Năm 2017, huyện Hoài Đức được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Kể từ khi đạt chuẩn, huyện Hoài Đức tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với hoàn thành các tiêu chí huyện thành quận. Song hành thực hiện hai mục tiêu, đến nay, diện mạo Hoài Đức đã có đổi thay rõ rệt, nông thôn mang vóc dáng của một đô thị văn minh, hiện đại.
Đủ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao
Gần 15 năm liên tục, Yên Sở là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Hoài Đức. Với hành trình không có điểm dừng, Yên Sở hôm nay đã có nhiều đổi thay. Hệ thống đường giao thông được đầu tư mở rộng, các trục đường chính đều được trải nhựa. Trạm y tế, nhà văn hóa, các vườn hoa, công viên được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Bá Trường Yên, xác định giáo dục và đào tạo là một trong những tiêu chí quan trọng, xã đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống trường lớp. Đến nay, các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trong đó Trường Mầm non Yên Sở đạt chuẩn mức độ 2, với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Tại xã Lại Yên, thiên nhiên ban tặng cho địa phương một con đầm dài 1,4km chạy giữa làng. Trước đây, hai bên bờ đầm, các hộ dân lấn chiếm, xả nước thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, gây ô nhiễm nguồn nước. Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã đề nghị huyện đầu tư ngân sách, cải tạo đầm Lại Yên với tổng kinh phí đầu tư 40 tỷ đồng. Dự án đã kè, làm đường giao thông, xây dựng hệ thống rãnh thu nước thải sinh hoạt riêng, không xả nước thải xuống đầm, lắp hệ thống chiếu sáng, xây các bồn trồng cây xanh quanh bờ đầm tạo nên một cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp. Kể từ đó đến nay, việc chỉnh trang, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường khu vực xung quanh đầm làng đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Đình Bảo, người dân xã Lại Yên phấn khởi chia sẻ: “Đầm làng được cải tạo khiến người dân chúng tôi cũng được thụ hưởng chất lượng sống cao hơn hẳn trước đó. Cho nên, chúng tôi đều vui vẻ, tự nguyện chăm sóc cảnh quan quanh đầm Lại Yên”.
Tương tự, huyện Hoài Đức có tuyến đê Tả Đáy chạy qua 9 xã. Làm đẹp cho không gian làng quê, huyện đã xây dựng và duy trì 19,3km tuyến đê kiểu mẫu nở hoa, với sự tham gia nhiệt tình của nhiều lực lượng, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, học sinh… Đáng chú ý, kinh phí để xây dựng các tuyến “đê hoa” được nhân dân xã hội hóa lên tới hơn 3 tỷ đồng để cải tạo đất, đầu tư cây giống. Sau khi tuyến đê được “khoác áo mới”, các hộ dân sinh sống ven đê rất phấn khởi, tự nguyện chăm sóc, tưới cây hằng ngày. Hằng tuần, hội viên phụ nữ tổ chức nhổ cỏ, tổng vệ sinh, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ, làm đẹp cảnh quan môi trường tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, từ khi được công nhận huyện nông thôn mới (năm 2017) đến nay, diện mạo làng quê Hoài Đức tiếp tục được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, người dân phấn khởi, tự hào khi quê hương trở thành những miền quê đáng sống. Đến nay, Hoài Đức đã đủ điều kiện và hoàn thiện hồ sơ để được Trung ương xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Tạo lực đẩy cho phát triển đô thị
Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới được coi là bản lề, đòn bẩy để Hoài Đức phát triển đô thị và trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội trong tương lai gần.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, huyện Hoài Đức được chia làm 3 khu vực chính: Vùng ngoài đê sông Đáy, vùng từ đê sông Đáy đến đường Vành đai 4, vùng phía Đông đường Vành đai 4. Trong đó, vùng phía Đông đường Vành đai 4 được quy hoạch là đô thị trung tâm với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuộc các quy hoạch phân khu đô thị S2, S3, S4 và GS. Trên địa bàn huyện có một số đường giao thông lớn chạy qua, như: Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, tuyến đường Vành đai 3,5, Vành đai 4, tỉnh lộ 422, 422B, 423 và tuyến đê Tả Đáy với chiều dài hơn 19km. Đây là các tuyến đường giao thông quan trọng, giúp kết nối với các quận nội thành, các huyện và các tỉnh trong cả nước, là điều kiện thuận lợi giúp huyện phát triển kinh tế – xã hội.
Xác định việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, huyện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn. Tại 19 xã của huyện có 774,51km đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng đã được bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng yêu cầu của tiêu chí giao thông. Huyện đang triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức quy mô 500 giường, đáp ứng tiêu chí quận.
Hoài Đức là huyện có tốc độ phát triển nhanh về đô thị, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Toàn huyện có 52 dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, thương mại đang triển khai thực hiện. Huyện cũng có hơn 4.000 doanh nghiệp; 53/54 làng có nghề, trong đó có 12 làng nghề truyền thống đã được công nhận; 9 cụm công nghiệp và nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, mang lại nguồn thu cho ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Đến nay, Hoài Đức đã đạt 27/31 tiêu chí quận, 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí phường về cơ sở hạ tầng. Nông thôn mới đã và đang tạo lực đẩy giúp huyện Hoài Đức sớm phát triển thành quận.
ST
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn