Làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Ngày 5/7, tại trụ sở UBND TP Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Hội nghị do ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì. Tham dự sự kiện có đại diện các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp và 136 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: “Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP”.
Hà Nội được mệnh danh là “Đất trăm nghề”, có tổng số làng nghề chiếm 56% cả nước. Thành phố có 1.350làng nghềvà làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã.
Do đó, việc bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hoá – nông nghiệp – nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế đa giá trị cho người dân là hướng đi quan trọng của TP. Bảo tồn, phát triển làng nghề không chỉ là bảo vệ không gian văn hoá mà còn là sự kết hợp linh hoạt với chính sách phát triển nông thôn mới.
Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của các làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ, lao động yếu thế.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất hoạt động tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Hội nghị đã tiếp nhận, tổng hợp và giải quyết câu hỏi của 3 nhóm vấn đề: quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu vàliên kết vùng nguyên liệu.
Tích hợp làng nghề vào quy hoạch chung của thủ đô
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội hiểu rằng những nhóm kiến nghị, đề xuất nêu trên là những gợi ý về giải pháp có tính thực tiễn gửi gắm các cấp, các ngành của thủ đô.
TP đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi, là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thủ đô bền vững.
TP cũng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, với hệ giá trị cốt lõi: “Chính quyền phục vụ – Doanh nghiệp cống hiến – Xã hội niềm tin – Người dân hạnh phúc”.
Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, thủ đô đang tiến hành lập 2 đồ án: Đồ án Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong đó có những định hướng mới, điều chỉnh về phạm vi phát triển đô thị và nông thôn, trọng tâm bảo tồn các di sản, làng nghề, làng truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên, giá trị kinh tế, gắn với du lịch, dịch vụ thương mại.
Cùng với đó, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề thành nơi trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề hình thành không gian du lịch văn hóa kỹ nghệ nghề truyền thống. Hình thành trung tâm giới thiệu và triển lãm các sản phẩm thủ công kỹ nghệ nghề thủ công truyền thống mang tầm quốc tế. Phân định rõ không gian khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, giữ quỹ đất sạch dự phòng cho phát triển trong tương lai.
Phát triển công nghiệp làng nghề truyền thống, hình thành các sản phẩm văn hóa kỹ nghệ, hình thành không gian giới thiệu sản phẩm nghề thủ công kỹ nghệ gắn với văn hóa truyền thống, có tính chất thu hút du lịch và cạnh tranh quốc tế cao. Phát triển không gian nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp theo mô hình làng nông nghiệp đô thị; hình thành mô hình “làng trong phố”, mô hình làng truyền thống Bắc bộ, mô hình không gian văn hóa làng nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống…
Đồ án Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 139/TTr-UBND ngày 17/5/2024 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 140/TTr-UBND ngày 17/5/2024.