Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố Hà Tĩnh vừa triển khai thành công mô hìnhnuôi thủy sảnxen ghép tôm sú, cua biển và cá đối mục ở xã Thạch Hưng, đem lại lợi nhuận 250 triệu đồng/ha.
Đây là mô hình nhằm khai thác tốt diện tích mặt nước, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư và rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản, hiện nay tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã kết hợp nuôi đa dạng đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi.
Lợi nhuận hơn 250 triệu đồng/ha
Tại xã Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh), người dân có tập quán nuôi xen ghép một số đối tượng như tôm, cua, cá chim vây vàng, cá chẽm… nhưng ở mức đầu tư thấp, thường xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy năm 2024, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật (KHKT) và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua biển và cá đối mục trong ao nhằm hạn chế dịch bệnh, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất, giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình được thực hiện từ tháng 4/2024 tại hộ ông Trương Thế Cương (thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng) với quy mô 1ha, thả nuôi xen ghép gồm 5 vạn contôm sú, 5.000 con cá đối mục và 5.000 con cua xanh. Ông Cương cho biết, trước đây phần diện tích thực hiện mô hình gia đình ông nuôi tôm sú nhưng hiệu quả không cao.
Về kỹ thuật nuôi xen ghép tôm sú,cá đối mụcvà cua xanh, ông Cương cho biết thức ăn dành cho cá là dạng viên nổi, còn thức ăn cho tôm, cua là thức ăn viên chìm có hàm lượng đạm cao từ 30 – 40%, kích cỡ thức ăn cũng được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá, tôm và cua cho phù hợp để tránh dư thừa.
Theo đó, cho ăn ngày 2 lần, khẩu phần 2 – 3% trọng lượng thân/ngày. Thức ăn được rải trên mặt nước, phía trên hướng gió, đối với cá có sử dụng khung cố định trên mặt ao để giữ thức ăn trong giai đoạn đầu tại một số vị trí cố định. Ngay từ giai đoạn bắt đầu thả giống phải thực hiện yêu cầu “4 định” về chế độ thức ăn đối với vật nuôi đó là định tính, định lượng, định vị trí và định thời gian nhằm quản lý thức ăn xuyên suốt trong quá trình nuôi một cách khoa học và hiệu quả. Ngoài ra còn bổ sung khoáng chất, dinh dưỡng và vitamin C, tỏi tươi với liều lượng 5 – 10g/kg thức ăn để giúp tôm, cua tăng sức đề kháng và tăng trưởng tốt.
Về quản lý môi trường ao nuôi, định kỳ 10 – 15 ngày thay 20 – 30% lượng nước trong ao nuôi, sau 1 – 2 ngày tiến hành diệt khuẩn bằng Iodine hoặc BKC (liều lượng tùy theo từng dòng sản phẩm). Sau khi diệt khuẩn 2 – 3 ngày tiến hành cấy vi sinh và bón vôi CaCO3 với lượng từ 10 – 15kg/1.000m3 để cải tạo đáy ao giúp vi sinh vật có lợi phát triển và ổn định các yếu tố môi trường
Với mật độ giống thả giống đối với tôm sú là 10 con/m2, cá đối mục 0,5 con/m2, cua 0,5 con/m2, sau thời gian gần 6 tháng, tỷ lệ sống của các loài đều cao (đạt trên 70%). Về trong lượng, tôm sú đạt đạt 25 – 35 con/kg, năng suất 1,4 tấn/ha; cá đối mục đạt 2,5 – 3 con/kg, năng suất 1,8 tấn/ha;cua biểnđạt 2,5 – 3 con/kg, năng suất gần 500 kg/ha. Đến nay mô hình đã cho thu hoạch, dự kiến với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp gần 500 triệu đồng/ha, mô hình cho lãi hơn 250 triệu đồng/ha.
Giảm rủi ro dịch bệnh, thường xuyên rủng rỉnh tiền
Tham quan gia đình ông Cương thu hoạch thủy sản nuôi xen ghép, ông Phạm Đức Hải tại xã Đồng Môn (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Gia đình tôi có diện tích ao nuôi nhưng đang bỏ trống do nuôi tôm không hiệu quả, nay thấy mô hình nuôi xen ghép có hiệu quả hơn nên tôi về sẽ cải tạo hồ và bắt tay nuôi luôn”.
Có thể thấy rằng, với phương thức nuôi ghép, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường. Đặc biệt, cá đối mục phân bố rộng rãi trong nhiều thủy vực, chủ yếu ăn thức ăn thừa của tôm và cua, ăn rong rêu và các loài sinh vật tầng đáy.
Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm do nguồn thức ăn dư thừa dưới đáy ao, quản lý tốt và phục hồi môi trường các vùng nuôi thấp triều, thường xuyên bị dịch bệnh tấn công, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững. Một ưu điểm nữa của hình thức nuôi xen ghép là thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 – 3 tháng, giúp người nuôi có thu nhập thường xuyên, ổn định.
Theo bà Phạm Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng, toàn xã hiện có hơn 80ha nuôi trồng thủy sản mặn lợ, mô hình nuôi thủy sản xen ghép tại hộ ông Trương Thế Cương là mô hình nuôi xen ghép đầu tiên tại địa phương.
Qua đánh giá, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích. Chính vì vậy, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền và có kế hoạch cụ thể để nhân rộng những mô hình nuôi luân canh, xen ghép các đối tượng mới như cá đối mục, cá dìa,cua xanhvới tôm để tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng và giá trị cao.
Tại hội thảo đánh giá mô hình vừa diễn ra tại xã Thạch Hưng, ông Trần Viết Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố Hà Tĩnh cho biết: Mô hình nuôi ghép tôm sú, cá đối mục, cua biển cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nuôi trồng tại TP Hà Tĩnh.
Đây là mô hình mới theo hướng an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, mở ra hướng đi mới cho nghềnuôi trồng thủy sảnở TP Hà Tĩnh, tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cá, tôm sú, cua thương phẩm tương đối thuận lợi vì đây đều là các loài thủy sản đang được thị trường ưa chuộng.
Đối với một số vùng chưa đủ hạ tầng để nâng cấp thành vùng nuôi công nghệ cao thì việc thực hiện nuôi xen ghép ở các hồ ao có diện tích lớn rất phù hợp. Thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá tại một số vùng nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh, kém hiệu quả trên địa bàn.