Với việc lỗ sau thuế 546 tỷ đồng sau 9 tháng 2024, HAGL Agrico (mã: HNG) đã nâng lỗ luỹ kế lên 8.648 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng đã vượt xa so với mục tiêu chỉ lỗ trước thuế 120 tỷ đồng năm 2024 đã được ĐHĐCĐ thông qua.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG – UPCoM) mới công bố BCTC quý III/2024 với doanh thu thuần đạt 141 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Do kinh doanh dưới giá vốn (187 tỷ đồng), dẫn đến HNG lỗ gộp 47 tỷ đồng, nhưng đã giảm đáng kể so với mức lỗ gộp 101 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Xét về các chi phí, ngoại trừ chi phí tài chính kỳ này tăng 34%, lên 117 tỷ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm lần lượt 58% và 72% về còn 2,7 tỷ đồng và 5 tỷ đồng. Kết quả, HNG báo lỗ sau thuế 182 tỷ đồng trong quý III/2024, giảm nhẹ so với mức lỗ năm ngoái là 199 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 14 liên tiếp HAGL Agrico ghi nhận thua lỗ.
Đồng thời, Công ty có 116,4 tỷ đồng là chi phí tài chính phát sinh trong kỳ bao gồm: 54,2 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ có gốc ngoại tệ và 62,2 tỷ đồng chi phí lãi vay phát sinh từ gốc vay trước đây của các dự án cao su, cọ dầu. Tổng hợp các yếu tố trên khiến Công ty tiếp tục thua lỗ.
Luỹ kế 9 tháng 2024, HAGL Agrico mang về 288 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34%, nhưng lỗ sau thuế tới 546 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 446 tỷ đồng) do kinh doanh dưới giá vốn, qua đó nâng lỗ luỹ kế của HNG lên 8.648 tỷ đồng. Mức lỗ 9 tháng cũng đã vượt xa so với mục tiêu chỉ lỗ trước thuế 120 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ 2024 HNG thông qua.
Giải trình thêm về kết quả kinh doanh kém hiệu quả, ngoài lỗ chênh lệch tỷ giá nêu trên, HAGL Agrico cho biết nguyên nhân gây lỗ còn đến từ sản lượng cây ăn trái sụt giảm. So với cùng kỳ, sản lượng trái cây chỉ đạt 2.903 tấn, giảm 56%. Việc dừng sản xuất một phần diện tích trồng chuối để chăm sóc, cải tạo mặt bằng đã khiến sản lượng trồng chuối suy giảm trong kỳ.
Cụ thể: Diện tích vườn chuối thu hoạch trong kỳ giảm từ 1.920 ha còn 494 ha, do diện tích vườn chuối trồng lâu năm, chất lượng và năng suất không còn đạt hiệu quả nên công ty phải dừng chăm sóc để tập trung làm lại mặt bằng, cải tạo vườn cây để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Đồng thời công ty đang triển khai mô hình xí nghiệp với việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cơ giới hóa, áp dụng quy trình kỹ thuật mới để ổn định về sản lượng, nâng cao năng suất và chất lượng trong thời gian tới.
Về cây cao su, sản lượng cao su đạt 2.401 tấn, tương đương doanh thu 89,8 tỷ đồng. Diện tích đất trồng cây cao su đã hoàn thiện 15.192 ha nhưng công ty mới chỉ khai thác hiệu quả 4.932 ha. Trong khi HAGL Agrico vẫn phải hạch toán khấu hao cho toàn bộ diện tích đất trồng cây, bao gồm cả phần chưa khai thác dẫn đến chi phí tăng cao.
Tại cuối quý III/2024, tổng tài sản của HAGL Agrico tăng gần 1.900 tỷ đồng so với đầu năm (15%), đạt 15.948 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản còn lại của HAGL Agrico là tài sản dài hạn, nằm ở các khu đất và khoản tiền đầu tư xây dựng. Trong đó tài sản cố định chiếm 5.443 tỷ đồng. Phần tài sản này đã bị khấu hao 3.223 tỷ đồng. Tài sản dở dang dài hạn chiếm 5.619 tỷ đồng, cao hơn đầu năm 1.200 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí phát triển vườn cây ăn trái và vườn cây cao su.
Cơ cấu nguồn vốn trong 9 tháng đầu năm cũng cho thấy sự gia tăng mạnh của lượng nợ vay ngắn hạn.
Cụ thể, tổng nợ phải trả chiếm 14.089 tỷ đồng, tương đương 88% nguồn vốn của doanh nghiệp. Nợ vay ngắn hạn trong kỳ đã tăng thêm 2.060 tỷ đồng, chiếm tới 8.271 tỷ đồng.
Ngược lại, nợ vay dài hạn giảm hơn 600 tỷ đồng, còn 1.410 tỷ đồng. Tổng lượng nợ vay của HAGL Agrico là 9.681 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần so với vốn chủ sở hữu.
Chủ nợ lớn nhất của HNG là CTCP Nông nghiệp Trường Hải với 7.757 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm, bao gồm 272,7 tỷ đồng vay ngắn hạn và 7.487 tỷ đồng vay dài hạn. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) cũng đang cho HNG vay 1.019 tỷ đồng, giảm gần 100 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNG đã bị huỷ niêm yết bắt buộc và giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 18/09. Sau khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu HNG sẽ giao dịch trên sàn UPCoM. Để niêm yết trở lại trên HoSE, HAGL Agrico phải có lợi nhuận 2 năm liên tiếp mới có thể xin đăng ký.
Trước đó, trong báo cáo bán niên, kiểm toán viên có nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, nguyên nhân do HAGL Agrico khi đó có lỗ lũy kế là 8.466 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn và vi phạm một số điều khoản của các khoản vay.
HAGL Agrico giải trình: Hiện nay công ty vẫn đang tiếp tục triển khai các dự án để đảm bảo dòng tiền hoạt động kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên liên quan giải quyết công nợ và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn để có dòng tiền đầu tư. Trên cơ sở này, Công ty đã lập và trình bày Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2024 đáp ứng giả định hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng tới.
HAGL Agrico cho biết, đang cố gắng cải thiện hoạt động kinh doanh của công ty. Năm nay, HAGL Agrico dự kiến trồng mới 1.533 ha chuối, chăm sóc và khai thác 6.328 ha cao su; đầu tư chuồng trại, cánh đồng cỏ và nhập khẩu 5.800 con bò cái.
Ngoài ra, HAGL Agrico đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong (Lào). Dự án có quy mô 27.384 ha đất, tổng vốn đầu tư 18.090 tỷ đồng, thời gian hoàn thiện đầu tư dự án là từ năm 2024 – 2028. Doanh thu năm 2028 ước tính đạt 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 2.450 tỷ đồng.
Hiện nay, công ty thực hiện chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp.
“Với chiến lược này, công ty hy vọng rằng sẽ tạo được lợi nhuận trong thời gian tới. Từ đó từng bước giảm các khoản lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính”, HAGL Agrico nhấn mạnh.
Báo cáo dự án đầu tư nông nghiệp quy mô lớn giai đoạn 2024-2028, lãnh đạo HAGL Agrico muốn quy hoạch diện tích trồng chuyên canh cây ăn trái đến 10.000 ha (trong đó 8.000 ha chuối và 2.000 ha dứa).
Quy hoạch diện tích chăn nuôi bò kết hợp trồng cây ăn trái đến 14.000 ha (trong đó có 5.000 ha cây ăn trái gồm xoài, bưởi, sầu riêng và quy mô đàn bò 210.000 con).
Tổng vốn đầu tư 18.090 tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD). Tiến độ đầu tư từ 2024 đến 2028.
Theo đó đến 2025-2028, công ty dự kiến sản lượng trái cây tươi xuất khẩu 624.000 tấn/năm, sản lượng trái cây chế biến xuất khẩu 25.000 tấn/năm, sản lượng bò giống là 12.000 con/năm và sản lượng bò thịt thương phẩm xuất khẩu 17.000 tấn/năm.
Hiệu quả dự tính đến 2025-2028 sẽ đạt doanh thu 13.500 tỷ đồng (tương đương 550 triệu USD) và sẽ có lãi 2.450 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD).
Nguyễn Phương
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn