Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Được triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc trên tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 04/6/2010, có mong muốn đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Nội dung chương trình có thể khái quát gọn NTM theo năm nội dung cơ bản là: (1) Giữ vững chất lượng hạ tầng kinh tế- xã hội, nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; (2) Phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; (3) Phát triển hài hòa các mặt xã hội, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát triển, trình độ dân trí cao, cải thiện môi trường, môi sinh, đời sống về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; (4) Bản sắc văn hóa dân tộc được giữ và phát triển; (5) Nâng cao chất lượng lãnh đạo hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh trật tự xã hội, quản lý dân chủ.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu của Chương trình giai đoạn 2010-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Ảnh: Phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An
Với đặc thù điều kiện kinh tế xã hội, xuất phát điểm thấp; các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An vô cùng khó khăn khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Vì vậy, ngày 12/01/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án xây dựng NTM trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, nhằm phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng giai đoạn 2018 – 2020. Từ đó, nhiều xã đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các tiêu chí. Diện mạo nông thôn vùng biên giới đã có những đổi thay rõ nét, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, hàng trăm hộ đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng NTM ở các xã khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn.
Đến ngày 31/8/2024 toàn tỉnh có 320 xã/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt 77,86% (trong đó: Có 101 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 31,56% xã NTM; có 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 15,84% xã NTM); Có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 13.728,97 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh; là vùng địa hình bị chia cắt khá phức tạp, có 11 đơn vị hành chính miền núi cấp huyện và 210 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn vùng khoảng hơn 1,2 triệu người, chiếm hơn 36,6% dân số toàn tỉnh, trong đó khoảng 38,9% là dân tộc thiểu số: Đến ngày 30/6/2023, toàn vùng có 110 xã/196 xã đạt chuẩn NTM, đạt 56,12% (trong đó có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Mặc dù kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực. Nhưng do xuất phát điểm của tỉnh thấp nên đến nay đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tỷ lệ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; còn một số hạn chế về bình đẳng giới; còn tồn tại hủ tục lạc hậu tảo hôn, tục ma chay cưới xin, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội; lề lối, tác phong, tập quán canh tác của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị; khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số và giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh chưa được rút ngắn. Một số khó khăn hạn chế có tác động sâu sắc đến bộ mặt nông thôn và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Khoảng cách phát triển giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh, giữa các nhóm dân tộc thiểu số chưa được rút ngắn. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn. Một số vấn đề bức thiết trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,… chưa được giải quyết có hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn; tỷ lệ được cấp thẻ bảo hiểm y tế cao nhưng tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng thẻ còn thấp, tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số suy dinh dưỡng còn cao; tầm vóc thể trạng người dân tộc thiểu số chưa được cải thiện; dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số chỉ được phục dựng khi lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày.
Một số giải pháp trọng tâm khơi thông điểm nghẽn về thu nhập trong xây dựng NTM đối với đối tượng yếu thế và vùng đặc biệt khó khăn
Thứ nhất, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ là người lớn tuổi: Thời gian tới, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Nghệ An cần thực hiện một số nội dung sau đây: (1) Rà soát lại các hộ nghèo trong tỉnh và những người cao tuổi, sau đó lập danh sách và gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để đảm bảo cho người nghèo được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của Nhà nước; (2) Tạo ra những mô hình việc làm, vừa tăng cường sức khỏe, vừa đem lại thu nhập cho người nghèo cao tuổi; (3) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, Hội Người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời có phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp người cao tuổi; (4) Trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm nghiên cứu các chính sách để tạo điều kiện hơn nữa cho người cao tuổi tiếp tục làm việc. Điều này không chỉ khuyến khích những người cao tuổi đang gặp khó khăn, mà còn động viên người cao tuổi sống vui, giúp đất nước tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng được nhu cầu phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước và tình hình thực tế trong giai đoạn già hóa dân số hiện nay.
Ảnh: Du khách tham gia nhảy sạp tại điểm du lịch công đồng bản Khe Rạn, huyện Con Cuông
Thứ hai, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ là người dân tộc: Là địa bàn thuần nông, cần ưu tiên và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tiến hành chuyển đổi đất sản xuất các loại cây kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, cho hiệu quả tăng gấp nhiều lần trên cùng vùng đất.
Tùy theo từng vùng, phụ thuộc vào đất đai, vào nguồn nước mà đưa ra những mô hình thâm canh sản xuât phù hợp với hộ, tạo điều kiện đầu vào và đảm bảo về đầu ra của nông sản giúp nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.
Thứ ba, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ có trình độ văn hóa thấp: Xóa nạn mù chữ, tạo điều kiện cho con em đủ tuổi đều được đến trường, chính quyền địa phương cần điều tra rà soát và nắm kỹ về số lượng gia đình có con em đến độ tuổi đi học, từ đó vận động, động viên gia đình cho con em đến trường. Xây dựng những lớp học tình thương gần khu vực nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho con em hộ nghèo được đến trường, không trở ngại về đường đi và giao thông.
Chính quyền địa phương cần phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho những trường hợp học sinh nghèo hiếu học, khuyến khích và tạo điều kiện hết mức có thể giúp con em có điều kiện được tiếp tục đi học. Trao học bổng, miễn học phí cho học sinh nghèo và khó khăn. Hàng năm, đến mùa khai giảng, chính quyền địa phương cần kết hợp với nhà trường thông báo, tuyên truyền và tạo điều kiện cho con em được đi học. Tuyên truyền vận động, giáo dục làm chuyển biến nhận thức cho người nghèo trong việc tự học nâng cao trình độ học vấn, học bổ túc văn hóa, học chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất.
Ảnh: Người Đan Lai ở bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã đủ cơm ăn áo mặc, thành thạo với việc gieo trồng, sản xuất nông nghiệp
Thứ tư, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ nghèo là nữ giới: Đối với chủ hộ nghèo là nữ giới, cần có giải pháp “3 nắm, 3 giúp”. “3 nắm” là nắm được hoàn cảnh sống của từng hộ nghèo, nắm được thu nhập của từng người trong hộ, nắm được nhu cầu hợp pháp, chính đáng của họ; từ đó, triển khai “3 giúp”, đó là: giúp vốn để làm ăn, giúp giới thiệu học nghề hoặc tìm việc làm phù hợp với sức khỏe, điều kiện làm việc của người nghèo, giúp kinh nghiệm sản xuất – kinh doanh hay kinh nghiệm nuôi dạy, giáo dục con cái. Kêu gọi “Tổ chức, cá nhân giúp hộ nghèo” với sự tham gia tích cực, thể hiện trách nhiệm quan tâm đến đời sống hộ nghèo của các ngành, đoàn thể hay các mạnh thường quân để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho chủ hộ là nữ giới vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ảnh: Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở Làng Xiềng, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo
Thứ năm, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ có số người phụ thuộc đông: Hộ có số người phụ thuộc đông; đối với hộ nghèo có đông số người sống phụ thuộc, nhân khẩu thường là những người chưa đến tuổi lao động, đang đi học hoặc quá tuổi lao động. Giải pháp phù hợp đối với đối tượng này là giới thiệu cho họ làm những việc nhẹ tại nhà, thông qua những giờ rảnh rỗi như nhận gia công bóc vỏ hạt điều, se lỏi lác, đan lụt bình, đan vỏ bẹ, làm nấm rơm, nấm bầu ngư và chăn nuôi. Đặc biệt, cần dạy cho họ kỹ năng tiết kiệm, hợp lý trong chi tiêu, làm thế nào để thay đổi cuộc sông nghèo khó. Đối với những trẻ em còn trong độ tuổi đi học, phải dạy kỹ năng kiếm tiền từ trong nhà trường.
Thứ sáu, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ có nghề nghiệp không ổn định: Cuộc sống khó khăn, cần thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho những người làm việc theo mùa vụ và không ổn định, nhằm tạo thu nhập đều đặn cho người dân. Đầu tư xây dựng các công xưởng vừa cải thiện nền kinh tế của tỉnh, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, các công ty giới thiệu việc làm của tỉnh cần phôi hợp cùng với chính quyền địa phương để tuyên truyền, quảng bá trên diện rộng giúp người dân có cơ hội được biết và tiếp cận, tìm ra việc làm phù hợp và cải thiện thu nhập của hộ. Có rất nhiều trường hợp người dân tìm đến tỉnh khác để có việc làm mưu sinh mà nguyên nhân chính là do tỉnh chưa đáp ứng đủ việc làm cho người dân.
Thứ bảy, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ không có đất hoặc có rất ít sản xuất: Việc thiếu đất sản xuất đang dần lây đi cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của họ. úy ban nhân dân huyện cần xem xét đất công ở các xã để giao đất ở, đất sản xuất cho hộ dân nghèo, tránh lãng phí quỹ đất công không sử dụng; quản lý chặt chẽ quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật; giai đoạn đầu đưa hộ vào “cánh đồng mẫu lớn”, hướng dẫn hộ nghèo phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu nâng cao giá trị, hiệu quả trên đơn vị diện tích và tính đến phát triển bền vững; giai đoạn giữa hướng hộ nghèo giảm dần trồng trọt, tăng chăn nuôi để phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gắn với tiêm phòng dịch bệnh, nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Khuyến khích hộ nghèo tận dụng mặt nước mương vườn, ruộng lúa, đất bãi bồi ven sông để nuôi, nhử thủy sản nước ngọt.
Thứ tám, Nhóm giải pháp đối với chủ hộ không tham gia công tác đoàn thể: Với tình hình kinh tế hội nhập hiện nay, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các hộ tham gia hoạt động đoàn thể cùng sản xuất, cùng phát triển. Tổ chức các buổi hội thảo, tạo điều kiện cho hộ được tiếp cận đến các phương thức sản xuất, các loại giống cây trồng mới, các phương thức sản xuất mới hoặc các loại thuốc phân bón mới và có lợi cho người nông dân đặc biệt là người nghèo. Tuyên truyền vận động các hộ tham gia đoàn thể để được hưởng các lợi ích chung. Bên cạnh đó, tham gia để học hỏi người có kinh nghiệm và nắm bắt được nhiều cơ hội nhằm nâng cao thu nhập.
Thứ chín, Nhóm giải pháp đối với vấn đề thiếu tư liệu sản xuất của hộ nghèo: Thiếu tư liệu sản xuất sẽ ảnh hưởng đến thành quả đạt được cũng như thu nhập của hộ. Vì thế, Nhà nước cần tích cực triển khai các chương trình trợ giúp trực tiếp về giống cây, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo tại các địa phương tùy theo điều kiện thực tiễn. Từ đó giúp hộ nghèo mạnh dạn đầu tư trồng trọt, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.
Thứ mười, Nhóm giải pháp đối với vấn đề thiếu trình độ và thiếu đào tạo nghề: Vấn đề về thiếu trình độ cũng ảnh hưởng đến việc áp dụng kỹ thuật để nuôi trồng, sản xuất, từ đó tác động đến chất lượng năng suất lao động của hộ ảnh hưởng đến việc nâng cao thu nhập của hộ nghèo. Chính vì vậy, chính quyền các địa phương cần thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về gieo trồng cũng như phương thức canh tác hợp lí nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Mỗi năm đến mùa vụ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cần đưa ra những thông báo những dự đoán về độ mặn của nước nhằm hỗ trợ hết mức có thể, để người dân đạt năng suất gieo trồng cao, bên cạnh đó tổ chức các buổi gặp mặt giữa chuyên gia, kỹ sư và nông dân nhằm giải đáp những thắc mắc của hộ để tối đa hóa năng suất gieo trồng. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ tuyên truyền vận động người dân tham gia học các lớp tập huân luyện kỹ thuật gieo trồng và chăn nuôi, cách chăm sóc động vật, cũng như theo dõi quá trình phát triển của chúng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nhằm đem lại lợi nhuận cao cho hộ.
Thứ mười một, Nhóm giải pháp đối với vấn đề thiếu vốn của hộ nghèo: Đối với chính quyền địa phương: Rà soát và nắm chắc danh sách hộ nghèo trong địa bàn theo từng thời gian cụ thể, để biết được những nhu cầu cần thiết trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hợp lý. Song hành theo đó là đưa ra những chính sách bình ổn giá trên thị trường, thu hút các nhà đầu tư, tuyên truyền vận động, quảng bá nhằm chia sẻ những kiến thức cần thiết trong việc chăn nuôi sản xuất, tạo điều kiện phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ vốn nhằm thúc đẩy tinh thần tăng gia sản xuất của hộ. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tự giác của hộ nghèo, cùng xây dựng các phương án, kế hoạch sản xuất cụ thể, tạo thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững, cần hướng dẫn cho hộ nghèo cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm tích lũy để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình cải thiện đời sống vật chất. Chính quyền địa phương cần có những tuyên dương khi các hộ nghèo tăng gia sản xuất và thoát nghèo, nhằm làm động lực thúc đẩy sự đột phá vươn lên của các hộ nghèo trong tỉnh. Đối với các tổ chức tín dụng trong địa bàn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận vay vốn một cách nhanh chóng và kịp thời nhát. Bên cạnh đó, có những chính sách ưu đãi lãi suất cho người nghèo, miễn lãi hoặc xóa nợ đối với các trường hợp không đủ khả năng trả nợ do những trường hợp khách quan (những trường hợp cần được suy xét nhiều khía cạnh), có thể nâng mức cho vay sát với thực tế, nhằm tạo điều kiện tối đa, giúp người nghèo phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao mức sống.
ThS. Hoàng Đình Ngọc
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn