Tại sự kiện quan trọng này, tỉnh Yên Bái cũng tổ chức công bố Quy hoạch chung xây dựngKhu du lịch quốc gia hồ Thác Bàđến năm 2040.
Dự lễ công bố có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, lãnh đạo nhiều ban, bộ ngành Trung ương.
Huyện Yên Bình nằm ở phía Đông Nam tỉnh Yên Bái, hiện nay huyện đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn, miền núi, cuộc sống người dân đổi thay tích cực.
Cùng với nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là đòn bẩy cho nền kinh tế của huyện. Với 1 cụm công nghiệp đã hình thành, 3 cụm công nghiệp đang đầu tư, các cơ sở sản xuất may mặc, chế biến gỗ rừng trồng, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và sản xuất hàng tiêu dùng giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động tại địa phương.
Hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư khang trang, đồng bộ với gần 90% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 4,52%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm, tăng 16 triệu đồng so với 4 năm trước; chỉ số hạnh phúc của người dân ngày một nâng cao.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trao quyết định công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nông nghiệp cuốc xới đã xuất hiện ở Yên Bình từ hàng nghìn năm trước đây cùng với các dấu tích của cư dân Việt cổ… Đồng ruộng phì nhiêu, đất đai màu mỡ, con người giàu kinh nghiệm thâm canh lúa nước… Biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc đã chung lưng đấu cật khai phá núi đồi để lập nên những bản làng, cánh đồng bát ngát, phì nhiêu.
Tiếp nối truyền thống hào hùng, yêu lao động, trọng nghề nông, Đảng bộ, chính quyền, bà con các dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao, Nùng, Cao Lan… huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái ngày nay luôn chung sức, chung lòng tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho làng quê thêm bình yên, đáng sống.
Bộ trưởng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân sự kiện công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới và công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.
“Từ xuất phát điểm còn nhiều trở ngại, khó khăn, huyện Yên Bình kiên trì thực hiện, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Huyện đã phát triển được đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, lan tỏa mô hình du lịch cộng đồng tại vùng hồ Thác Bà với 30 điểm lưu trú cộng đồng, 18 câu lạc bộ và 8 đội văn nghệ dân gian giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc trưng. Nhiều mô hình liên kết sản xuất ghi nhận hiệu quả kinh tế cao, gần 11.000 ha rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững. Hoạt động xây dựng cảnh quan môi trường được quan tâm thực hiện.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái cần quan tâm tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp đa giá trị, gắn với triết lý phát triển bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Kiên trì mục tiêu phát triển bao trùm, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa – môi trường, giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc.
Nhân sự kiện này, Quy hoạch chung Xây dựng Khu du lịch quốc gia là động lực phát triển của huyện Yên Bình, là định hướng mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn tích hợp đa giá trị, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với du lịch, làng nghề truyền thống. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả cần sớm được cụ thể hóa.
“Viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc” không chỉ là cảnh quan, mà còn chuyển tải chuyện kể xúc động về những con người đã miệt mài xây nên công trình thủy điện Thác Bà – biểu tượng của tinh thần bất khuất, khát vọng vươn lên, “biến những điều không thể thành điều có thể” của những thế hệ người Yên Bình, Yên Bái.
Giá trị của du lịch gắn nông nghiệp – nông thôn không đơn thuần mang lại sinh kế, thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Đó là tạo ra sự năng động của cộng đồng dân cư. Đó là kích hoạt sự hội tụ, lan toản, tiếp biến các giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc. Hồ thủy điện với sinh cảnh tuyệt đẹp, kết hợp nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm thực tế sẽ góp phần tạo nên giá trị mới gấp nhiều lần.
Giá trị mới được tạo nên bởi cộng đồng dân cư nông thôn Yên Bình vừa đôn hậu, hiếu khách, vừa cần mẫn sản xuất, năng động tham gia kinh tế dịch vụ. Giá trị mới được tạo nên nhờ tinh thần gắn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, cùng nhau giữ gìn hồn quê, trân quý màu xanh thiên nhiên.
Một chuyên gia đã đúc kết: “Khi chỉ nhìn vào một thứ, đôi khi chúng ta đã bỏ qua những thứ khác có giá trị hơn nhiều lần”. Lối đi ngay dưới chân mình, người Yên Bình, người Yên Bái đã nhìn được và đang biến những tài nguyên bản địa, bản sắc các dân tộc, kết hợp với công nghệ và khát vọng tạo ra những sản phẩm OCOP độc đáo, đặc trưng”, Bộ trưởng xúc động nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, địa phương sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Yên Bình nói riêng sẽ tiếp tục đoàn kết đồng lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực, tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh Yên Bái theo đúng quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt.
Trong đó, xây dựng huyện Yên Bình trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của tỉnh và của vùng; xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành điểm đến bản sắc, hấp dẫn mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành 1 trong 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.