Đến năm 2030, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42 – 43%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5 – 5,5%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD năm 2025 và 25 tỷ USD năm 2030.
Sáng 9/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành tại Quyết định số 895 ngày 24/8/2024.
Theo ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, quy hoạch đặt ra những mục tiêu đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42 – 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5,0 – 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030; giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản trong nước đạt 5 tỷ USD (quy đổi) vào năm 2025, 6 tỷ USD (quy đổi) vào năm 2030.
Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 500.000ha và sẽ đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030.
Đến 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Đến năm 2050, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật, phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, giá trị gia tăng cao, chủ động tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng tăng vào sự phát triển bền vững của đất nước; góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước…
Theo định hướng quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc đến năm 2030 về phát triển rừng: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây bản địa mọc nhanh có năng suất, chất lượng phục vụ phát triển rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Đảm bảo cung cấp bình quân 575 triệu cây/năm.
Chế biến, thương mại gỗ và lâm sản: Ưu tiên sử dụng trang thiết bị hiện đại, tự động hoá, chuyên môn hoá.
Khuyến khích phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới nội dung chương trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn; đào tạo trên cơ sở đặt hàng và nhu cầu của doanh nghiệp.
Từ câu chuyện những người nông dân Hàn Quốc đã trở nên giàu có nhờ trồng sâm dưới chân núi và người Phần Lan bán muối thảo dược trong rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan truyền tải thông điệp về cách tư duy, thay đổi cách làm để người dân nâng cao được thu nhập từ rừng.
Bộ trưởng nói rằng bản thân đôi lúc phải có “tư duy ngược”, đặt câu hỏi vì sao người dân lại đưa sâm từ trên núi cao xuống trồng dưới chân núi hoặc đồng bằng mà hiệu quả vẫn cao, trong khi chúng ta lại đua nhau đưa sâm lên trồng trên núi cao, lúc này chúng ta đã bỏ đi cả không gian về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong chuyến công tác đến Phần Lan, Bộ trưởng cho biết, có đi thăm một cánh rừng. Điều làm ông bất ngờ là người dân bán muối trên rừng. Để tăng giá trị cho muối, người dân đã đưa các thảo dược vào muối. Bộ trưởng nhấn mạnh về cách tiếp cận đa chiều để khai thác giá trị của rừng. Đó là kết nối giữa rừng với biển…
Cũng theo Bộ trưởng, “tư duy quy hoạch” không chỉ là phân bổ diện tích, phân loại rừng mà còn là “tư duy quản trị” để thu hút thêm các nguồn lực. “Từ Quy hoạch lâm nghiệp chúng ta phải tích hợp được đa giá trị trong phát triển kinh tế rừng. Khi phát triển rừng bền vững, nhiều giá trị thì sẽ có nguồn lực để tái đầu tư cho bảo tồn và phát triển sinh kế cho người dân…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.
Bộ trưởng nói rất trăn trở khi thấy du khách nước ngoài sau khi tham quan rừng trên đảo thì không có sản phẩm lưu niệm nào để mua về. “Phải chăng chúng ta cần có thêm sự khéo léo, những tư duy mới để có những sản phẩm khai thác được giá trị ngoài lâm sản?”, Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu cứ tập trung vào khai thác thì giá trị lâm sản sẽ sớm cạn kiệt, câu chuyện sẽ giống như thủy sản dưới biển. “Chúng ta phải lùi ra xa để nhìn vào rừng, gắn được cấu trúc giá trị từ nhiều góc độ. Khi không gian giá trị được mở rộng thì ai cũng có được lợi ích, không còn xung đột và sẽ tìm cách để bảo vệ, phát triển rừng…” , Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ “khung” của Quy hoạch lâm nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn cho rằng giá trị của rừng phải cao gấp 10, gấp 100 lần nữa mới xứng đáng với hai chữ “rừng vàng” và “muốn làm được điều đó, cần “thổi” được hồn, đưa được những câu chuyện vào những sản phẩm từ rừng để tăng giá trị”.
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1 trong 4 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ NNPTNT tổ chức lập, bên cạnh Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo Quy hoạch, tổng nhu cầu vốn thực hiện là 217.305 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng gần 107.000 tỷ, chiếm gần 50% tổng nhu cầu vốn.
Minh Ngọc
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn