Hơn 90 người trong tổng số hơn 100 thành viên Câu lạc bộ đại điền ở Hải Phòng có diện tích lúa bị thiệt hại sau bão, ít thì 20 mẫu, nhiều thì 80 mẫu.
Năm nay đã hơn 60 tuổi và gắn bó với nông nghiệp đã mấy chục năm nhưng ông Nguyễn Duy Bi trú tại xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy chưa khi nào chứng kiến cảnh gió bão hủy diệt cánh đồng lúa khủng khiếp đến như vậy.
Ngồi nhìn 2 máy bơm nước đang hoạt động hết công suất để tiêu nước cho hơn 5,3ha lúa của gia đình đang chìm sâu trong nước, ông Nguyễn Duy Bi cho biết, sở dĩ có diện tích cấy lúa nhiều như vậy là do tích tụ, thuê lại người dân mà có. Tính đến thời điểm bị thiệt hại, chi phí vào 1ha hơn 20 triệu đồng.
Vụ mùa năm nay, nhìn thấy lúa phát triển tốt tươi và đã trỗ đòng, ông Bi đã nghĩ đến một vụ lúa bội thu. “Trước bão lúa rất tốt, tôi đã nghĩ đến một vụ bội thu nhưng sau bão diện tích lúa bắt đầu trỗ bị ngã đổ rồi ngập sâu trong nước, giờ một phần đã thối rữa”, ông Bi buồn bã.
Vụ mùa 2024, anh Vũ Đức Hiệp trú tại xã Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng) cấy 20ha lúa. Là một đại điền trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết nhưng khi nhìn thấy cánh đồng lúa được đầu tư sắp đến lúc thu hoạch bị ngập trắng xóa trong nước, anh Hiệp gần như lặng người và không muốn ăn uống trong nhiều ngày.
Anh Hiệp chia sẻ, trong số 20ha lúa thì có tới 15ha bị thiệt hại, trong đó diện tích mất trắng lên đến 30%, còn lại cũng trong tình trạng bị ngã đổ hoặc bị dập toe tua.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, bão số 3 đã làm 28 nghìn ha lúa mùa của Thành phố bị ảnh hưởng với các cấp độ khác nhau, trong đó thiệt hại trên 70% rất cao với khoảng 9 nghìn ha. Diện tích rau màu bị đổ và ngập úng khoảng 4.500ha, hơn 1.000ha chuối bị gãy đổ…
“Việc đầu tư cho lúa vụ này đã được 80% rồi, mỗi sào tôi đã bỏ ra gần 1 triệu đồng nhưng giờ coi như mất trắng vì phần diện tích còn lại cũng đang bị ngập, lá bị đánh tơi tả không biết còn năng suất nữa không. Ruộng tôi đi thuê, việc đầu tư cũng là đi vay, giờ không biết phải xoay xở ra sao”, anh Hiệp bộc bạch.
Cũng là một đại điền, anh Nguyễn Văn Hùng trú tại xã Phù Ninh (huyện Thủy Nguyên) có hàng chục ha lúa đang trỗ đòng cũng có nguy cơ mất trắng, dù không bị ngập nhưng bị gió bão làm ngã đổ hoàn toàn. Trong số các đại điền ở Hải Phòng, anh Hùng là người khá “số má” với diện tích gieo cấy lên đến 60 mẫu, được đầu tư bài bản. Từ đầu vụ đến nay, chi phí cho mỗi mẫu ruộng đã lên tới 1,2 triệu đồng, tồng chi phí đầu tư đã ngót nghét gần 1 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư giống, phân bón đang nợ các đại lí khoảng 600 triệu đồng, còn lại là nợ ngân hàng và người thân. Các khoản nợ đều kì vọng vào vụ lúa mùa, khi thu hoạch xong sẽ trả.
Để vớt vát, anh Hùng đang tập trung phun phòng bệnh khô vằn, chống lép hạt và sâu cuốn lá cho những diện tích còn khả năng phục hồi, phương châm “còn nước còn tát, còn cây nào vớt cây đó” dù biết chắc sẽ thua lỗ.
“Anh em trong nhóm đại điền của Hải Phòng có hơn 100 người thì đến 90 người thiệt hại. Người ít thì mất 20 mẫu, nhiều thì 80 mẫu, riêng tôi bị ảnh hưởng 60 mẫu. Anh em ai cũng mếu mặt cả, riêng tôi chưa biết phải làm thế nào, giờ chỉ mong có được hỗ trợ, chia sẻ phần nào”, anh Hùng bế tắc.
Thiệt hại do bão số 3 đối với sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng có thể nói chưa từng thấy trong khoảng 20 năm trở lại đây. Khắp các địa phương có hoạt động sản xuất trồng trọt đều tan hoang, tê liệt.
“Chúng tôi là hợp tác xã còn có một chút tiềm lực nhưng giờ cũng kiệt quệ rồi. Hàng trăm ha lúa gần như mất trắng, nhà xưởng bị tốc mái hư hỏng, lúa trong kho, phân, giống cũng ướt hỏng hết. Thiệt hại quá nặng. Chúng tôi và người dân rất cần sự động viên chia sẻ, nếu không rất khó để khôi phục sản xuất”, chị Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) – người đang đầu tư hơn 100ha lúa tâm tư.
Ông Bùi Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, để kịp thời khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do bão lũ, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung lực lượng khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất trồng trọt.
Với diện tích lúa bị hư hại, thiệt hại hoàn toàn, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã hướng dẫn người dân nghiên cứu, tùy vào chân ruộng để khắc phục.
Với chân đất sâu trũng, tiến hành các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật và tiến hành xử lí bằng chế phẩm sinh học để tạo nguồn hữu cơ, để tránh tồn dư nguồn bệnh.
Riêng những khu vực có chân đất cao, có thể trồng được rau màu thì hướng dẫn người dân các biện pháp xử lí tàn dư thực vật trên đồng ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi cũng như mực nước trên đồng ruộng để làm đất, lên luống trồng các loại rau màu phù hợp.
Để chia sẻ khó khăn với người dân, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại của Thành phố rà soát, tổng hợp các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn để kịp thời có giải pháp hỗ trợ như giãn, hoãn nợ, gia hạn lãi suất vốn vay nhằm kịp thời khôi phục sản xuất sau bão.
“Bão số 3 gây thiệt hại quá lớn cho ngành nông nghiệp Thành phố, ước thiệt hại theo tổng hợp từ các địa phương khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng, trong đó nặng nhất là lĩnh vực trồng trọt, sau đó là thủy sản, chăn nuôi. Hiện các địa phương đang thống kê, đề xuất các phương án hỗ trợ cho người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp để sớm khôi phục sản xuất”, ông Bùi Thanh Tùng cho hay.
Trên cơ sở đề xuất của Sở NN-PTNT, Thành ủy Hải Phòng đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm các giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp bị thiệt hại sản xuất nông nghiệp sau bão. Theo đó, trước mắt sẽ nghiên cứu tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay nhằm kịp thời phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mức lãi suất thấp nhất có thể. Cùng với đó, sẽ xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ, cho vay tiếp đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.
Đinh Mười
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn