh; 2.280 nông dân tham gia với tổng lượng bao gói thu gom được là 20.270 kg. Vận động tổ chức 8 đợt thu gom trong mô hình với tổng lượng thu gom là 1.187kg. Tổng lượng bao gói thu gom được qua các đợt phát động và trong mô hình là hơn 21 tấn.
“Qua 3 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy đã có sự thay đổi tích cực về mức độ hiểu biết của nông dân về các nội dung liên quan đến thuốc BVTV đã được tập huấn trong chương trình: yỉ lệ hiểu biết tốt (thang điểm 4/5) về từng các nội dung sau tập huấn tăng từ 6-34% so với trước tập huấn. Nông dân chủ động hơn trong các hoạt động tìm hiểu thông tin về thuốc, lựa chọn mua, vận chuyển, bảo quản. Tỷ lệ nông dân chỉ mua thuốc BVTV theo kinh nghiệm hay thói quan giảm 21,7%. Nông dân quan tâm hơn đến việc mua thuốc có nhãn tiếng Việt (tăng từ 75% lên 91,6%). Qua khảo sát, chỉ còn 0,5% nông dân không tuân thủ đúng liều lượng, nồng độ. Tỷ lệ thu gom bao gói thuốc sau sử dụng 99%, tỉ lệ tự tiêu huỷ bao gói giảm; tỷ lệ nông dân sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động như mũ, kính, quần áo dài tay khi tiếp xúc với thuốc 80-94%”, ông Chấn thông tin thêm.
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình, TS. Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT nhấn mạnh, “Tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết và ưu tiên của Cục BVTV. Trong thời gian vừa qua, Cục đã phối hợp với chính quyền các cấp và mạng lưới đối tác trong ngành BVTV xây dựng nhiều chương trình hành động, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về việc sử dụng an toàn và hiệu quả các vật tư nông nghiệp, trong đó bao gồm cả thuốc BVTV. Việc triển khai chương trình tại Đồng Tháp cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước tái khẳng định các cam kết lâu dài của Cục nhằm theo đuổi các cam kết về phát triển nông nghiệp bền vững. Sau 3 năm triển khai, sự tham gia và phản hồi tích cực của nông dân – đối tượng tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ các lớp tập huấn, đã cho thấy hiệu quả và một số tác động bước đầu của chương trình, qua đó đề cao tầm quan trọng của hợp tác công – tư trong quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn”.
Đại diện CropLife Việt Nam, ông Đặng Văn Bảo – Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ: “Một trong những cam kết quan trọng của tất cả các công ty thành viên CropLife đó là chúng tôi luôn tiến hành song song các hoạt động tập huấn khi giới thiệu và thương mại sản phẩm thuốc BVTV trên thị trường. Ý nghĩa của hoạt động này đó là tối đa hóa lợi ích, công dụng của sản phẩm cũng như giảm thiểu mọi rủi ro có thể có đối với sức khoẻ cộng đồng, môi trường và chất lượng nông sản. Cam kết này cho thấy ưu tiên hàng đầu của CropLife cùng các thành viên đó là sức khỏe và sự an toàn của những người tiếp xúc với thuốc BVTV cũng như thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn của chúng tôi trong việc hỗ trợ an ninh lương thực và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Chúng tôi hy vọng rằng thành công của chương trình hợp tác triển khai tại Đồng Tháp sẽ tiếp tục được lan toả và nhân rộng và kêu gọi được sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị – hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm”.
Theo thông tin từ CropLife Việt Nam, trong thời gian tới, ba bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm tiếp nối và nâng cao các kết quả đã đạt được trong 3 năm vừa qua.
Năm 2025 sẽ đánh dấu một số điểm mới đáng chú ý trong chương trình, bao gồm: mở rộng mô hình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm sang các cây trồng chủ lực khác, phù hợp với định hướng xuất khẩu của tỉnh; triển khai tập huấn về an toàn khi sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV; giới thiệu và hướng dẫn nông dân tham gia chương trình đào tạo trực tuyến về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, dự kiến sẽ được Cục BVTV ban hành trong thời gian tới; phổ biến thông tin và hỗ trợ Đồng Tháp xây dựng hồ sơ xin tài trợ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam theo quy định EPR, nhằm tạo nguồn lực ổn định và lâu dài cho hoạt động thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
K.Nguyên – N.Chương
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn