Họ cầm tay chỉ việc cho các thành viên, với mong muốn người nông dân thay đổi tư duy canh tác, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, giá trị cao và bền vững.
Đó là HTX Nông sản hữu cơ Bechamp, ở thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông.
Giám đốc HTX Bechamp, ông Hà Công Xã, vốn là một trí thức, sau 20 năm công tác tại một số cơ quan nhà nước, tháng 2/2024 vừa qua, ông xin nghỉ không lương, về giữ chức giám đốc HTX đến nay, và cũng không hưởng lương.
HTX Bechamp thành lập năm 2021, với 8 thành viên, vốn ban đầu chỉ có 24 triệu đồng và vài ha cà phê, tiêu. “Bechamp là tâm huyết ấp ủ từ lâu của tôi và một số người bạn, trong đó có cả những chuyên gia trong ngành nông nghiệp. Chúng tôi thành lập HTX với mục đích là muốn thay đổi tư duy, cách làm nông nghiệp truyền thống của bà con nông dân, tiến tới liên kết sản xuất hữu cơ an toàn, trở thành một tập thể chuyên sản xuất ra những sản phẩm an toàn, mang lại lợi ích trước tiên là cho người nông dân, là những người trực tiếp sản xuất, sau đó là đến người tiêu dùng. Đây là cách tôi đã làm từ lâu với vườn cà phê, tiêu canh tác theo quy trình hữu cơ của gia đình”, ông Xã tâm sự.
Mặc dù vậy, ông Xã cho biết, việc vận động người nông dân tham gia HTX, thay đổi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân là câu chuyện dễ nói mà khó làm. “Ngoài tuyền truyền, giải thích, phân tích, chúng tôi còn phải trực tiếp làm, chứng minh cho người nông dân thấy lợi ích của việc này. Khi tận mắt thấy, họ mới tin và theo”.
Sau 3 năm thành lập, từ 8 thành viên, nay HTX đã có 41 thành viên, gồm 32 hộ trồng cà phê, tiêu, và 9 thành viên là những nhà khoa học, nhà quản lý, giám đốc các doanh nghiệp đồng hành góp sức, góp trí tuệ, góp tiền vốn để xây dựng một thương hiệu nông sản hữu cơ đúng nghĩa. Diện tích sản xuất của HTX là 120ha cây trồng các loại, trong đó 60ha cà phê. Tất cả đều được sản xuất theo quy trình nguyên lý vận hành vườn hữu cơ sinh thái do Hội đồng khoa học kỹ thuật Bechamp nghiên cứu, xây dựng. Thông qua việc liên kết với đối tác, đã có 4 vườn cà phê, hồ tiêu đạt chứng nhận USDA – NOP (tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) và organic EU (tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu).
Ông Lê Đình Hùng, thành viên tham gia HTX từ khi mới thành lập, là một trong những người rất quan tâm đến vấn đề sản xuất sạch, chia sẻ: “Tôi có vườn tiêu hơn 1ha, canh tác quy trình hữu cơ và đã đạt chứng nhận trước khi tham gia HTX. Hiện vườn cà phê của tôi cũng canh tác theo quy trình hữu cơ, tổ chức thẩm định đã xuống vườn kiểm tra, hiện tôi đang đợi chứng nhận.
Từ lâu, tôi đã nhận ra, sản xuất nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu, là con đường bắt buộc phải theo nếu muốn phát triển bền vững. Vì thế, khi HTX Bechamp thành lập, tôi là một trong số 8 thành viên đầu tiên. Làm nông nghiệp hữu cơ ban đầu sẽ gặp nhiều trở ngại, từ việc chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Chi phí ban đầu cũng có thể tăng lên, trong khi sản lượng giảm, ảnh hưởng đến thu nhập. Đó là những rào cản mà không phải người nông dân nào cũng dễ dàng vượt qua.
Chính vì thế, việc đầu tiên chung tôi làm là phải cho họ thấy, nếu kiên trì theo, thì những khó khăn ban đầu sẽ dần được thay thế bằng những lợi ích. Đó là sức khỏe bản thân người làm, là môi trường sạch, đất khỏe, là sản phẩm sạch, là chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận tăng…”.
Theo ông Hùng, HTX có 6 nguyên tắc vận hành vườn hữu cơ, đó là: Sử dụng vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật; Không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học; Người nông dân được hướng dẫn chi tiết cách nhân nuôi các dòng vi sinh vật có lợi để phục vụ sản xuất, sử dụng vi sinh vật để sản xuất ra thuốc trừ nấm, trừ sâu; Khuyến khích người nông dân trồng cây đa tầng nhằm mục đích cân bằng hệ sinh thái, hạn chế phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất; Kiểm soát chặt chẽ quá trình từ thu hoạch đến chế biến, bảo quản cà phê; Giảm chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều.
Ông Hà Công Xã cho biết, hiện thành viên của HTX rất tâm huyết với mục tiêu sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, sản xuất nông sản hữu cơ đòi hỏi phải đầu tư về trang thiết bị, máy móc nên khá tốn kém. Vì thế, một số hộ khó khăn đã bỏ giữa chừng. Để hỗ trợ nông dân, HTX đã lập một quỹ vốn với tổng số tiền 150 triệu đồng, nhằm tiếp sức, hỗ trợ vốn cho thành viên mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm cà phê, theo đuổi đến cùng quy trình sản xuất cà phê hữu cơ.
“Tôi có hơn 1ha cà phê, cũng muốn canh tác hữu cơ nên tham gia HTX, nhưng khó khăn quá nên được HTX cho vay 15 triệu đồng không lãi suất trong 4 năm. Tôi dùng tiền này xây bể, mua máy móc, thiết bị ngâm ủ phân hữu cơ, làm thuốc trừ sâu sinh học. Ngoài ra, tôi còn được HTX hướng dẫn kỹ thuật, canh tác, chăm sóc cà phê theo chuẩn hữu cơ. Sau gần 3 năm canh tác theo quy trình hữu cơ, tôi thấy vườn cây khỏe hơn. Năm vừa rồi, thu gần 4 tấn cà phê nhân. Giá cà phê được HTX thu mua cao hơn thị trường”, ông Thái Hữu Nhạc, một trong 5 hộ được hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ của HTX, chia sẻ.
Với mong muốn thật nhiều nông dân hiểu và hứng thú với canh tác hữu cơ, từ khi thành lập đến nay, Bechamp đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, HTX còn tổ chức 5 lớp dạy kỹ thuật vận hành vườn hữu cơ sinh thái cho 300 hộ nông dân trong và ngoài huyện, lớp chuyên sâu về rang, xay, thử, nếm cà phê, thu hoạch đúng kĩ thuật, chế biến, bảo quản cà phê…
“Khái niệm nông nghiệp hữu cơ bây giờ có lẽ không còn xa lạ với nhiều người nông dân, nhưng để làm được, làm đúng, thì còn nhiều khó khăn. Mấy năm qua, Bechamp đã rất nỗ lực để lan tỏa phong trào canh tác hữu cơ đến người nông dân. Đây là hướng đi đúng để phát triển bền vững”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông chia sẻ.