Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn Nghệ An chiếm tỷ lệ cao, đây là nguyên nhân chính dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi.
5 năm qua dịch giã leo thang khiến người chăn nuôi trải qua nhiều phen điêu đứng, đây là thực trạng chung tại các huyện trọng điểm như Yên Thành, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn…
Tiềm lực kinh tế hạn hẹp nên các hộ rất trông mong vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước để sớm tái đàn trở lại. Thấu hiểu tâm lý đó, các huyện đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT về hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục để chủ động rà soát, thống kê và hoàn thiện hồ sơ nhằm tạo hành lang pháp lý cần thiết.
Ghi nhận tại huyện Nghi Lộc, năm 2021 tiêu hủy 2.545 con, năm 2022 tiêu hủy 237 con, năm 2023 tiêu hủy 489 con, từ đây huyện này đề nghị hỗ trợ hơn 8,7 tỷ đồng. Con số này chưa hẳn đến tay người nuôi 100% nếu chiếu theo yêu cầu mới nhất của Sở Tài chính với lý do không công bố đầy đủ các điểm dịch.
Hỏi ra được biết, năm 2021 toàn huyện Nghi Lộc có 27 xã, thị trấn xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên 13 đơn vị (Quán Hành, Nghi Yên, Nghi Diên, Nghi Kiều, Nghi Xá, Nghi Tiến, Phúc Thọ, Khánh Hợp, Nghi Thạch, Nghi Thái, Nghi Xuân, Nghi Phong, Nghi Văn) không ban hành quyết định công bố dịch.
Năm 2022 diễn biến cũng tương tự khi 13/15 xã không công bố dù có đầy đủ phiếu kết quả xét nghiệm dương tính dịch tả lợn Châu Phi. Sang đến năm 2023 chỉ duy nhất xã Nghi Tiến mà thôi.
Lý giải nguyên nhân, huyện Nghi Lộc cho rằng mức độ dịch ở các xã mang tính nhỏ lẻ, các xóm có dịch không nằm trong nguy cơ cao, dịch lại xảy ra ngắt quãng, tùy từng thời điểm (đầu năm, giữa năm, cuối năm) chứ không kéo dài xuyên suốt; số hộ xảy ra dịch hạn chế (1 đến 6 hộ, hoặc1 đến 9 hộ) nên không nhất thiết phải công bố.
Mặt khác ngay khi tiếp nhận thông tin có dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền các cấp đã huy động mọi nguồn lưc, khẩn trương áp dụng các biện pháp ứng phó trên diện rộng.
Nội dung trên không phải hẳn là câu chuyện của riêng Nghi Lộc mà là nỗi niềm chung của nhiều huyện trong diện liên đới. Số liệu đã được báo cáo ngọn ngành nhưng Sở Tài chính Nghệ An yêu cầu phải tách bạch, rõ ràng.
Được biết, sau khi tiếp nhận Văn bản của Sở NN-PTNT về việc đề nghị xem xét, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cấp kinh phí hỗ trợ bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục cho 21 huyện, thành, thị trên địa bàn với tổng mức hơn 131 tỷ đồng.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và các văn bản pháp lý, Sở Tài chính nhận thấy một số địa phương, đơn vị chưa đủ điều kiện (chủ yếu thiếu quyết định công bố dịch của cấp có thẩm quyền và cơ sở pháp lý để làm căn cứ hỗ trợ kinh phí chỉ đạo, kinh phí tiêu hủy…) để được hỗ trợ.
Từ đây Sở Tài chính đề nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát lại tất cả các hồ sơ gắn liền với các nội dung và nhiệm vụ chi, qua đó sớm bổ sung, hoàn thiện để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mong muốn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu bò trong giai đoạn 2021 – 2023, ngày 23/7/2024 Sở NN-PTNT Nghệ An đã có Công văn đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành theo hướng dẫn của Sở Tài chính.