08:08:00 23/11/2024

Chung sức xây dựng nông thôn mới_top

Đẩy mạnh mô hình dân vận khéo để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An

Mô hình “Dân vận khéo” là một trong những cách làm mang lại hiệu quả cao của công tác dân vận. Đặc biệt trong công tác vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc thực hiện mô hình dân vận khéo thông qua xác định các địa chỉ và nội dung phần việc cụ thể tại một địa bàn là cách làm đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vì vậy, vận động, phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh trong nhân dân thông qua thực hiện Mô hình “Dân vận khéo” là một trong những giải pháp tích cực đã được thực hiện và cần được đẩy mạnh nhân rộng hiện nay.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bài báo Dân Vận đăng trên Báo Sự Thật vào ngày 15/19/1949. Với nội dung ngắn gọn, súc tích bài báo đã làm rõ những vấn đề cơ bản và cần thiết của công tác dân vận, từ đó trở thành cẩm nang cho mỗi một cán bộ, đảng viên trong công tác vận động nhân dân. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận, các cấp ủy Đảng ở Nghệ An đã rất tích cực trong thực hiện công tác dân vận, chỉ đạo và đôn đốc sát sao việc tăng cường công tác vận động nhân dân đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 06 -ĐA/TU về xây dựng mô hình điển hình, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; năm 2016 Ban thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Đề án 02-ĐA/TU về “Tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”; năm 2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Kết luận số 105-KL/TU, ngày 18/8/2021 về tiếp tục thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU về “Tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo”; ngày 01/10/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tỉnh Nghệ An ban hành Đề án 04-ĐA/TU về “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”; ngày 08/12/2021 ban hành Quy chế số 07-QC/TU, Về công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An và một số các văn bản khác có liên quan.

Đồng thời, các cấp ủy Đảng, Ban Dân vận các cấp đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động, phân công, giao trách nhiệm tới các đơn vị, các ngành, các địa phương nhằm tích cực thi đua thực hiện “Dân vận khéo”. Bằng việc khuyến khích xây dựng và thực hiện các “Mô hình dân vận khéo”, “Điển hình dân vận khéo” từ đó mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận và nhân rộng, lan tỏa hiệu quả của công tác dân vận trong suốt thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình “Dân vận khéo” là sự đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động của công tác dân vận bằng hoạt động cụ thể, có địa chỉ, mang lại hiệu quả thiết thực ở từng địa phương, đơn vị thuộc tỉnh Nghệ An. Thông qua phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế – xã hội; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm 2023, toàn tỉnh đã đăng ký, xây dựng được 145 điểm sáng, mô hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC) và 135 điểm sáng dân vận chính quyền (DVCQ). Ban chỉ đạo công tác Dân vận chính quyền các cấp đã được kiện toàn kịp thời; các thành viên Ban chỉ đạo các cấp đã bám sát cơ sở, đôn đốc chỉ đạo các đơn vị địa phương triển khai các nhiệm vụ chương trình công tác năm 2023 đã đề ra; 21/21 huyện, thành, thị, các sở, ngành đã xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền năm 2023. UBND đã cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực thành các chương trình, đề án, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Các sở, ngành, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua dân vận khéo gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; việc xây dựng phong cách, lề lối, thái độ phục vụ nhân dân, nhất là gắn với việc thực hiện công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính; xây dựng văn hóa công sở và quy tắc ứng xử tạo sự đồng thuận của nhân dân và các tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết công việc hành chính góp phần xây dựng đội ngũ CBCC Nhà nước gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân.

Đẩy mạnh mô hình dân vận khéo để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An Thu hoạch sắn của bà con dân tộc ở huyện miền núi Tương Dương

Chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, chủ động và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chính sách phát triển nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 7,14%,; thu ngân sách 17.771 tỷ đồng, bằng 112% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 79% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng đảm bảo đầy đủ, đúng người, đúng đối tượng được hưởng; công tác xã hội hóa trong ủng hộ người nghèo được phát động sâu rộng tiếp tục mang lại những kết quả thiết thực. Năm 2023, giải quyết việc làm cho 13.875 lao động; đào tạo nghề cho 6.086 lượt người. Hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả, trong đó nét nổi bật là thu hút vốn FDI đứng thứ 6 cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lao động, việc làm,…đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần duy trì ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh tiếp tục được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, được nhân dân đồng tình ủng hộ, trở thành phong trào sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay toàn tỉnh đã có 309/411 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,3% tổng số xã;có 09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (Thị xã Thái Hoà, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương và huyện Diễn Châu) và 365 thôn (bản) được công nhận đạt chuẩn NTM theo tiêu chí của tỉnh.

Đặc biệt từ việc thực hiện các mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, tại các đơn vị vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Cong Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tân Kỳ… cho thấy, đã phát huy hiệu quả tích cực trong vận động nhân dân, huy động nguồn lực trong đồng bào, khắc phục những khó khăn thách thức, góp phần quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới ở những vùng đặc biệt khó khăn này. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới luôn được chú trọng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được đẩy mạnh tại vùng dân tộc, vùng miền núi khó khăn nhằm vận động đồng bào tích cực xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nông thôn ở miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào đã và đang còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở cũng như những khó khăn ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Hiện nay (tính đến ngày 30/11/2023), toàn tỉnh Nghệ An có 309 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 17,47% xã nông thôn mới); có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 1,94% xã nông thôn mới; Có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; (Thị xã Thái Hoà, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương và huyện Diễn Châu). Mặc dù tỷ lệ và chất lượng về đích nông thôn mới ở các địa phương ngày càng cao nhưng ở các huyện miền núi, nơi đa số các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì số lượng và tốc độ về đích nông thôn mới còn thấp và gặp nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh mô hình dân vận khéo để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An

Bà con nhân dân dân tộc huyện miền núi Tương Dương thực hiện chính sách làm đường giao thông nông thôn của HĐND tỉnh

Huyện miền núi Tương Dương là nơi có địa hình rất hiểm trở, có nhiều núi cao. Trên địa bàn huyện có 16 xã, 1 thị trấn, có 6 dân tộc cùng sinh sống: Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng. Đến nay, toàn huyện có 4 xã về đích nông thôn mới (Tai Thái, Tam Quang, Xá Lượng, Tam Đình). Huyện miền núi Quế Phong với hơn 70% diện tích là đồi núi, có 12 xã và 01 thị trấn bao gồm các dân tộc cùng chung sống như: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Thổ, Tày, Chứt trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90% dân số toàn huyện. Đến nay chưa có xã về đích nông thôn mới theo quy định, số tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã; xã đạt nhiều nhất 16 tiêu chí, xã đạt thấp nhất là 09 tiêu chí. Huyện miền núi KỲ Sơn là địa phương khó khăn, xa xôi nhất nhưng có vị trí chiến lược quan trọng ở tỉnh Nghệ An. Trên địa bàn huyện có 5 đồng bào dân tộc cùng sinh sống: Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh và Hoa.

Đến nay, toàn tỉnh không còn huyện trắng xã nông thôn mới (Kỳ Sơn có 01 xã, Quế Phong 01 xã, Quỳ Châu 02 xã, Tương Dương có 04 xã). Huyện miền núi Quỳ Hợp có 20 xã và 01 thị trấn, có các dân tộc Kinh, Thái, Thổ cùng sinh sống, đến nay có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây là sự nỗ lực rất lớn của các địa phương, trong đó xã Minh Hợp đang xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huyện miền núi Quỳ Châu có 11 xã, 01 thị trấn, trên địa bàn huyện có hơn 80% đồng bào người Thái sinh sống, đến nay, toàn huyện có 2 xã về đích nông thôn mới là Châu Tiến và Châu Bình. Huyện Con Cuông, một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn, với đông đảo đồng bào người Thái, người Đan Lai cùng người Nùng, Tày, Hoa, Mông. Hiện nay đã có 03 xã về đích nông thôn mới. Huyện Tân Kỳ cũng là một địa phương vùng miền núi có ba dân tộc Kinh, Thái và Thổ cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,7%. Đến nay toàn huyện đã có 16 xã về đích nông thôn mới. Huyện Anh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đồng bào dân tộc Thái sống tập trung ở 8 xã, 23 thôn, bản với hơn 2.000 hộ, 8.400 nhân khẩu chiếm gần 8% dân số toàn huyện. Hiện nay, toàn huyện có 14 xã về đích nông thôn mới.

Mặc dù, số lượng xã về đích nông thôn mới tại các huyện miền núi, đặc biệt là ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp nhưng đó cũng là thành quả to lớn từ sự nỗ lực, bứt phá của hệ thống chính trị tại địa phương và nhân dân. Để có được những kết quả đó, công tác vận động đã được triển khai sâu rộng đến khắp mọi người dân bằng nhiều hình thức nhằm phát huy và tập hợp nguồn lực trong nhân dân. Từ việc tuyên truyền, phân tích, lý giải về chủ trương, nhiệm vụ cần làm cho đồng bào biết, hiểu, đến vận động tinh thần trách nhiệm của người dân và vận động nhân dân thực hiện thông qua đóng góp ngày công, hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền của… Cùng với sự huy động nguồn lực tại chỗ, Ban Dân vận từ tỉnh đến huyện và khối dân vận ở xã đã tăng cường kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh cùng với các bản, các xã khó khăn xây dựng các công trình, các hạng mục đảm bảo cho quá trình về đích nông thôn mới.

Như tại Bản Phù Khả 1 xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn (xã biên giới) có 84 hộ/520 khẩu đồng bào Mông sinh sống, trong đó có 56 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo xây dựng mô hình “An dân” và mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” với các nội dung chính gồm: vận động Nhân dân tích cực sản xuất; gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp, phòng, chống nạn tảo hôn, truyền đạo trái pháp luật; giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Thông qua quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân kí cam kết phòng, chống tảo hôn và sinh con sớm; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất; huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo,… Từ đó, đồng bào yên tâm lao động sản xuất, giữ gìn sự đoàn kết trong họ tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông.

Tại xã Đồng Văn huyện Quế Phong, Bản Khủn Na có 107 hộ/459 khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái, trong đó có 51 hộ nghèo (chiếm 47,6%), 27 hộ cận nghèo (chiếm 25,2%), đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các tiêu chí nông thôn mới đạt thấp (8/15 tiêu chí bản đạt chuẩn nông thôn mới), nhất là tiêu chí về đường giao thông. Hướng tới mục tiêu xây dựng xã Đồng Văn về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023, Ban chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” đã triển khai mô hình xây dựng hệ thống đèn đường gắn với đường cờ tại bản Khủn Na. Hệ thống dân vận toàn huyện đã vào cuộc tích cực, phối hợp với cấp ủy, chính quyền của xã, chi bộ, ban quản lý, ban công tác mặt trận của bản và đơn vị thi công triển khai xây dựng 72 cột đèn đường sử dụng năng lượng mặt trời có gắn cờ (Đảng – Tổ quốc) tại các đoạn đường thuộc khu dân cư của bản có đông các hộ dân sinh sống với tổng chiều dài gần 3km, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng được đóng góp từ nguồn hỗ trợ của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Huyện đoàn Quế Phong. Các hộ gia đình đặc biệt khó khăn được hỗ trợ giống lợn đen bản địa để chăn nuôi nâng cao thu nhập từ nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình “dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc thiểu số của cơ quan Đảng – Đoàn thể cấp huyện.

Nằm ở địa hình đồi núi khô cằn, không có các sông hồ nên đến mùa nắng nóng, bà con trong xóm Đồng Kho Đồng Thờ (xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ) lại thiếu nước sinh hoạt. Toàn xóm có 357 hộ chủ yếu đồng bào Thái, thu nhập bình quân đầu người thấp (24 triệu đồng/người/năm), đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều năm người dân loay hoay tìm nước, khoan giếng thì nước không dùng được, dẫn nước từ nguồn về thì người dân không đủ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trước thực trạng đó, xã đã đề xuất Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Tân Kỳ xây dựng công trình “Hệ thống nước tự chảy phục vụ sinh hoạt” tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ. Cùng với sự hỗ trợ kinh phí của một số tổ chức và các hộ dân trong xóm đã hiến 700m2 gồm đất vườn, đất rừng để xây bể và đặt đường ống dẫn, 500 ngày công vận chuyển vật liệu, đóng góp tiền mặt và nguyên vật liệu, máy móc,… Đến nay, nhân dân đã có nguồn nước đảm bảo để sử dụng.

Thực tế đã chứng minh, để xây dựng mô hình “Dân vận khéo” thành công và đạt hiệu quả cao đòi hỏi công tác dân vận phải sâu sát nắm bắt thông tin về tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của người dân, thực tiễn tại địa phương từ đó tham mưu chính xác địa chỉ, nội dung thực hiện mô hình. Công tác dân vận phải luôn đồng hành để tuyên truyền cho Nhân dân biết, hiểu về các chủ trương, kế hoạch đề ra, định hướng các nhiệm vụ cần thực hiện để người dân thấy được vai trò, trách nhiệm của bản thân là chủ thể thực hiện và cũng là chủ thể thụ hưởng thành quả của mô hình. Trong quá trình thực hiện, phải xây dựng kế hoạch, lập các tổ tuyên truyền vận động nhằm thường xuyên gắn kết và khích lệ đảng viên, đoàn viên, hội viên cùng nhân dân tham gia thực hiện các phần việc một cách nhiệt tình, trách nhiệm. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải tích cực gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, mọi phong trào, phải thực sự trở thành điển hình “dân vận khéo” để nhân dân tin tưởng, yêu mến mà làm theo. Bên cạnh đó, phải linh hoạt trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân để kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành cùng đồng bào tại địa chỉ thực hiện mô hình. Trong suốt quá trình thực hiện mô hình và sau đó phải luôn chú ý phương thức thực hiện và chất lượng của mô hình để đảm bảo hiệu quả, tránh sai lầm và kịp thời cùng đồng bào bàn bạc, tìm hướng giải quyết nếu gặp khó khăn trở ngại. Trong quá trình đó, phải tạo điều kiện và khuyến khích nhân dân tham gia giám sát, gìn giữ, bảo vệ thành quả của mô hình, từ đó nhân rộng các mô hình dân vận khéo ra nhiều địa chỉ khác.

Mô hình “Dân vận khéo” là một trong những cách làm mang lại hiệu quả cao của công tác dân vận. Nhưng để có được thành quả đó, việc tìm hiều địa chỉ cụ thể, những phần việc rõ ràng, phù hợp với đặc điểm vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự cần mẫn, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ dân vận nói riêng, cả hệ thống chính trị nói chung. Vận động, phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh trong nhân dân là trách nhiệm đầu tiên của công tác dân vận như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Bài báo Dân Vận “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” vì vậy, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” phải hướng đến những nhiệm vụ thiết thực để huy động nhân dân. Mặt khác, huy động sức dân đồng thời phải gắn với bồi dưỡng sức dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được phát triển, muốn vậy, công tác dân vận phải nắm bắt nguyện vọng, mong muốn của nhân dân để từ đó kịp thời phản ánh tới cấp ủy, chính quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhân dân, xây dựng chủ trương, chính sách, phương án khả thi phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài có khởi đầu mà không có kết thúc, trong đó xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ rất khó khăn bởi những yếu tố đặc thù của nơi đây về mọi mặt. Tuy nhiên, nếu công tác dân vận được làm tốt, từng bước khắc phục những khó khăn thì vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ dần có những thành tựu trong xây dựng nông thôn ngày càng phát triển.

Xây dựng nông thôn mới là quá trình cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó việc huy động tiềm năng, thế mạnh trong nhân dân là yếu tố then chốt. Vì vậy, để vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể tăng tốc về đích nông thôn mới thì tăng cường công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trong đó, thi đua thực hiện “Dân vận khéo” thông qua các mô hình “Dân vận khéo” nhằm đồng hành tích cực với nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi là một trong những giải pháp vô cùng cần thiết cần được tăng cường thực hiện và nhân rộng điển hình trong giai đoạn hiện nay.

ThS. Hoàng Đình Ngọc

Vương Đinh Huệ
Văn bản ban hành

LĂNG THÀNH- YÊN THÀNH ĐÓN BẰNG CÔNG NHẬN XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO.

1541/QĐ-UBND

Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025

318/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

1563/QĐ-UBND

Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025

320/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

319/QĐ-TTg

Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025

263/QĐ-TTg

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

18/2022/QĐ-TTg

Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

24/2020/NQ-HĐND

Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025

211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025

Số 05/2014/TT-BVHTTDL

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Số 05/2014/TT-BVHTTDL

Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn


Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Xem bình chọn

Loading ... Loading ...
Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây