08:33:33 22/10/2024

Chung sức xây dựng nông thôn mới_top

Du lịch bứt phá – nông thôn phát triển

Nghệ An, mặc dù có cơ cấu sản phẩm du lịch tương đối đa dạng, song đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều tỉnh có cùng tiềm năng, lợi thế. Những khó khăn, hạn chế chủ yếu của lĩnh vực du lịch được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ rõ trong Kết luận số 218-KL/TU, ngày 02/12/2022, “về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017, của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, với: “Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu; hợp tác, liên kết trong tỉnh, trong nước và với các nước chưa đạt được hiệu quả mong muốn; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa có chiều sâu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm một số địa điểm du lịch chưa bảo đảm. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, các dịch vụ cao cấp thu hút khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn”.

Ngành du lịch tỉnh Nghệ An cần nhận diện thách thức chủ quan từ nội tại ngành, điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh và thách thức khách quan do dịch bệnh, thiên tai, áp lực cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong nước, nhất là khi du lịch nội địa là nguồn thu chủ yếu, để từ đó đề ra những giải pháp khắc phục hiệu quả. Các giải pháp cần có tính khoa học, chiến lược, bền vững, làm cơ sở cho việc xây dựng Nghệ An trở thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, cần thay đổi sâu sắc từ nhận thức, tư duy đến hành động của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân, cùng “đồng lòng” chung sức vì sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững của du lịch Nghệ An.

Dù còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, song sự phát triển của du lịch Nghệ An trong những năm qua đã tạo nền tảng bước đầu cho một ngành công nghiệp du lịch trong tương lai. Theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đón và phục vụ hơn 6,7 triệu lượt khách du lịch (tăng 356% so với năm 2021). Trong đó, khách lưu trú đạt hơn 4,4 triệu lượt (tăng 342%); khách quốc tế đạt 28.600 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 12.343 tỷ đồng, trong đó, doanh thu du lịch đạt hơn 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng 502%). Năm 2023, Nghệ An đón và phục vụ hơn 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó, hơn 5,2 triệu lượt khách lưu trú, 82.000 lượt khách quốc tế và trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,48 triệu người, tăng gần 12% so cùng kỳ, đạt 64% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt 16.195 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch 6.257 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch năm 2024.

Về định hướng phát triển du lịch trong những năm tiếp theo, tỉnh Nghệ An xác định: “Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch “4 mùa”. Hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng và chủ lực của địa phương và phát triển các dịch vụ chất lượng cao. Tập trung phát triển và khai thác thế mạnh du lịch tại các địa bàn trọng điểm, gồm: Thị xã Cửa Lò và vùng ven biển, huyện Nam Đàn và vùng phụ cận, thành phố Vinh, miền Tây Nghệ An. Tiếp tục triển khai hiệu quả các tuyến phố đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực và các mô hình kinh doanh mới tại các đô thị Vinh, Cửa Lò…”. Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2025: Thu hút từ 6 – 6,3 triệu lượt khách du lịch có lưu trú, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 11.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác; Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước”.

Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, địa hình đa dạng, hội tụ cả 03 vùng sinh thái: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển; được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh, sản vật đặc sắc. Nghệ An còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử cách mạng, nền văn hóa truyền thống đậm bản sắc, phong phú, đa dạng với 47 dân tộc cùng sinh sống; có hệ thống di sản văn hóa vật thể và kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, hàng trăm lễ hội trong năm. Làn điệu Dân ca Ví Giặm vốn được ngân lên bên khung cửi, lúc thả lưới quăng chài, nơi gốc đa, giếng nước, sân đình…đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân cư của tỉnh chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn (chiếm tỷ lệ trên 80%). Do đó, cùng với điều kiện tự nhiên, đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân, nhất là tại các làng nghề với những nét khác biệt, độc đáo vùng miền tạo nên sức hấp dẫn thu hút sự khám phá, trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, vùng miền núi phía Tây dù là địa bàn còn nhiều khó khăn song lại là nơi có những lợi thế về phát triển du lịch.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch ở các địa phương, nhất là vùng miền núi phía Tây, từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện một số dự án hỗ trợ phát triển du lịch cho đồng bào, hỗ trợ một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tham mưu Đề án, chính sách bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian; hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng…Và hiện nay, cùng với cả nước, Nghệ An đang triển khai 02 Chương trình MTQG (Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); trong đó có Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Riêng huyện Nam Đàn đã và đang thực hiện Đề án “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 – 2025” theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo cáo của Sở Du lịch, vùng miền Tây của tỉnh đến nay ngoài các cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, đã có 23 bản làng với 54 hộ phục vụ dịch vụ homestay; một số bản được công nhận sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng như bản Nưa (xã Yên Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) huyện Con Cuông, bản Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu. Trên địa bàn huyện Nam Đàn đã có 05 mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, ở nhiều địa phương cũng đã xuất hiện những mô hình du lịch nông thôn hấp dẫn du khách, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, du lịch nông thôn ở Nghệ An chủ yếu đang là tiềm năng, chưa được khai thác, phát huy một cách bài bản. Hoạt động này thời gian qua mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, phối hợp, thiếu tính chuyên nghiệp, bền vững, chưa có thương hiệu. Ngoài những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư và là hướng đi mới cần có sự nghiên cứu, đánh giá thì du lịch nông thôn của tỉnh chưa được quan tâm nhiều, chưa được quy hoạch tổng thể cũng như cụ thể cho từng loại hình để phát huy ưu thế vùng miền, địa phương; một số loại hình chưa có cơ chế, chính sách đặc thù; sự phối hợp liên ngành như du lịch với nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, lao động, kế hoạch và đầu tư chưa rõ nét, chặt chẽ.

Ngày 03/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể: (i) Phát triển chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; (ii) Đến năm 2025 có 07 – 10 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; (iii) 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; (iv) Ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; (v) Phấn đấu có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; (vi) 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; (vii) Phấn đấu có 70% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Đặt trong tổng thể chung, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đặt ra nhiệm vụ: du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Du lịch nông thôn được xác định rõ trong 2/4 hành lang kinh tế cần tập trung đầu tư để hình thành và phát triển: (i) Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; (ii) Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng.

Giải pháp phát triển du lịch nông thôn đã được nêu đầy đủ trong Kế hoạch số 133/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy vậy, trước mắt cần tập trung đánh giá, phân tích kỹ lưỡng hiện trạng, tiềm năng, thế mạnh, từ đó quy hoạch, định hướng phát triển đối với từng loại hình cụ thể. Rà soát các cơ chế, chính sách đã và đang thực hiện để có sự điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quan tâm lồng ghép, bố trí, huy động nguồn lực vật chất, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nhất là khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm cũng như nâng cao năng lực làm du lịch cho cộng đồng dân cư ở nông thôn – chủ thể chính, người cung cấp trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, Nghệ An – vùng đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình, giàu truyền thống lao động, cách mạng, giàu bản sắc văn hóa sẽ có những làng quê được vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.

ThS. Hoàng Đình Ngọc

Vương Đinh Huệ
Văn bản ban hành

LĂNG THÀNH- YÊN THÀNH ĐÓN BẰNG CÔNG NHẬN XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO.

1541/QĐ-UBND

Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025

318/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

1563/QĐ-UBND

Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025

320/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

319/QĐ-TTg

Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025

263/QĐ-TTg

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

18/2022/QĐ-TTg

Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

24/2020/NQ-HĐND

Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025

211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025

Số 05/2014/TT-BVHTTDL

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Số 05/2014/TT-BVHTTDL

Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn


ĐỌC NHIỀU NHẤT
Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Xem bình chọn

Loading ... Loading ...
Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây