Với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng Việt, đảm bảo an toàn thực phẩm và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 – đây không chỉ là thời điểm sum họp gia đình mà còn là mùa cao điểm của tiêu dùng hàng hóa. Đồng thời, cũng là cơ hội lớn để hàng Việt khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng. Sự kiện đã quy tụ nhiều đại diện từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia để cùng đánh giá thành tựu, thách thức và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hàng Việt trong dịp Tết sắp tới.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, nhấn mạnh: “Hàng Việt không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn mang ý nghĩa văn hóa, là niềm tự hào của người Việt trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Việc nâng cao chất lượng, uy tín hàng Việt là nhiệm vụ không chỉ của doanh nghiệp mà còn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, khẳng định, sau 15 năm triển khai, Cuộc vận động đã tạo ra bước chuyển biến lớn trong nhận thức và hành vi tiêu dùng. “Người Việt giờ đây đã ý thức hơn về việc ưu tiên sử dụng hàng nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước, ổn định thị trường và nâng cao đời sống nhân dân”.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngừng đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, việc giữ vững lòng tin của khách hàng là một thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa lớn ngay từ cuối năm 2024. Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, chia sẻ: “Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng từ 20-30%. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn để dự trữ hơn 298.000 tấn gạo, gần 60.000 tấn thịt lợn hơi, hơn 396 triệu quả trứng gia cầm và hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác”.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng triển khai chương trình bình ổn giá và phân phối hàng hóa tại hơn 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, hàng Việt được đưa đến tận các vùng sâu, vùng xa thông qua các phiên chợ hàng Việt, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội mua sắm sản phẩm chất lượng.
Một trong những vấn đề trọng tâm của tọa đàm là việc kiểm soát, giám sát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa trong dịp Tết. Trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp với các vi phạm về hàng giả, hàng nhái và an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt.
Ông Nguyễn Thế Hiệp khẳng định: “Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Thị trường Hà Nội và các lực lượng liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả. Đồng thời, chúng tôi tổ chức giám sát chất lượng sản phẩm tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại lớn”.
Về phía doanh nghiệp, có mặt tại tọa đàm, bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), chia sẻ: “Chúng tôi luôn đảm bảo rằng mọi sản phẩm được bày bán trong hệ thống đều có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Các nông sản, thực phẩm tươi sống phải được chuyển đến siêu thị trong vòng 8-36 giờ từ thời điểm thu hoạch hoặc chế biến, đảm bảo độ tươi ngon”.
Ngoài ra, Hapro còn thành lập tổ kiểm tra nội bộ để giám sát chất lượng hàng hóa trước khi đưa lên kệ, tránh tình trạng hàng cận date hoặc không đạt tiêu chuẩn.
Thương mại điện tử tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, nhận đơn hàng từ mọi nơi và giao hàng trên toàn quốc. Doanh số bán hàng online của chúng tôi đã tăng 50% so với năm ngoái, chứng tỏ xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch mạnh mẽ”.
Hapro cũng không đứng ngoài xu hướng này khi liên kết với các ngân hàng và nền tảng thương mại điện tử để triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tiêu dùng trong dịp Tết.
Tết Nguyên đán không chỉ là dịp mua sắm mà còn là cơ hội để hàng Việt khẳng định giá trị. Ông Phạm Anh Tuấn kỳ vọng: “Hàng Việt cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã và đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó không chỉ là cách giữ vững thị trường trong nước mà còn đưa hàng Việt vươn xa trên trường quốc tế”.
Các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu bền vững và phát triển theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Đây là con đường tất yếu để hàng Việt giữ vững niềm tin của người tiêu dùng trong dài hạn.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 không chỉ là dịp đoàn viên mà còn là cơ hội để hàng Việt tỏa sáng, trở thành sự lựa chọn hàng đầu của mọi gia đình. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đổi mới không ngừng và kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, hàng Việt không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn mang theo niềm tự hào dân tộc trên con đường hội nhập.
“Niềm tự hào hàng Việt sẽ không chỉ là khẩu hiệu mà là giá trị thực tiễn trong đời sống. Mỗi sản phẩm hàng Việt là một đại sứ cho văn hóa và sức mạnh kinh tế của đất nước,” ông Phạm Anh Tuấn khẳng định. Trong không khí Tết rộn ràng, hàng Việt chính là lựa chọn không thể thiếu để mang đến một mùa xuân đong đầy yêu thương và ý nghĩa.
Hồng Liên
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn