Ngày 11/12, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức tổng kết “Xây dựng mô hình trồng rừng gắn với cải thiện sinh kế hướng đến bảo tồn nguồn nước và trung hòa carbon giai đoạn 2024 – 2028”.
Liên quan đến nội dung này, ngày 27/6/2024, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN về việc phê duyệt Kế hoạch “Hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030”.
Quá trình triển khai, chính quyền các cấp và nhân dân vùng hưởng lợi đã hợp tác chặt chẽ thông qua việc xây dựng mô hình thuộc “Chương trình trồng rừng gắn với cải thiện sinh kế hướng đến bảo tồn nguồn nước và trung hòa carbon giai đoạn 2024 – 2028”.
Mô hình được Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (SPVB) tài trợ (sau khi ký kết thỏa thuận giữa Cục Lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu LSNG được thông qua), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (theo chỉ đạo của Cục Lâm nghiệp) chịu trách nhiệm triển khai.
Trung tâm đã chọn huyện Kỳ Sơn, một trong những huyện nghèo nhất cả nước với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đa, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, sạt lở đất và suy thoái tài nguyên rừng.
Các địa điểm được khảo sát, lựa chọn để xây dựng mô hình đều có địa hình phức tạp, độ dốc cao, là lưu vực của các con suối. Diện tích chủ yếu là đất trống, có ít cây gỗ nhỏ mọc rải rác, một số diện tích là rừng cộng đồng với mật độ cây thấp, sinh trưởng kém. Nhìn chung chức năng phòng hộ, điều tiết nguồn nước, dự trữ carbon rất thấp, từ đó kéo theo nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Để khắc phục những vấn đề trên, Chương trình đã khuyến cáo cộng đồng, chủ rừng triển khai trồng rừng gỗ lớn bản địa trên các diện tích đất trống và thực hiện khoang nuôi, xúc tiến tái sinh rừng (KNXTTS) có trồng bổ sung cây gỗ lớn bản địa kết hợp với cây lâm sản ngoài gỗ.
Dựa theo điều kiện thực tế, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đề xuất trồng một số loài cây bản địa như giổi xanh, sồi phảng, ba kích và sa nhân, là những loại cây cho giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.
Căn cứ theo quy định hiện hành, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, Cục Lâm nghiệp và Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (SPVB) đã tiến hành khảo sát, lựa chọn và quyết định triển khai một số mô hình thí điểm tại xã Phà Đánh từ tháng tháng 10/2024. Qua 1 tháng theo dõi thấy rằng các loại cây trên đang thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, môi sinh nơi đây. Qua nắm bắt, các loại đạt tỷ lệ sống trên 80%.
Các chuyên gia nhận định, nếu cây được chăm sóc và bảo vệ tốt sẽ mang lại “đa gía trị” cho chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn trong tương lai. Cây ba kích và sa nhân có thể thu hoạch chỉ sau 3 năm, với giá bán khá cao (hiện tại ba kích có giá 150.000 đồng/kg; sa nhân 70.000 đồng/kg) chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể thu nhập cho đồng bào bản địa.
Trong khi đó cây giổi xanh sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế sau 10 năm, quan trọng hơn khi cây khép tán sẽ gia tăng chức năng phòng hộ, tăng khả năng lưu trữ nước và carbon. Cây sồi phảng cũng có những chức năng tương tự, điểm cộng là thời gian sinh lợi ngắn hơn, dao động từ 7 – 8 năm.
Các mô hình trồng rừng và khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tại Kỳ Sơn nếu triển khai đúng cách sẽ giúp các hộ tham gia trồng rừng cải thiện sinh kế, nâng cao giá trị sinh thái của rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng, cùng lúc đáp ứng được yêu cầu về môi trường, đảm bảo bền vững hơn về mặt KT-XH.