Chế biến sầu riêng cấp đông tại Công ty TNHH Minh Hàng, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. (Ảnh NHẤT SƠN)
Ổn định diện tích, quản lý chặt mã số vùng trồng và tuân thủ quy định xuất khẩu… là những yêu cầu cấp bách.
Bài 1: Khai thác “mỏ vàng” sầu riêng
9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2023. Đóng góp vào kết quả này có vai trò quan trọng của mặt hàng sầu riêng với kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD.
Theo người dân ở các vùng trọng điểm trồng sầu riêng của Đắk Lắk như huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ…, cuộc sống của họ thay đổi lớn trong vài năm gần đây là nhờ vào cây sầu riêng. Anh Y Siết Ayun ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc trên đường thu hoạch sầu riêng về cho biết: Gia đình anh có 2 ha đất, trước đây chỉ trồng cây cà-phê nhưng một thời gian dài giá cà-phê ở mức thấp, giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao nên làm chỉ đủ ăn. Cách đây khoảng 12 năm, được sự hướng dẫn của Công ty Cà-phê Phước An, anh trồng xen hơn 150 cây sầu riêng trong vườn cà-phê. Những năm gần đây, vườn sầu riêng cho thu hoạch mỗi năm hàng chục tấn, mỗi tấn bán được 70 đến 80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh xây được nhà cửa khang trang, mua xe ô-tô và nhiều vật dụng, phương tiện có giá trị khác.
Còn gia đình ông Trần Văn Sơn ở buôn Ea Ring, xã Ea Sin, huyện Krông Búk trồng 12 ha sầu riêng. Mỗi năm ông thu được từ 140 đến 150 tấn quả, giá bán bình quân mỗi tấn từ 70-80 triệu đồng tùy thời điểm. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong vụ sầu riêng năm 2023, giá trị thu về của mỗi héc-ta sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt từ 1-1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 700 triệu đồng/ha. Năm 2024, dự kiến sản lượng đạt hơn 300.000 tấn và Đắk Lắk đã vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước.
Tại Tiền Giang, sầu riêng cũng là một trong những loại cây trồng chủ lực và có giá trị kinh tế cao. Hiện, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 22.000 ha, trong đó, diện tích cho trái khoảng 15.000 ha, năng suất gần 26 tấn/ha, sản lượng hơn 386.000 tấn/năm và tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn thông tin: Theo quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 thì định hướng đến năm 2030, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 20.000 ha, sản lượng 300.000 tấn.
Đến thời điểm hiện tại, sầu riêng có 155 mã số vùng trồng, với diện tích khoảng 7.000 ha. Tại Bình Phước, tính đến tháng 6/2024, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt 7.506 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 3.539 ha. Hiện toàn tỉnh có 65 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 2.412,21 ha được Trung Quốc phê duyệt. Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị cấp mới 11 mã số vùng trồng với diện tích 1.000 ha và đang chờ đánh giá kiểm tra của nước nhập khẩu. Nếu được cấp mới thì 100% diện tích sầu riêng đang thu hoạch của Bình Phước có mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã kiểm tra 22 vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói sầu riêng. Dự kiến hết năm 2024 có thể kiểm tra, giám sát 100% số cơ sở được cấp mã, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Tại Đắk Lắk, đến thời điểm tháng 8/2024, diện tích sầu riêng toàn tỉnh có khoảng 33.000 ha, chiếm 51% tổng diện tích cây ăn quả. Trong đó diện tích trồng thuần khoảng 10.000 ha và trồng xen khoảng 23.000 ha. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương, toàn tỉnh hiện có 68 mã số vùng trồng và 23 mã cơ sở đóng gói sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với diện tích khoảng 2.500 ha, chiếm khoảng 16% diện tích cho sản phẩm (tính trên diện tích trồng thuần đạt khoảng 25%). Hiện trên địa bàn tỉnh có 206 mã số vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói đã hoàn thiện hồ sơ đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với diện tích khoảng 5.000 ha.
Như vậy, nếu 206 mã số vùng trồng này được phê duyệt thì diện tích có mã số vùng trồng của tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 47% diện tích sản phẩm cho thu hoạch và nếu tính trên diện tích trồng thuần cho sản phẩm thu hoạch thì đạt khoảng 75%. Sản lượng sầu riêng dự kiến niên vụ năm 2024 tại các vùng trồng được cấp mã khoảng 70.000-75.000 tấn. Nếu tính cả các mã số vùng trồng đang chờ phê duyệt thì sản lượng tại các vùng có mã số ước đạt khoảng 210.000 tấn.
Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quang Hiếu cho biết: Để bảo đảm các điều kiện phục vụ xuất khẩu, công tác cấp mới và quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói sầu riêng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Từ tháng 3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp cho các địa phương quản lý mã số vùng trồng, trong đó có sầu riêng.
(Còn nữa)