Giảm quỹ đất ở để bổ sung đất thủy lợi
Hồ chứa nước Bản Mồnglà công trình trọng điểm Quốc gia, được Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương thuộc vùng dự án đặc biệt quan tâm. Để hoàn thành các phần việc được giao và đưa dự án cán đích đúng kế hoạch đề ra, ngay sau cuộc họp với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, sáng nay (13/7), UBND tỉnhThanh Hóađã họp và tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai dự án.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, tổng nhu cầu đất thủy lợi để thực hiện hợp phần dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 681ha. Đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa mới bố trí được hơn 382ha đất thủy lợi (tương ứng cao trình +71,86m đến cao trình +76,4m vùng lòng hồ). Như vậy, dự án còn thiếu gần 300ha đất thủy lợi.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, việc chậm bổ sung đất thủy lợi cho dự án sẽ dẫn đến việc phải tổ chức giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thanh lý rừng trong khu vực lòng hồ thành hai đợt, từ đó phát sinh kinh phí cho việc cắm mốc, trích đo. Do đó, Sở đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí đủ chỉ tiêu đất thủy lợi còn thiếu của dự án trước tháng 8/2024.
Cũng theo Sở NN-PTNT, hiện nay đơn vị đang băn khoăn về việc xác định đây là dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư hay dự án khu tái định cư; đồng thời chưa xác định được đơn vị có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án.
Về nội dung bố trí đất thủy lợi cho dự án, Sở TN-MT Thanh Hóa cho biết, hiện nay, đơn vị đã có văn bản gửi các huyện, rà soát chỉ tiêu sử dụng đất, quỹ đất đã phân bổ, làm căn cứ để bố trí quỹ đất hợp lý cho dự án. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị vẫn chưa có báo cáo.
Đại diện Sở TNMT Thanh Hóa dự kiến đề xuất phương án giảm chỉ tiêu đất ở đã phân khai tại các địa phương để đưa vào đất thủy lợi. Toàn tỉnh hiện có hơn 4,8 nghìn ha đất ở đô thị và nông thôn. Sở TN-MT sẽ giảm chỉ tiêu này để chuyển sang đất thủy lợi. Đối với các huyện có chỉ tiêu đất ở đang còn lớn, Sở sẽ báo cáo tỉnh để cân đối và nhường đất cho dự án”, đại diện Sở TN-MT cho hay.
Không thể chậm trễ
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ nay tới 30/9, khối lượng công việc còn khá nhiều, do đó, các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thực hiện đúng kế hoạch đền bù, tái định cư, tạo điều kiện để dự án thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Ông Giang giao Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thực hiện dự án. Sở NN-PTNT cử cán bộ phối hợp với cơ quan của Bộ, huyện Như Xuân, các ngành có liên quan để triển khai đúng phần việc được giao; cử cán bộ phối hợp với huyện Như Xuân thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguyên tắc: Người dân nhường đất cho dự án và di chuyển chỗ ở phải có cuộc sống tốt hơn so với nơi họ đang ở. Hàng tuần, báo cáo tiến độ dự án cho UBND tỉnh nắm bắt và chỉ đạo thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở TN-MT Thanh Hóa khẩn trương tham mưu, báo cáo UBND tỉnh bố trí chỉ tiêu đất thủy lợi, bằng việc điều chuyển chỉ tiêu đất tại các địa phương để bố trí đủ đất thực hiện dự án. Việc điều chuyển này tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; không làm xáo trộn tình hình. Thời gian báo cáo tỉnh trước 22/7.
UBND huyện Như Xuân nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo triển khai dự án. Tỉnh thống nhất chuyển toàn bộ hợp phần đền bù, tái định về cho huyện Như Xuân làm chủ đầu tư. Hàng tuần, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai phần việc được giao thông qua Sở NN-PTNT.
Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa tham mưu văn bản điều chỉnh chủ đầu tư dự án trước ngày 18/7 để có căn cứ thực hiện các nhiệm vụ khác. Sở NN-PTNT phối hợp với Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) khẩn trương tham mưu để lãnh đạo Bộ điều chỉnh Quyết định số 532/QÐ-BNN-XD ngày 7/2/2024, trong đó đề nghị phân khai cụ thể về kinh phí trồng rừng thay thế, hỗ trợ đền bù; xây dựng khu tái định cư; điều chỉnh chủ đầu tư dự án từ Sở NN-PTNT sang UBND huyện Như Xuân.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng gửi lời cảm ơn với lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam đã tạo điều kiện nhường đất để Thanh Hóa triển khai kế hoạch tái định cư cho người dân.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa nhấn mạnh, người dân đã chờ đợi quá lâu để triển khai đền bù, tái định cư. Do đó, lãnh đạo Sở yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương, vào cuộc rốt ráo để thực hiện các phần việc tại hợp phần dự án theo nguyên tắc: Lo đền bù tái định cư cho người dân cũng như lo cho chính cuộc sống của gia đình mình. Chậm dự án ngày nào thì dân vất vả thêm ngày đó.
Ông Cường giao Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa phối hợp cử cán bộ hỗ trợ UBND huyện Như Xuân đẩy nhanh việc thanh lý rừng, đáp ứng yêu cầu dự án đề ra; phối hợp chi trả chế độ trồng rừng thay thế cho người dân đúng đối tượng, đủ số lượng…