Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển nhanh chóng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đã trở thành một yêu cầu tất yếu xuyên suốt quá trình hoạt động của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trước những biến chuyển mau lẹ của thực tiễn. Có thể thấy rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần này đã mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân; đã và và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tường chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu chung là: “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 – 2030”, và tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Như vậy, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là một trong 6 nội dung trọng tâm của cải cách hành chính ở nước ta trong giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu chung là: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 4317/QĐ-UBND ngày 26/12/2023 về Kế hoạch CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024. Kế hoạch đã đề ra 8 mục tiêu, 41 nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp triển khai thực hiện. Đồng thời, lựa chọn chủ đề CCHC của năm đó là:“Đẩy mạnh chuyển đổi số – Tập trung nâng cao tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình – Tỷ lệ số hóa hồ sơ – Tỷ lệ thanh toán trực tuyến”; Kế hoạch số 1004/KH-UBND ngày 19/12/2023 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024; Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 16/02/2024 về thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 634/QĐ-UBND ngày 22/03/2024 về việc phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An, phiên bản 1.0. Chính những quyết định kịp thời đó mà việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số trên địa bàn tỉnh nói chung và cấp xã nói riêng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể là: Đã triển khai kết nối liên thông gửi nhận văn bản trên phần mềm VNPT-IOffice cho 23/23 đơn vị cấp Sở, 412/412 UBND cấp xã; Kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Tổng số tài khoản người dùng đang sử dụng trên hệ thống: 15.618; Tính từ 10/12/2023 đến 30/5/2024, tổng số văn bản đến tiếp nhận trên hệ thống là 1.789.670 văn bản, Tổng số văn bản đến chờ duyệt là: 25.972 văn bản, Tổng số văn bản đến đã chuyển thực hiện là: 1.763.698 văn bản; tổng số văn bản đến lãnh đạo phê duyệt bằng phần mềm là: 1.733.904 văn bản. Tổng số văn bản đi phát hành trên hệ thống là: 432.847 văn bản; tổng số văn bản đi được ký số trên phần mềm là: 408.814 văn bản; đã cấp đầy đủ chứng thư số cho tập thể, cá nhân trong các cơ quan nhà nước. Tính đến ngày 03/6//2024 đã cấp 10.333 chứng thư số đang hoạt động, trong đó 8.500 chứng thư số cá nhân, 1.833 chứng thư số tổ chức (theo báo cáo Sở Nội vụ).
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận Một cửa huyện Nghĩa Đàn
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là cấp xã vẫn đang còn khá nhiều bất cập, như: Ở một số đơn vị cấp xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Bộ phận Một cửa chưa đáp ứng yêu cầu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chuyển đổi số ở các địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được bổ sung, đầu tư kịp thời; ở một số địa phương (cấp xã), việc cập nhật, niêm yết công khai danh mục, nội dung của TTHC tại Bộ phận Một cửa sau khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố chưa đầy đủ, kịp thời theo quy định; nhiều địa phương, nhất là ở cấp xã vẫn chưa thực hiện chính sách hỗ trợ cho công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp xã theo Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dẫn đến cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa còn có tâm tư; tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn thấp (236.719/480.646 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 49,25%); tỷ lệ thanh toán trực tuyến toàn tỉnh (số giao dịch trực tuyến 139.230 hồ sơ, tổng số tiền thanh toán trực tuyến 6.110.741.040 đồng, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ đạt 44%), chủ yếu thực hiện trực tiếp ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các địa phương (theo báo cáo Sở Nội vụ).
TT | Nội dung | Tổng số toàn tỉnh | UBND cấp xã |
1 | Số cơ quan ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, sử dụng mạng nội bộ | 504 | 460 |
2 | Số cơ quan, đơn vị có Cổng (Trang) thông tin điện tử/số Cổng (Trang) thông tin điện tử hoạt động hiệu quả | 303 | 233 |
3 | Số đơn vị triển khai hệ thống phần mềm Chính phủ điện tử; Mức độ thực hiện việc trao đổi văn bản, tài liệu chính thức dưới dạng điện tử | 100% | 100% |
4 | Số lượng giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử. | 100% | 100% |
5 | Số cơ quan chuyên môn thực hiện; nội dung, lĩnh vực ứng dụng phần mềm quản lý chuyên ngành | 504 | 460 |
6 | Số cơ quan đơn vị có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại | 6 | 0 |
7 | Số dịch vụ hành chính công được công khai thông qua môi trường mạng điện tử | 1.769 | 113 |
8 | Số dịch vụ hành chính công được cung cấp bằng hình thức trực tuyến, trong đó: | ||
8.1 | Trực tuyến một phần | 751 | 88 |
8.2 | Trực tuyến toàn trình | 1.018 | 25 |
9 | Số cơ quan áp dụng, duy trì, cải tiến quản lý chất lượng theo hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001-2015. | 60 | 0 |
Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An
Việc xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không thể tách rời khỏi việc thực hiện các nội dung của cải cách hành chính nhà nước nói chung, trong đó phải đặc biệt gắn chặt với nội dung xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số mà chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2025 Chính phủ đã đề ra. Để xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, chính quyền số, chúng ta cần thiết phải chú trọng xây dựng đồng bộ tất cả các yếu tố liên quan đó là: Thể chế số (bao gồm hệ thống thủ tục hành chính); đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức số; hạ tầng số và những công dân số, nhất là đối với chính quyền cấp xã, thiếu một trong các yếu tố trên chúng ta không thể xây dựng và vận hành chính quyền số. Để đạt được mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần chú trọng tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Bộ phận Một cửa UBND huyện Nam Đàn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiện nay
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của cấp ủy, chính quyền cơ sở, trong mỗi cơ quan, đơn vị. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện cải cách hành chính. Chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của cải cách hành chính.
Hai là, chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, nhất là hệ thống thủ tục hành chính một cách đồng bộ, thống nhất, đơn giản, thuận tiện để phù hợp với việc tiếp cận, xử lý, giải quyết trong môi trường số sau khi bỏ chính quyền cấp huyện.
Ba là, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng tốt yêu cầu về xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Cần phải thực hiện tốt ngay từ khâu tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để lựa chọn được những người phù hợp với môi trường làm việc số. Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng ta cần chú trọng đến các kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm ưu tiên bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực tốt, phù hợp vào các vị trí đòi hỏi cao về công việc trong không gian số, nhất là bộ phận nhận và trả kết quả.
Bốn là, quan tâm đầu tư nguồn lực nhất là nguồn lực về tài chính để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất nói chung và hạ tầng số nói riêng phù hợp với yêu cầu của chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến, nhất là ở bộ phận một cửa. Hiện nay, các điều kiện về cơ sở vật chất nói chung và hạ tầng số nói riêng của cấp xã trên địa bàn tỉnh đang còn nhiều khó khăn, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện cải cách hành chính đối với chính quyền cấp xã nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện đánh giá, xếp loại, xếp hạng các địa phương, các cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các nội dung của cải cách hành chính một cách khách quan, chính xác. Nâng cao tinh thần và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện các chế độ chính sách hợp lý, khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, nội dung của cải cách hành chính, đồng thời xử lý nghiêm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, không bám sát nội dung về cải cách hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Quầy tiếp nhận hồ sơ của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An
Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân đối với việc xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiện nay đang còn thấp đó chính là nhận thức và ý thức về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân chưa cao, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nếu chúng ta có được một hệ thống thể chế số, có được đội ngũ cán bộ, công chức số và một hạ tầng số nhưng không có những công dân số thì chính quyền điện tử mà chúng ta xây dựng cũng trở nên vô nghĩa, bởi suy cho cùng thì cải cách hành chính nói chung và xây dựng chính quyền số nói riêng mục tiêu cuối cùng cũng là để phục vụ người dân được tốt hơn, nhưng nếu người dân không biết, không hiểu, không sử dụng hoặc không sử dụng được thì chính quyền điện tử đó cũng chẳng để làm gì. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cũng như ý thức của người dân đối với việc xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến là việc hết sức quan trọng và cần được quan tâm đúng mức, cần phải huy động và phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị vào cuộc đẻ thực hiện nhiệm vụ này, nhất là vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể.
Tổ chức tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Vận động người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến để thay thế cho hình thức truyền thống trước đây. Tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cần thiết bố trí người đến từng nhà và tại bộ phận nhận và trả kết quả của ủy ban để hướng dẫn cho người dân để tạo thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cải cách hành chính nói chung và xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An là cả một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức, để thực hiện được mục tiêu đó cần phải có sự quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mọi cấp, mọi ngành, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và của mọi người dân ở cơ sở. Từ thực tiễn thực hiện cải cách hành chính nói chung và xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã trên địa bàn tỉnh nói riêng thời gian qua có thể thấy rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự quyết tâm đồng lòng của đội ngũ cán bội, công chức và của nhân dân, những kết quả đạt được bước đầu là rất tích cực, đó chính là tiền đề để chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh có thêm động lực, niềm tin để thể bứt phá thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính cũng như xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới.
ThS. Hoàng Đình Ngọc
Dự thảo Báo cáo Kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 đối với huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An
Báo cáo Kết quả thẩm tra hồ sơ và mức độ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 đối với huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025