Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí liên quan đến giáo dục đó là tiêu chí 5 về trường học và tiêu chí 14 về giáo dục. Để góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua tỉnh đã quan tâm đến việc tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển mạng lưới trường lớp học, góp phần tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh Nghệ An.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục, gồm: Tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Theo đó, xã đạt tiêu chí số 5 khi có 70% trở lên số trường (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, TH&THCS) trên địa bàn xã có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 khi đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2 trở lên, xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt 70% trở lên. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi có tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia từ 60% trở lên.
Triển khai thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới, ngành giáo dục và đào tạo đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, của địa phương; tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn theo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia; thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học,…
Hàng năm ngành giáo dục và đào tạo đã tham mưu, tổ chức thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đến nay đã đạt vượt cận dưới mục tiêu kế hoạch đến năm 2025 (75%); góp phần thực hiện tốt tiêu chí về trường học trong các bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện. Trong 10 tháng đầu năm 2024 (đến 31/10), toàn tỉnh đã kiểm tra và đề nghị công nhận 188 trường (55 trường MN, 72 trường TH, 49 trường THCS và 12 trường THPT), trong đó công nhận mới 30 trường đạt chuẩn quốc gia (14 trường MN, 4 trường TH, 12 trường THCS); công nhận lại và nâng chuẩn 158 trường (41 trường MN, 68 trường TH, 37 trường THCS và 12 trường THPT). Dự kiến, kết thúc năm 2024, sẽ công nhận được 258 trường; luỹ kế, tổng số trường học đang đạt chuẩn quốc gia là 1166 trường, đạt tỷ lệ 80% (trong đó có 269 trường đang đạt chuẩn mức độ 2).
Xây dựng môi trường giáo dục toàn diện
Chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được nâng cao; đến nay có: 454 đơn vị cấp xã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (6 đơn vị chưa đạt: Vinh 1; Diễn Châu 2; Đô Lương 1; Anh Sơn 1; Nam Đàn 1); có 460/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 2 Xoá mù chữ; có 460/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3 Phổ cập giáo dục tiểu học; có 460/460 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 2 Phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 11 đơn vị cấp huyện và 408 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3.
Chất lượng giáo dục toàn diện thực sự khẳng định vị trí tốp đầu cả nước, thông qua kết quả các kỳ thi, cuộc thi quốc gia, quốc tế: Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024, Nghệ An tiếp tục xếp thứ 4 toàn quốc, có 90 em đạt giải (trong đó, 8 giải Nhất, 38 giải Nhì, 33 giải Ba, 11 giải Khuyến khích); Có 06 học sinh đoạt Huy chương khu vực, khu vực Quốc tế (1 Huy chương Đồng Olympic Vật lý Châu Á (APhO), 01 Huy chương Bạc, 01 Huy chương Đồng Kỳ thi Olympiad Hóa học quốc tế Mendeleev, 02 Huy chương Đồng Olympiad sinh học Quốc tế và Huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Âu). Đoàn học sinh Nghệ An xếp thứ 5 về tổng số Huy chương (với 47 huy chương Vàng, 39 huy chương Bạc, 65 huy chương Đồng), xếp trong tốp 10 tỉnh thành xuất sắc nhất Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, đạt tổng điểm chung cuộc 2557 (xếp thứ 8), tổng điểm khu vực 1.278 (xếp thứ nhất). Đạt giải cao tại cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, với 1 giải Nhất, 9 giải Ba và 45 giải KK dành cho học sinh trung học.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được xếp vị thứ 12 trên 63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm 2023 (Điểm trung bình của Nghệ An là 6,959 điểm); toàn tỉnh có 504 điểm 10 các môn thi, có 1.389 thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ và đạt điểm 10 xét tốt nghiệp.
Việc đầu tư xây dựng trường chuẩn sẽ tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng dạy học và triển khai các tiết học về kỹ năng
Chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định, kết quả thi tốt nghiệp THPT liên tục tăng so với các tỉnh: năm 2024, Nghệ An đạt vị thứ 12/63 tỉnh, tăng 10 bậc so với năm 2023; đứng thứ 4 cả nước với 90 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023-2024 (trong đó có 8 giải Nhất, 38 giải Nhì, 33 giải Ba và 11 giải Khuyến khích); có 845 học sinh đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2023 – 2024.
Những kết quả trên cộng với sự quan tâm đầu tư đúng mức cho tiêu chí giáo dục đã tạo bước đi vững chắc trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đến hết 31/10/2024 toàn tỉnh có 320/411 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới (trong đó có 101 xã đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, có 9/20 địa phương cấp huyện đạt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục đó là xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc; xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn; xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn và xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới còn một số khó khăn; đa số các xã thiếu quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết khuôn viên từng nhà trường phù hợp với tổng thể và khu vực phục vụ hoạt động của cấp học, đặc biệt chưa dành nhiều diện tích khuôn viên cho hoạt động phát triển phẩm chất năng lực học sinh; công tác phổ cập, nâng cao chất lượng dạy và học vùng miền núi còn nhiều khó khăn; hiện nay tuy đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục nhưng cần có cơ chế chính sách đồng bộ để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động nguồn lực để đảm bảo mục tiêu về phổ cập giáo dục, tổ chức hoạt động trải nghiệm, rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh;…
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thiếu so với quy định, hiện nay, so với định mức số người làm việc thì toàn tỉnh còn thiếu hơn 6.700 biên chế. Chia ra các cấp học thì mầm non thiếu hơn 1.500 người, tiểu học thiếu hơn 2.400 người, THCS thiếu hơn 1.700 người, THPT thiếu 526 người. Vì vậy, để đáp ứng đủ giáo viên cho năm học 2024 – 2025, Tỉnh đang trình Trung ương bổ sung hơn 6.500 biên chế cho các cấp học.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh, Nghệ An cần:
Thứ nhất, tập trung triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng miền núi, đề án đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, kế hoạch chuyển đổi số ngành giáo dục, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đến năm 2030.
Thứ hai, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng kế hoạch kiểm tra, công nhận trường chuẩn quốc gia; tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các đơn vị; tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp phòng học đạt tiêu chuẩn trước (nhất là phòng học phát triển năng lực), theo yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo quy định trường chuẩn.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội và phụ huynh, gia đình học sinh, xây dựng môi trường lành mạnh để quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng tiêu chí mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, phấn đấu đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ mẫu giáo 4 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (các huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đạt mức độ 3).
ThS. Hoàng Đình Ngọc
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn