Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức Hội thảo “Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê” nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững.
Sáng ngày 28/10, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê”.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, nông dân, người sản xuất cà phê và các đối tác liên quan về thực trạng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay và ảnh hưởng của thuốc đến môi trường.
Hội thảo cũng giúp người làm cà phê nắm vững được các biện pháp thu gom và quản lý chất thải trong sản xuất cà phê, nâng cao vai trò trách nhiệm trong vấn đề sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón, nước tưới,…) trong sản xuất cà phê góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Theo ông Tô Việt Châu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đạt 4,18 tỷ USD trong năm 2023. Đây là ngành hàng đóng góp đáng kể tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập của các hộ gia đình nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Châu, trong những năm gần đây, do tình trạng thiếu lao động và chi phí sản xuất gia tăng đã dẫn đến việc người sản xuất cà phê sử dụng thuốc diệt cỏ nhiều hơn đã ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Việc sử dụng nông dược/vật tư đầu vào không đúng cách vẫn còn phổ biến trong sản xuất cà phê, người nông dân vẫn đang sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm hoặc không có trong danh mục cho phép của Bộ NNPTNT. Cùng với đó, việc thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê, bao gồm các loại vỏ, bao bì, thùng chứa vật tư nông nghiệp như các loại phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối khi những loại rác thải này được xả thẳng ra môi trường và nguồn nước.
Trong khi đó, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, bà Nguyễn Thị Hoài cho hay, trong năm 2022, cả nước đã thu gom được hơn 400.000kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Trong đó, đã xử lý hơn 215.000kg theo phương pháp đốt đúng quy định; hơn 35.000kg tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương. Hơn 16.000kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được xử lý tiêu hủy.
Công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặc biệt quan tâm. Đã có 48/63 tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; 42/63 tỉnh, thành phố có 57.910 bể thu gom.
Tại một số địa phương, tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế phụ phẩm cây trồng vẫn còn thấp. Lượng rác thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn, việc giảm thiểu và lựa chọn các vật liệu thay thế chưa có tính khả thi.
Tại tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Hà Lộc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng đã sử dụng khoảng 3.400 tấn thuốc bảo vệ thực vật để quản lý dịch hại trên các loại cây trồng. Với lượng thuốc sử dụng trên đã phát sinh tương ứng khoảng 170 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm.
Đối với cây cà phê, phụ phẩm từ vỏ quả cà phê là hơn 210.000 tấn được ủ làm phân bón tạo ra khoảng 145.000 tấn phân bón hữu cơ đáp ứng yêu cầu sản xuất sạch. Chính vì vậy, để tiếp tục khắc phục những tồn tại trong việc xử lý các chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cà phê nói chung, ông Lộc cho rằng, cần phải đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Khoa – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nước thải nông nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm như đạm, nitrat, phosphat, thuốc trừ sâu và vi khuẩn gây hại, có thể gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật sống.
Ngoài ra, các loại hóa chất trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học của người dân đã gây ra mất cân bằng trong hệ vi sinh đất. Điều này dẫn đến tình trạng đất ngày càng khô cằn và mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng có sẵn trong đất. Kết quả là, sản phẩm nông nghiệp từ việc trồng trọt không đáp ứng được yêu cầu chất lượng mong muốn.
Vì vậy, để giảm thiểu chất thải trong sản xuất cà phê nhằm hướng đến phát triển bền vững, cần nâng cao nhận thức của các bên: Thu gom; vận chuyển; phân loại, xử lý; tái sử dụng. Trong đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất nông nghiệp trong việc quản lý, xử lý chất thải trong sản xuất cà phê; không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để chứa đựng sản phẩm; vỏ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; rác phải được thu gom và phân loại đúng cách, được chuyển giao cho đơn vị chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại…
Văn Long
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn