Hoạt động kinh doanhbảo hiểmphi nhân thọ thời gian qua đã cho thấy sự trưởng thành của ngành cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nói chung cũng xuất hiện một số bất cập như những vụ việc nổi cộm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ như tư vấn bảo hiểm không rõ ràng khiến khách hàng mất tiền, hiện tượng ép người vay ngân hàng mua bảo hiểm… Những thông tin này đã ảnh hưởng chung tới toàn thị trường, trong đó có khối kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ thông qua kênh ngân hàng (Bancassurrance).
Từ 1/7, Luật Các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực, trong đó nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Theo đó, hoạt động bán bảo hiểm sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này cũng có thể khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bán bảo hiểm của các ngân hàng chậm lại so với trước đây.
Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban Điều hành – Bảo hiểm Vietinbank chia sẻ, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa, minh chứng bằng con số sản phẩm bảo hiểm và doanh thu trong lĩnh vực này tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Tuy nhiên, từ những sự cố bảo hiểm nhân thọ gần đây đã gây ảnh hưởng chung tới niềm tin của người dân và có lan tỏa tiêu cực đến bảo hiểm phi nhân thọ.
Phía các ngân hàng có đã có những định hướng thay đổi bổ sung trong hoạt động kinh doanh, tập trung vào 3 nhóm hoạt động được đẩy mạnh tối đa nhằm mang lại thông tin nhiều hơn cho khách hàng và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi đến với bảo hiểm phi nhân thọ như chú trọng công tác truyền thông, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng tư vấn viên và chăm sóc khách hàng, và nghiên cứu phát triển sản phẩm theo hướng cá nhân hóa nhằm phục vụ đúng nhu cầu khách hàng.
Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt khoảng 10 – 15%. Tuy nhiên năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ chỉ đạt 2 – 3% do khủng hoảng lòng tin từ khách hàng, thông tin được ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank cung cấp trong buổi thảo luận về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng chiều 3/7.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Agribank cho biết Bảo hiểm Agribank là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tiên phong cung cấp sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp dưới hình thức thương mại đến khu vực tam nông – khu vực dễ bị tổn thương và khả năng tài chính hạn chế, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.
Số tiền bảo hiểm chi trả cho lĩnh vực tam nông khoảng 800 tỷ đồng năm 2022, giúp hàng triệu nông dân không bị chuyển sang nợ xấu hoặc phát mãi tài sản. Năm 2023, con số này đạt 700 tỷ và dự kiến năm 2024, số tiền bảo hiểm chi trả cũng sẽ duy trì tương đương. Các đơn vị cũng đã chi hơn 20 nghìn tỷ đồng bảo hiểm cho những khách hàng có khoản vay tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khi gặp bất trắc.
Theo ông Hải, cần làm sáng tỏ, minh bạch các vấn đề còn tồn tại trong ngành bảo hiểm để những doanh nghiệp chân chính có thể tiếp tục triển khai bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Quy định mới sẽ đảm bảo việc bán bảo hiểm qua ngân hàng minh bạch hơn, trên cơ sở tự nguyện của khách hàng. Dù vậy, theo ông Trần Hoài An, Tổng Giám đốc BIC (BIDV), các đơn vị vẫn chờ đợi những văn bản hướng dẫn cụ thể, để thống nhất cách hiểu về bản chất của điều luật, bảo hiểm cho tài sản thế chấp; hay làm sao để tránh mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm… khi Luật này cho phép Ngân hàng làm đại lý bán bảo hiểm và sử dụng bảo hiểm như một công cụ phòng ngừa rủi ro khi cho vay.