Thông qua chuyển đổi số, đã có một số nền tảng, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong sản xuất và minh bạch trong tiêu thụ, đặc biệt là hướng đến các thị trường xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
“Các nước trong khu vực đang có chiến lược cạnh tranh với Việt Nam và họ đã có những bước tiến về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Để không bị bỏ lại phía sau, chúng ta phải có hành động thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số, lấy người dân làm trung tâm”, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận.
Ông Hiển cho rằng trong lĩnh vựcnông nghiệp, hiện còn một số nút thắt cần tháo gỡ. Đó là hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; các tổ chức sản xuất ở địa phương, các tổ hợp tác, hợp tác xã, người dân chưa quan tâm nhiều đến chuyển đổi số, tâm lý e ngại thay đổi; thống kê dữ liệu, thông tin bị phân tán; thiếu kỹ năng số trong lao động nông nghiệp; thiếu sự đồng bộ và liên kết giữa các cơ quan, tổ chức; thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ; chi phí đầu tư lớn…
Trước những vấn đề này, Bộ NN-PTNT đã có nhiều chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh lấy người dân làm trung tâm, tăng cường công tác khuyến nông, thủy nông cơ sở thông qua chuyển đổi số.
“Bộ NN-PTNT phấn đấu xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ cho 63 tỉnh, thành phố. Qua đó, kết nối liên thông và chia sẻ để khai thác sử dụng như một số mô hình phát triển sản xuất cho lĩnh vực thủy sản, bảo vệ thực vật, kinh tế hợp tác…”, ông Đặng Duy Hiển cho hay.
Một trong những giải pháp mà Bộ NN-PTNT đang rất quan tâm là đầu tư nghiên cứu, phổ biến các thiết bị IoT, qua đó thu thập các dữ liệu từ đồng ruộng, rừng, ao nuôi, chuồng trại để phân tích, nhận diện và đưa ra các giải pháp phù hợp cho từng loại cây trồng, từng loại vật nuôi. Đặc biệt, sẽ số hóa các vùng trồng, vùng nuôi, số hóa quản lý các cây trồng chủ lực có thế mạnh để xây dựng các mô hình chuyển đổi số phù hợp với từng vùng miền.
Ông Đặng Duy Hiển cho biết thêm, trong chương trình chuyển đổi số ngành NN-PTNT, Bộ NN-PTNT rất chú trọng đến nông thôn số và nông dân số. Trong đó, ở nông thôn quan tâm đến xã thương mại điện tử, xã nông thôn mới bền vững. Qua đó, có các giải pháp để quản lý môi trường nông thôn, phát triển các mô hình kinh tế nông thôn.
Đối với người dân, Bộ NN-PTNT rất quan tâm đến khuyến nông và đã tổ chức Mạng Nhà nông, mang tới nền tảng số giúp người dân khai thác các dịch vụ kỹ thuật, mô hình sản xuất đối với từng loại cây trồng, biện pháp canh tác đối với từng mảnh ruộng và biện pháp bảo vệ thực vật cũng như tạo ra môi trường trao đổi biện pháp kỹ thuật, giá cả nông sản. Người dân có thể thông qua Mạng Nhà nông để phối hợp với nhau và tạo ra một mạng liên kết.
Hiện Mạng Nhà nông đã được phổ biến đến 13 tỉnh ĐBSCL và 5 tỉnh Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT đã và đang tổng kết đánh giá. Đây là một mô hình hay, mang lại giá trị cho nông dân, tạo môi trường số trong nông nghiệp để minh bạch, tạo mô hình kinh doanh cho nông dân dựa vàonền tảng số.
Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data), có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.