Gia đình chị Phan Thị Đẹp ở (xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải), trước đây gặp rất nhiều khó khăn do không có đất sản xuất. Để trang trải cuộc sống và nuôi hai con ăn học, vợ chồng chị phải làm thuê làm mướn hàng ngày.
Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ hai con dê nái sinh sản để làm vốn chăn nuôi. Sau hơn một năm chăm sóc, đàn dê nhà chị Đẹp đã tăng lên gấp 4 lần, giúp thu nhập khá hơn và cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Chị Đẹp chia sẻ: “Tôi bán hai đợt rồi, mỗi lần được 15 triệu đồng, đủ để mua gạo ăn và lo cho con đi học. Tiếp theo, tôi sẽ bán bớt con đực và để lại con cái làm giống. Nếu ai cần mua dê con, tôi sẵn sàng cung cấp”.
Chị Đẹp cho biết, mình rất thích mô hình này vì phù hợp với gia đình chị do không chiếm diện tích lớn, vừa tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương như cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, giống chị nuôi là dê Boer lai có đặc điểm tăng trưởng nhanh. Chỉ sau 4 tháng nuôi, chúng đạt trọng lượng từ 38-42kg. Với giá dê thịt hiện nay từ 90.000 – 105.000 đồng/kg, nếu xuất bán mang lại lợi nhuận cho chị Đẹp từ 500.000 – 700.000 đồng mỗi con.
Còn ông Nguyễn Văn Nhu, nông dân có kinh nghiệm nuôi dê hơn 40 năm ở (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang), hiện đang nuôi khoảng 70 con dê Boer lai với dê bách thảo, thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm.
Ông Nhu cho biết, dê lai là con vật dễ nuôi, chi phí đầu tư không cao và đem lại thu nhập ổn định. Dê có thể ăn rất nhiều loại lá cây, kể cả những loại mà trâu bò không ăn được, giúp tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Dê cũng dễ chăm sóc và ít bị bệnh, mức độ rủi ro trong chăn nuôi dê thấp hơn so với các vật nuôi khác.
“Trước đây, tôi nuôi dê cỏ chăm sóc rất cực do chúng hay nhiễm bệnh. Hiện, nuôi giống này tôi thấy vừa nhàn, vừa có lợi nhuận cao hơn trước. Vì vậy gia đình chuẩn bị làm chuồng nuôi thêm 60-70 con nữa”, ông Nhu cho hay.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh đánh giá, dê Boer lai dễ nuôi, thức ăn có sẵn trong tự nhiên và ít gặp rủi ro về dịch bệnh. Dê chịu đựng được khí hậu nóng ẩm và ăn được nhiều loại thức ăn kể cả lá cây cỏ nghèo dinh dưỡng. Phù hợp đối với hộ dân vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, như vùng ven biển tỉnh Trà Vinh.
Ông Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, cho biết: Trung tâm đã hỗ trợ con giống cho hộ kinh tế khó khăn vùng biển. Với tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 160 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước. Mỗi hộ nhận từ 11 đến 22 con, trọng lượng bình quân 15kg/con. Trung tâm cũng tập huấn về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cách phòng và trị một số bệnh thường gặp trên dê, cách ủ chua thức ăn cho dê.
Về đầu ra, dê thịt sẽ được HTX Chăn nuôi Thuận Phát thu mua toàn bộ với giá thị trường tại thời điểm xuất bán theo thỏa thuận 3 bên giữa Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh (đơn vị đầu tư), HTX chăn nuôi Thuận Phát (đơn vị cung cấp giống và thu mua dê thịt) và hộ tham gia mô hình đã ký kết.
Mô hình chăn nuôi dê lai hướng thịt liên kết thị trường tiêu thụ nếu thành công sẽ được triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh. Theo kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn dê của tỉnh đạt 23.000 con và sản lượng (thịt hơi) 300 tấn/năm.