Theo TS Cao Văn Chí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả), trên thế giới, các nước trồngcây ăn quảphát triển đều tiến hành chọn tạo các giống cây ăn quả mới bằng nhiều phương pháp khác nhau như: Chọn tạo bằng phương pháp tuyển chọn từ nguồn gen trong tự nhiên, chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính và chọn tạo giống bằng phương pháp xử lý đột biến.
Trong các phương pháp chọn tạo giống, tuyển chọn giống từ nguồn gen trong tự nhiên là một trong các phương pháp được nhiều nước quan tâm và là hướng đi phù hợp để phát triển các giống cây ăn quả đặc sản cho từng quốc gia, vùng miền.
Cùng với hướng tuyển chọn giống từ nguồn biến dị trong tự nhiên và phục tráng giống bản địa, chọn tạo giống cây ăn quả có múi nói chung và các giống cam, bưởi nói riêng bằng phương pháp lai hữu tính là một trong các phương pháp chính được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Hầu hết cây ăn quả đều có thể nhân giống bằng phương pháp vô tính. Tuy nhiên chọn tạo giống cây ăn quả bằng phương pháp lai hữu tính có ưu điểm nổi bật. .
TS Cao Văn Chí cho biết để sản xuất giốngcây có múisạch bệnh quy mô công nghiệp, trước tiên cần đến hệ thống nhà lưới 3 cấp. Cụ thể, nhà lưới lưu giữ cây S0 được tạo ra bằng kĩ thuật ghép đỉnh sinh trưởng, chồi ghép được khai thác từ cây đầu dòng; nhà lưới lưu giữ cây S1 cung cấp mắt ghép sạch bệnh phục vụ nhân giống và cuối cùng là nhà lưới sản xuất cây giống sạch bệnh S2. Công suất sản xuất cây giống của hệ thống này là 15.000 cây/660m2 nhà lưới/năm (tương ứng với trên 22.000 cây/1.000m2 nhà lưới/năm).
Nhà lưới sử dụng lưới công nghệ cao (lưới trắng, dài 100m, rộng 2m) được thiết kế di động, nhiệt độ bên trong nhà lưới trong mùa hè giảm 8 độ C so với thông thường. Bên cạnh đó là yêu cầu về nhà xưởng, thiết bị sản xuất, giá thể để đóng bầu và hệ thống tưới tự động kết hợp châm phân.
Cây S1 là cây ghép, được lấy mắt từ cây S0, được trồng trong nhà lưới, công suất khai thác mắt ghép trung bình trên cây S1 hai năm tuổi là 300 mắt/cây/lần, khai thác 3 lần/năm.
Câygốc ghépphải sinh trưởng khỏe, tiếp hợp tốt với giống làm cành ghép, chống chịu tốt với điều kiện môi trường bất thuận và với bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh Greening và Tristeza… Ví dụ có thể sử dụng cây chấp hoặc bưởi chua để làm gốc ghép cho cây cam.
“Cây sạch bệnh xuất vườn là cây sạch bệnh Greening và Tristeza thông qua xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR, ELISA. Cây sinh trưởng khỏe, lá xanh đậm, có từ 1 đến 3 cành cấp 1, không có dấu hiệu bị sâu bệnh hại và không quá 2 năm kể từ khi gieo hạt gốc ghép”, TS Cao Văn Chí cho biết.
Sau khi ghép, cần triển khai phòng chống một số bệnh phổ biến, nguy hiểm chocây giống. Ví dụ bệnh vàng lá Greening do Liberibacter asiaticus có triệu chứng điển hình trên cây bị bệnh là lá bị vàng có đốm xanh, gân xanh, lưng lá bị sưng và hoá bần, khô; lá mới bị nhỏ lại, mọc thẳng đứng và có màu vàng. Trong khi đó, hệ thống rễ của cây bệnh bị thối dần.
Để phòng trừ, phải chặt bỏ ngay những cây bị bệnh. Chăm sóc tốt cho vườn cây để tăng sức đề kháng cho cây, phòng trừ triệt để rầy chổng cánh – tác nhân truyền bệnh bằng thuốc Abasuper 5.55EC, nồng độ 0.015 – 0.022%; Vibamec 3.6EC, nồng độ 5 – 10ml/bình 25 lít.
Bệnh Tristeza sẽ làm gân trong, cây bị lùn, cả thân và nhánh cây bị lõm khi bóc vỏ khỏi thân, cành trở nên giòn và dễ gãy, vàng rốn quả sớm. Bệnh hay lây qua chiết, ghép hoặc lây qua rệp nâu, rệp đen hoặc các loài rệp khác.
Để phòng trừ, cần phun thuốc phòng trừ triệt để môi giới truyền bệnh bằng các thuốc trừ rệp muội như Abasuper 5.55EC, nồng độ 0.015 – 0.022%; Comda 250 EC, nồng độ 0,06 – 0,1%.