Trên miền đất dốc, cây hồi bám trụ, vươn mình phát triển. Trải qua nhiều thăng trầm, cây hồi đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân trên vùng đất rẻo cao.
Vân Trình là xã thuần nông của huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng), bao đời nay người dân gắn bó với đồng lúa, rừng cây. Nhắc đến cây hồi, những người cao niên trong xã cũng không biết nó đã nảy mầm, sinh sôi ở mảnh đất này từ bao giờ. Chỉ nhớ, từ hồi nhỏ đã nghe các cụ kể về cây hồi trên những đỉnh núi cao chót vót. Những cây hồi cổ thụ, có lẽ đã hàng trăm năm tuổi vẫn đứng vững trước phong ba, vượt qua thời tiết khắc nghiệt, tồn tại đến bây giờ.
Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn hồi bạt ngàn trên triền núi, ông Đinh Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trình chỉ lên đỉnh non cao, nơi có những cây hồi cổ thụ và giới thiệu: Cây hồi được trồng từ thời các cụ, nguồn gốc giống có lẽ mang từ Lạng Sơn về. Hơn 20 năm về trước, khi đó tình trạng phát nương làm rẫy còn phổ biến, những ngọn núi trơ trọi toàn sỏi đá. Nhờ có chương trình PAM, trồng rừng 327, cây hồi được trồng nhiều trên đất Vân Trình. Đa số những vườn hồi đã cho thu hoạch hiện nay có tuổi đời hơn 20 năm, có những cây một người ôm không xuể.
“Bây giờ cây hồi đã trở thành cây trồng chủ lực có diện tích lớn nhất của xã, mỗi năm mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân. Nhiều nhà sắm được ô tô, xây được nhà nhờ cây hồi”, ông Chiến tự hào nói với chúng tôi.
Ngày nay xã Vân Trình có 467ha cây hồi, tất cả các thôn đều trồng hồi. Cây hồi có ở ngay gần nhà, trên những gò đất, triền đồi, vươn dần lên tận trên núi cao.
Có mặt ở những thôn trồng nhiều hồi như Lũng Xỏm, Bản Muồng, chuyện về cây hồi chưa lúc nào nhàm chán. Cũng có lúc hoa hồi rớt giá, thậm chí không có người mua, nhiều người ngán ngẩm nhưng ít người chặt bỏ.
Những người trồng hồi ở Vân Trình lý giải, do đặc thù miền núi, đất trồng lúa ít, người dân chủ yếu gắn bó với rừng. Rừng mới thực sự mang lại thu nhập ổn định. Ở đây, đồi núi có độ dốc lớn, trồng cây ăn quả rất khó, mùa đông lại lạnh, nhiều loại cây không thích nghi được nên bao năm nay, cây hồi vẫn là cây trồng chính của bà con nơi đây.
Cây hồi tuy chưa giúp người dân thành tỷ phú nhưng mỗi năm thu hoạch 2 vụ cũng được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống, mua xe, làm nhà. Những năm gần đây, giá bán hoa hồi ổn định, khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg, lúc cao nhất lên đến 60.000 đồng/kg nên bà con càng gắn bó với cây hồi hơn. Nếu như 20 năm trước, đồi núi toàn đất trống thì bây giờ đâu đâu cũng thấy màu xanh của hồi, đất đai nhờ đó được bảo vệ tốt hơn, giảm rủi ro thiên tai, lũ lụt.
Theo chân anh Vương Văn Thạch, xóm Lũng Xỏm (xã Vân Trình), sau hơn 30 phút đi bộ vượt qua những con đường mòn ngoằn ngèo, chúng tôi đến vườn hồi đang vào vụ thu hoạch. Vườn hồi của anh Thạch nằm trong thung lũng bao bọc bởi những ngọn núi cao xung quanh.
Anh Thạch chia sẻ, những cây hồi cổ thụ này được bố mình trồng từ những năm 1992 đến năm 1994. Lúc đó gia đình trồng theo phong trào, dự án là chính, chưa nghĩ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao như bây giờ. Sau này, khi cây lớn, mình được bố để lại. Những cây già cỗi chết, hoặc cho quả ít mình chặt đi trồng dặm nên trong vườn có cây đã hơn 20 năm tuổi nhưng nhiều cây mới cho thu hoạch.
Khu đồi của gia đình rộng khoảng 7.000m2, có khoảng 250 cây, những năm thời tiết thuận lợi thu được khoảng 2 tấn hoa hồi. Năm 2021, vườn hồi có năng suất cao nhất từ trước đến nay, một kg hoa hồi bán được 40.000 đồng, tổng thu về 80 triệu đồng.
“Nếu như cây hồi cho năng suất ổn định thì thu nhập sẽ cao hơn so với trồng cây khác. Bên cạnh đó, cây hồi đã trưởng thành không tốn nhiều công chăm sóc, chủ yếu là phát cỏ vệ sinh, mỗi năm bón phân một lần nên chi phí thấp. Diện tích của mình ít, còn những hộ có 2 đến 3ha mỗi năm có thể thu trên 200 triệu đồng”, anh Thạch kể.
Từ vườn hồi của anh Thạch nhìn sang quả đồi kế bên, đâu đâu cũng một màu xanh của cây hồi. Gia đình ông Đinh Văn Hợi, xóm Bản Muồn (xã Vân Trình) có đất đồi khá rộng, khoảng 3ha. Trước đây gia đình chỉ trồng hơn 1ha cây hồi, nhưng từ khi hoa hồi bán được giá, gia đình trồng thêm, hiện nay đã có gần 3ha. Ông Hợi chia sẻ, những năm trước gia đình thu được từ 6 đến 7 tấn hoa hồi, sau khi trừ chi phí cũng thu về được khoảng 200 triệu đồng. Nhờ trồng hồi, gia đình có kinh tế ổn định.
Năm nay, dù đã vào vụ, nhưng trên những triền đồi vẫn chưa có nhiều người Vân Trình thu hoạch hoa. Cây hồi mỗi năm thu hoạch 2 lần, năm nay chưa được giá, người dân chưa vội bán. Cây hồi là vậy, hoa hồi có thể bán ngay lúc còn non hay để thêm một, hai tháng mới hái, tư thương vì vậy cũng khó ép giá bà con.
Ông Đinh Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trình cho biết, xã có 467ha trồng hồi, trong đó khoảng 400ha đã cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt hơn 1.000 tấn. Riêng cây hồi mỗi năm mang lại trên 30 tỷ đồng cho người dân, đây là cây trồng chủ lực của xã trong nhiều năm qua. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi diện tích một số loại cây hiệu quả thấp sang trồng cây hồi. Bên cạnh đó, vận động người dân thâm canh, chặt bỏ những cây quá già cỗi cho năng suất thấp để trồng mới.
Mấy năm gần đây, cây hồi bị bệnh rụng lá, khi cây ra hoa bị rụng nhiều nên năng suất giảm. Xã cũng đã vận động bà con phun thuốc nhưng cây hồi trồng trên đồi cao không có nguồn nước, cây hồi cổ thụ có thể cao vài chục mét nên rất khó phun. Do chưa xử lý triệt để được loại bệnh này nên người trồng hồi cũng rất lo lắng, ông Chiến thông tin với phóng viên.
“Khó nhất của xã là trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến tinh dầu hồi, hoa hồi chủ yếu bán cho tư thương nên giá cả bấp bênh. Có những năm giá có thể cao chót vót, lên đến 70.000 đồng/kg, nhưng cũng có năm chỉ đạt hơn 20.000 đồng/kg. Diện tích trồng cây hồi trên địa bàn huyện rất lớn, ở các xã khác cũng trong tình cảnh tương tự”, ông Chiến chia sẻ.
Huyện Thạch An hiện có gần 3.000ha cây hồi, sản lượng hoa hồi hàng năm đạt trên 3.000 tấn, với giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, mỗi năm cây hồi mang lại khoảng 120 tỷ đồng. Mong mỏi lớn nhất của người dân là trên địa bàn có dự án xây dựng nhà máy chế biến hoa hồi để tiêu thụ ổn định cho bà con, từ đó thu nhập từ cây hồi sẽ tốt hơn.
Quang Linh – Ngọc Tú
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn