“Cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Nhật Bản là rất lớn” – ông Ito Naoki – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết như vậy trong khuôn khổ Diễn đàn Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam – Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội mới đây.
“Cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Nhật Bản là rất lớn” – ông Ito Naoki – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết như vậy tại hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường” do Bộ NNPTNT phối hợp với Dự án Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Nhật Bản (ABJD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức mới đây.
Tiềm năng xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản rộng mở
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch hợp tác (Bộ NNPTNT) khẳng định, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn, nhu cầu cao gấp 10 lần thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, trong khi lao động làm nông nghiệp ở Nhật đang giảm đi. Vì vậy, cơ hội để nông sản Việt thâm nhập vào thị trường Nhật Bản là rất lớn, đặc biệt là những loại nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật, có chất lượng cao và uy tín.
Theo ông Tuấn, kể từ năm 2014 đến nay, quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản đã có những chuyển biến mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn thể hiện thông qua các cuộc đối thoại cấp cao.
Tiêu biểu là Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản lần thứ nhất (năm 2014) xác nhận thành lập tầm nhìn trung và dài hạn về thành lập chuỗi giá trị lương thực tại Việt Nam; Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản lần thứ hai (2015) tổ chức tại Tokyo đã chấp thuận và ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn 1 (2015-2019)”… Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5 (2020) tiếp tục ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2 (2020-2024) và hiện tại đang lên kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và triển khai Tầm nhìn hợp tác nông nghiệp giai đoạn tiếp theo 2025-2028.
Theo Bộ NNPTNT, hiện nay thị trường Nhật Bản mới chỉ chiếm 7,4% tỷ trọng tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam chiếm 1,1% thị phần sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Nhật Bản. Về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản hiện đứng thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với khoảng 45 dự án.
Là doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản, ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii cho biết, thị trường Nhật Bản thực sự còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, uy tín và còn là nơi góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân Việt Nam, chuyển từ cách làm ăn manh mún không theo tiêu chuẩn sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
Nhật Bản là thị trường có nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe, khi chúng ta vượt qua được các rào cản đó thì mặc nhiên các thị trường khác sẽ công nhận sản phẩm của chúng ta, mở ra cơ hội bán hàng cho các thị trường khác.
“Ngay sau khi ký kết hợp tác với Công ty TNHH Next Farm, chúng tôi sẽ xúc tiến các công việc để đưa nông sản Việt Nam lên kệ siêu thị ở Nhật Bản. Để làm được việc này, chúng tôi đang cùng bà con nông dân, HTX kiểm soát chặt chẽ các khâu trong sản xuất, đáp ứng các tiêu chí về dư lượng thuốc BVTV, mẫu mã và chất lượng” – ông Tiến nói.
Hiện Công ty CP Ameii đang xuất khẩu hơn 10 mặt hàng sang thị trường Nhật, trong đó chủ yếu là vải thiều, dừa tươi, sầu riêng, cà rốt…
“Điều chúng ta có thể tự hào là vải thiều, sầu riêng đang được khách hàng Nhật đánh giá rất cao. Trung Quốc, hay Thái Lan cũng xuất khẩu vải và sầu riêng sang Nhật, nhưng người tiêu dùng Nhật vẫn thích sản phẩm Việt Nam vì có mùi vị đặc trưng” – ông Tiến cho biết thêm.
Tăng cường sự kết nối trong chuỗi
Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan bày tỏ sự tâm đắc với cách thức sản xuất nông sản của nông dân nước Nhật và mong muốn nông sản Việt sẽ đạt được những tiêu chuẩn chất lượng cao, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia nước bạn để ngày càng vươn xa.
“Cảm ơn tổ chức JICA đã liên tục, nhiều năm có chương trình phối hợp với Bộ NNPTNT, hỗ trợ nông dân Việt Nam làm ra hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu. Đây không chỉ là câu chuyện chỉ tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Aeon Mall tại Việt Nam, mà với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản thì nông sản Việt Nam sẽ đến được với thị trường Nhật Bản nhiều hơn nữa và có thể đi xa hơn nữa trong hệ thống Aeon ở khắp thế giới” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diễn đàn hợp tác nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam – Nhật Bản lần này hướng đến chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mạng lưới kết nối, tạo dựng một hệ thống thông tin liên lạc hiệu quả giữa nông dân, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối nông sản, bao gồm việc sử dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ blockchain để theo dõi sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng, hay các ứng dụng di động để kết nối nông dân với thị trường.
“Thông qua các giải pháp này, chúng ta có thể tăng cường sự kết nối trong chuỗi cung ứng nông sản, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường Nhật Bản nói riêng và quốc tế nói chung, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam” – ông Thanh nhấn mạnh.
Về các giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản bền vững, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Khắc Tiến khẳng định, không riêng gì Ameii mà bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nào cũng phải nằm lòng một bài học, đó là mình muốn tham gia sân chơi lớn, muốn sản phẩm của mình đến được nhiều thị trường thì bắt buộc phải tuân thủ “luật chơi” của người ta, phải thực sự sẵn sàng trước khi bước vào “sân chơi” đó.
“Tất cả phải đi cùng nhau, nông dân, doanh nghiệp và các mắt xích trong chuỗi tùy vai trò của mình phải phát huy sự gắn kết hơn nữa. Đặc biệt các cơ quan báo chí cũng cần hỗ trợ truyền thông để đưa thương hiệu nông sản Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa” – ông Tiến nói.
Minh Huệ
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn