Trong thời đại phát triển của khoa học và công nghệ như vũ bão hiện nay, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là một tất yếu. Chuyển đổi số giúp chính quyền địa phương quản lý nhân khẩu, thực hiện được dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận thông tin, kiến thức, công nghệ mới, kết nối với doanh nghiệp… từ đó đưa đến cho người dân đưa chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn yêu cầu, đồng thời mang sản phẩm của mình đến với thị trường một cách nhanh chóng. Muốn thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM đạt kết quả, cần có nhiều giải pháp trong đó công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM đóng vai trò hết sức quan trọng.
Vai trò của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng (NTM) nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn – thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh là mục tiêu tổng quát được đề ra tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025”.
Nội dung chuyển đổi số nông thôn tập trung trên ba phương diện: (i) Phát triển chính quyền số ở nông thôn; (ii) Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; (iii) Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo, mọi người dân; chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống; chuyển đổi số là thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện, trong mọi lĩnh vực. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quá trình chuyển đổi số, các mô hình làng/xã thông minh đang mang lại hiệu quả trong việc thay đổi diện mạo và đời sống người dân khu vực nông thôn.
Để nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thành công, thì công tác tuyên truyền là một giải pháp đóng vai trò to lớn. Công tác tuyên truyền giúp những chủ trương, đường lối của Đảng về chuyển đổi số trong xây dựng NTM được quán triệt một cách đầy đủ, cụ thể, từ đó các sở, ban, ngành, các cấp nâng cao được nhận thức của mình để thực hiện một cách đầy đủ nhất. Chính vì vậy, tại Quyết định số 924/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tuyên truyền về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Đề nghị cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tăng cường vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thành viên, tuyên truyền để người dân, cộng đồng chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số trong nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An trong thời gian vừa qua
Trong thời gian vừa qua để thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, Tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo thực hiện triệt để các chủ trương của cấp trên. Với mục tiêu cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022. Ngày 05/8/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và 14 kế hoạch, 06 quyết định để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. 100% các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, công tác triển khai, thực hiện chuyển đổi số đã có những bước đi và đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An trong đó có nông thôn nghệ An.
Các mô hình hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất, lưu thông, tiêu dùng ở các địa phương, các ngành, lĩnh vực được hình thành và ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giúp doanh nghiệp, người dân hạ thấp chi phí đầu vào, tiếp cận và khai thác thị trường lành mạnh, an toàn, giảm thiểu các rủi ro, bất lợi trong cạnh tranh. Việc ứng dụng nhanh chuyển đổi số trong quảng bá, mua bán sản phẩm góp phần nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các mô hình ứng dụng chuyển đổi số, mô hình thôn thông minh đang triển khai ở các phường, xã như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, camera an ninh, loa truyền thanh xóm thông minh, quản lý điện chiếu sáng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng QR để quét tài liệu trong các Hội nghị, báo cáo, văn bản…, tại các trụ sở, trường học, nhà văn hóa, thư viện đã đước gắn mã QR để cán bộ và quần chúng nhân dân sử dụng điện thoại thông minh quét mã và lấy tài liệu điện tử. Cơ quan, tổ chức và các hội viên thành lập liên kết bằng các nhóm zalo, facebook… nhanh chóng, hiệu quả.
Đến nay- ngày 9/9/2024, toàn tỉnh Nghệ An có: 320 xã/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,85%); 101 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 31,56%); 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 5% xã NTM); 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM: (TP Vinh, Thị xã Thái Hoà, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu), 01 huyện Hưng Nguyên đang hoàn thiện hồ sơ đang trình Trung ương bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn năm 2023 (đạt 45%); Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 17.2 tiêu chí/xã; Có 212 thôn/bản đạt chuẩn Nông thôn mới; Có 583 sản phẩm được công nhận OCOP (đạt 3 sao trở lên) và có 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương đánh giá công nhận.
Có được kết quả trên, là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với nhiều giải pháp trong đó Công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng.
Ngay từ đầu, nhận thực được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, Tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cho cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp, từng bước lan tỏa mạnh mẽ những giá trị, lợi ích, tầm quan trọng và tính tất yếu của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đối với nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo sự tích cực, chủ động học hỏi và mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào xây dựng chính quyền số, vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp số và phát triển xã hội số ở nông thôn. Thuật ngữ “chuyển đổi số” đã trở thành đã trở thành từ khóa hết sức phổ biến trong mọi sinh hoạt, trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong nội dung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm QP,AN, công tác xây dựng Đảng, HTCT, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân của mọi địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Tỉnh Nghệ An xác định phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, chỉ đạo, điều hành, quản lý và phát huy vai trò trung tâm của người dân trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM với nhiều hình thức. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM. Dưới sự chỉ đạo đó, Sở thông tin truyền thông đã triển khai trên tất cả các phương tiện truyền thông mà Trung tâm Truyền thông đang quản lý bao gồm: Đài phát thanh, Truyền hình, Báo in, Báo điện tử, Các cổng thông tin điện tử, chuyên trang về xây dựng NTM… nhiều trang thông tin của các cấp, ban, ngành đều được phát huy mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền: như thông tin nội bộ, trang thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã. Hệ thống loa phát thanh của xã, xóm, cũng được phát huy tích cực. Ngoài ra công tác tuyên truyền còn thông qua các cuộc hội thảo, Hội nghị báo cáo chuyên đề, Tọa đàm….
Nội dung tuyên truyền bao gồm các Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; tuyên truyền việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; Tuyên truyền các mô hình thí điểm sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; tuyên truyền hoạt động ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương…
Với sự nỗ lực của các cấp, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về xây dựng NTM, từ đó tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.
Giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn ở Nghệ An trong thời gian tới
Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số trong xây dựng NTM ở tất cả các địa phương. Coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị của cấp ủy, chính quyền trước hết là người đứng đầu. Đối với những địa phương chưa hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch, đề án đã đăng ký với cấp trên, phải coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, vì xét đến cùng, xây dựng NTM phải gắn kết chặt chẽ với nông thôn thông minh, hiện đại. Đối với những địa phương đã đạt NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu càng phải coi đây là tiêu chí hàng đầu để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng NTM.
Hai là, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng điện, truyền thông cơ sở bảo đảm các chương trình giáo dục, thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số được tổ chức tốt, có hiệu quả.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền với các nội dung, hình thức phù hợp đối với từng đối tượng, trình độ nhận thức, địa bàn cụ thể; tuyên truyền phải làm liên tục, thực chất, không theo phong trào. Xây dựng đội ngũ báo cao viên, tuyên truyền viên chuyên trách có năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy vai trò của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách xã trong công tác tuyên truyền thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò của truyền thông đặc biệt là các loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử để tạo ra tính nhất quán, liên tục trong truyền thông nhằm tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của công chúng về chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Năm là, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, thiết kế các ấn phẩm thông, kỹ năng viết tin, bài, kỹ năng tương tác và thực hành trên không gian mạng cho cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền trên địa bàn.
Sáu là, các địa phương chủ động kết nối, phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch…về ứng dụng chuyển đổi số tiếp tục thực hiện triệt để các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính quyền số ở khu vực nông thôn, nông nghiệp, nông dân theo mục tiêu đến 2030 mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định.
ThS. Hoàng Đình Ngọc
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn