Với lợi thế nguồn thức ăn thô xanh dồi dào, cùng việc áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cải thiện tầm vóc đàn bò, những năm qua, đàn bò trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không ngừng tăng về số lượng, chất lượng, cung ứng sản lượng thịt đáng kể cho thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Đoan Bình, xã Gia Phú (Gia Viễn) nuôi 20 con bò thịt và sinh sản chia sẻ, giống bò vàng bản địa đã được gia đình sử dụng hàng chục năm, nhưng với tầm vóc nhỏ bé, bê con khi sinh ra đạt trọng lượng nhỏ, nuôi lâu lớn. Khi trưởng thành, sức cày kéo yếu, tỷ lệ thịt xẻ thấp nên hiệu quả kinh tế thu được không cao. Kể từ khi sử dụng đực giống nhóm Zebu để lai tạo, thế hệ con lai ra đời có tầm vóc, trọng lượng lớn, phàm ăn, sức đề kháng cao hơn.
“Việc cải tạo được tầm vóc đàn bò đã giúp gia đình thuận lợi tăng quy mô đàn và gia tăng đáng kể lợi nhuận. Với sức vóc mới, đàn bò thịt phát triển rất nhanh, rút ngắn thời gian xẻ thịt so với bò vàng trước đây khoảng 3 tháng. Hiện, gia đình đang tự xẻ thịt và bán với giá 230.000 đồng/kg, trừ đi các chi phí có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, ông Dũng phấn khởi cho biết.
Ông Trần Văn Luận, Trưởng phòng Kỹ thuật và Chuyển giao (Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình) cho hay, từ năm 1995 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình đã xây dựng, triển khai chương trình cải tạo đàn bò trên địa bàn tỉnh. Từ khi ra đời, chương trình đã có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản diện mạo đàn bò ở các địa phương.
Cụ thể, giai đoạn từ 1995-2005, giống bò người dân sử dụng chủ yếu là bò vàng, có tầm vóc nhỏ bé, khi trưởng thành bò đực có khối lượng trung bình 250-280 kg, bò cái 160-200 kg, tỷ lệ thịt xẻ thấp 38-42%, tỷ lệ thịt tinh 30-33%.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao giống bò lai Sind nhằm cải tạo tầm vóc đàn bò vàng địa phương, đồng thời, để tránh hiện tượng bò phối giống cận huyết, hạn chế việc sử dụng bò đực kém chất lượng làm giống.
Đội ngũ cán bộ khuyến nông đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật thiến bò đực bằng 2 phương pháp thiến hở và thiến kín bằng kìm thiến nhằm loại bỏ những bò đực giống không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyển chọn, chuyển giao bò đực giống lai Zebu có năng suất, chất lượng cao nhằm từng bước nâng tỷ lệ máu Sind đàn bò địa phương đạt khoảng 50%.
Giai đoạn 2005 -2015, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình chuyển giao đồng thời 2 phương pháp: Sử dụng bò đực giống để phối giống trực tiếp và ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo phối giống cho bò cái sinh sản.
Giống bò được chuyển giao cho người dân thuộc nhóm Zebu (lai Sind, Brahman) nhằm nâng cao tầm vóc đàn con lai. Mặt khác, phối hợp với các đơn vị cử học viên tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật truyền giống nhân tạo cho bò. Kết quả đến nay có trên 10 dẫn tinh viên đang hoạt động hiệu quả trong địa bàn tỉnh.
Thời kỳ này, tầm vóc đàn bò địa phương đã có sự chuyển biến rõ rệt. Bò lai có tỷ lệ máu lai Zebu chiếm khoảng 70% tổng đàn, trọng lượng được nâng cao, khi trưởng thành con đực đạt từ 300 – 350 kg, con cái từ 250-300 kg, tỷ lệ thịt xẻ > 50%, cao hơn bò địa phương 10-15%.
Giai đoạn 2015- nay, chương trình cải tạo đàn bò tiếp tục được triển khai theo hai hướng: Sử dụng bò đực giống lai Zebu phối giống trực tiếp để tạo đàn bò cái nền sinh sản đủ tiêu chuẩn phối tinh bò giống cao sản, ứng dụng thụ tinh nhân tạo để đưa giống bò có năng suất, chất lượng cao như bò 3B, Wagyu,… truyền giống nhân tạo bò cái nền địa phương, tạo đàn con lai có năng suất, chất lượng thịt cao.