Ðể khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương đã thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, với chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hình thành những cánh đồng lớn.
Từ nhiều năm qua, Thái Bình là tỉnh có trình độ thâm canh lúa trong tốp đầu cả nước. Việc hình thành các đại điền trong khoảng bảy năm gần đây không những giúp địa phương này giữ vững sản lượng lúa gạo khoảng 1 triệu tấn/năm mà còn tạo ra lớp nông dân mới để đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Ông Đỗ Văn Dân ở xã Vũ Quý (huyện Kiến Xương) là một chủ đại điền có tiếng, đồng thời cũng là Chủ tịch CLB đại điền tỉnh Thái Bình. Hiện, ông Dân có khoảng 30 ha ruộng từ việc thuê mượn của hộ dân không có nhu cầu sản xuất để cấy lúa.
Theo ông Dân, quy trình cấy một giống lúa trên diện tích lớn, kết hợp đưa khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào các khâu sản xuất đã khẳng định trồng lúa là có lãi. Tính ra, cứ 1 sào lúa ông lãi 600.000 đồng.
Tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, với tổng diện tích hơn 8.000 ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Qua rà soát, có 1.511 hộ tích tụ quy mô dưới 5 ha; 324 hộ tích tụ được từ 5 – 10 ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10 ha.
Huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư và Kiến Xương là những nơi có phong trào tích tụ đất khá sôi động, với hơn 1.000 ha/địa phương và liên kết, sinh hoạt cùng nhau thông qua CLB đại điền.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình, việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất đã tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha; đồng thời tạo thuận lợi để người dân đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, bảo quản; bảo đảm sản lượng, tỷ lệ đồng đều về chất lượng, mẫu mã nông sản cao, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết.
Sau một năm thành lập và hoạt động, CLB Đại điền Hải Phòng đã có 108 thành viên từ tất cả các huyện trên địa bàn, tổng diện tích sản xuất hơn 3.000ha. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch CLB Đại điền Hải Phòng cho biết, hiện các thành viên CLB đã có 6 máy cày, 8 máy cấy, 6 máy bay phun thuốc, 4 máy gặt, 5 giàn gieo mạ, 5 máy sấy công suất từ 5-10 tấn.
“Trước đây, mỗi vụ mùa, người thừa mạ, người thiếu mạ, người có máy này, người có máy kia,… Từ khi CLB Đại điền thành lập, qua nhóm Zalo, anh em thừa thiếu gì thì báo lên nhóm,… phương án phun thuốc ốc, phun thuốc bảo vệ thực vật thế nào thì anh em đều chia sẻ với nhau. Bên cạnh đó, tham gia CLB được doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống và thu mua sản phẩm nên các thành viên yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, CLB Đại điền là mô hình sản xuất nông nghiệp mới, được thành lập năm 2023 với mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có giá trị kinh tế cao. Ban đầu chỉ mấy chục thành viên nhưng chỉ sau một năm đã phát triển mạnh mẽ, số lượng người dân trồng lúa tham gia CLB ngày càng đông.
Lưu Vĩnh Sơn là vựa lúa của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), tuy nhiên do lịch sử để lại cả mấy chục ngàn mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, thửa cao, thửa thấp, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất, nên phải sử dụng hơn 80% sức người khi cày cấy, thu hoạch vì cơ giới hóa khó tham gia; lượng vật tư, phân bón tốn kém; năng suất lúa, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích hạn chế…
Những năm gần đây HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (HTX Bắc Sơn), xã Lưu Vĩnh Sơn đã thuê lại những diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ của 154 hộ dân xứ đồng Thiên Đình với tổng diện tích hơn 50 ha để xây dựng cánh đồng lớn. Đây là mô hình dồn điền đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai theo cơ chế này.
Ông Trần Hậu Nhân, Giám đốc HTX Bắc Sơn cho hay: “Chưa bao giờ nông dân làm ruộng khỏe như bây giờ. Công đoạn cày, gặt, phun thuốc BVTV đều có máy móc, công nghệ. Bà con chỉ mất vài ngày gieo sạ và bón phân”. Không những thế, hệ thống đường nội đồng mở rộng, kênh mương được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch.
Năng suất lúa trên cánh đồng HTX đang sản xuất bình quân đạt 6,5 tấn/ha lúa tươi, tăng 0,8 tấn/ha so với khi chưa chuyển đổi; chi phí làm đất và thu hoạch sau khi chuyển đổi giảm 800 ngàn đồng/ha; diện tích đất sản xuất sau khi phá bỏ bờ thửa tăng từ 53,8ha lên 55ha. “Sau khi thực hiện tích tụ ruộng đất, phá bỏ ô thửa nhỏ hình thành cánh đồng lớn, tổng doanh thu vụ lúa xuân bình quân của HTX đạt hơn 1,8 tỷ đồng/vụ (tính theo năng suất bình quân 6,5 tấn/ha và giá lúa tươi 5.300 đồng/kg); lợi nhuận gần 500 triệu đồng”, ông Nhân nhẩm tính.
Rõ ràng những lợi ích mà phong trào đại điền mang lại không chỉ là nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân mà trên hết còn giúp khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai – một trong những điều kiện tiên quyết để có được nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Nghị quyết số 19-NQ/TW BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ: Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa…; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất…
Tuy nhiên, quá trình tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Nhiều ruộng đất vẫn bị bỏ hoang vì người nông dân canh tác không hiệu quả, nhưng để cho doanh nghiệp thuê lại hoặc chuyển đổi đất sản xuất thì người nông dân lại không yên tâm.
Trong bối cảnh đó, Luật Đất đại 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024) được xem như bước ngoặt mang tính đột phá cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 có quy định rõ, tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Còn tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học-công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất.
Theo nhận định của các chuyên gia, những chính sách mới của Luật Đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Các chuyên gia cho rằng những quy định mới liên quan đất nông nghiệp của Luật Đất đai sẽ tăng khả năng kêu gọi đầu tư, nhất là những doanh nghiệp lớn đầu tư khoa học-công nghệ vào nông nghiệp. Người dân có nhiều lựa chọn để gia tăng giá trị đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất. Ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mới mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân.
Luật Đất đai mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương; đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được kết hợp thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu…
Nguyễn Tố
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn